Có những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đúng quy định, song đến thời điểm hiện tại không có khả năng hoặc khó thực hiện được do đối tượng thực hiện đã nghỉ hưu, chuyển công tác, cá nhân nghỉ chế độ, mất.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa báo cáo các Đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15.
Một trong những nội dung quan trọng được Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo là vấn đề thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Hơn 67.513 tỷ đồng chưa được xử lý
Theo Tổng KTNN, các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15-20% số kiến nghị còn lại mỗi năm.
Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, đến tháng 12/2023, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 31.719 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 92%; kiến nghị khác là hơn 30.566 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 83%.
Ngoài ra, đối với các kiến nghị kiểm toán trước năm 2022, trong năm 2023 các đơn vị được kiểm toán đã tiếp tục thực hiện thêm gần 10.303 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, số kiến nghị chưa thực hiện đến 31/12/2023 là hơn 67.513 tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhân chưa thực hiện từ đơn vị được kiểm toán là gần 39.804 tỷ đồng (chiếm 59%); thuộc về trách nhiệm của KTNN hơn 283 tỷ đồng; nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 hơn 16.591 tỷ đồng (chiếm 24,6%); nhóm nguyên nhân khác gần 10.835 tỷ đồng (chiếm 16%).
Từ đó, KTNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp chậm, kéo dài nhiều năm việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm.
KTNN cũng kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán, tập trung vào một số nguyên nhân chưa thực hiện.
Cùng đó là nghiên cứu cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán thu hồi hoàn trả, giảm chi ngân sách trong các trường hợp cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự...
Kiến nghị đúng nhưng khó thực hiện
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng KTNN cho rằng, việc chậm thực hiện kiến nghị kiểm toán về tăng thu, giảm chi NSNN ngoài việc kỷ luật tài chính chưa được thực hiện nghiêm, còn có thể tác động về hiệu quả kinh tế khi không kịp thời huy động các khoản thu NSNN, thu hồi kịp các khoản chi sai để đáp ứng nhu cầu chi NSNN, giảm bội chi.
Bên cạnh đó, việc để các kiến nghị kiểm toán kéo dài dẫn đến rủi ro không hoàn thành công việc trong các trường hợp như: Thất lạc hồ sơ, vướng mắc trong đôn đốc chủ thể có trách nhiệm thực hiện kiến nghị hoặc liên quan đến thực hiện kiến nghị (tổ chức phá sản, giải thể, sáp nhập, chia tách,...; cá nhân nghỉ chế độ, mất, thanh lý hợp đồng...).
Phó Tổng KTNN cũng chỉ ra thực tế, có những kiến nghị của KTNN đúng quy định, song đến thời điểm hiện tại không có khả năng hoặc khó thực hiện được do đối tượng thực hiện đã nghỉ hưu, chuyển công tác, cá nhân nghỉ chế độ, mất; doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, đang thi hành án;...
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể để xử lý những trường hợp trên. Do đó về nguyên tắc KTNN vẫn theo dõi, cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng KTNN cho biết, tại phiên giải trình thực hiện kiến nghị kiểm toán vào tháng 9/2023, KTNN đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hướng xử lý chung đối với những trường hợp trên đã được KTNN, Thanh tra phát hiện qua hoạt động kiểm toán, thanh tra.
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, KTNN đang rà soát để sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước, trong đó sẽ nghiên cứu quy định cụ thể trong luật để xử lý những trường hợp này.
Đồng thời, KTNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát quy định; phối hợp thường xuyên đôn đốc các đơn vị được kiểm toán thực hiện kiến nghị kiểm toán từ sớm, ngay trong quá trình kiểm toán và sau khi báo cáo kiểm toán được phát hành.
Theo chương trình, ngày 5/6, Quốc hội sẽ chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán.
Các đại biểu sẽ chất vấn về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động KTNN; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.
Người trả lời chất vấn là Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn. Bộ trưởng các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.
Sai phạm của Thuận An, Phúc Sơn có liên quan đến các dự án đầu tư công, nhưng các doanh nghiệp này không phải là đối tượng được kiểm toán theo Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Trong năm 2024, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 21 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có dự án sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông.