Huyện biên giới Buôn Đôn của tỉnh Đắk Lắk có 46,7km đường biên giới tiếp giáp tỉnh Monđulkiri (Campuchia). Sự quan tâm của các cấp chính quyền đã giúp công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số tại đây có những chuyển biến đáng khích lệ với nhiều kỳ vọng.
Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp trên 1.200 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn ở mức vốn trên 61,9 tỷ đồng; tập huấn hướng dẫn cách làm ăn cho khoảng 450 lượt hộ nghèo; mở 8 lớp đào tạo nghề cho 280 lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số, trên địa bàn.
Đồng thời cấp mới, gia hạn 55.145 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, người dân sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, người có công…
Đến nay, huyện Buôn Đôn còn 5.312 hộ nghèo, chiếm 29,98% (giảm 3,96% so với năm 2022), đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Theo đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Buôn Đôn, bên cạnh các chương trình trước đây, huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (1719) và Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Buôn Đôn cho biết, năm 2023, trên cơ sở rà soát, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm 3,9%, đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra. Đây là kết quả khả quan và tương xứng, người dân đều đồng thuận, vui vẻ.
Tuy nhiên, dù có kết quả tích cực nhưng quá trình thực hiện xóa đói giảm nghèo, địa phương vẫn gặp một số khó khăn. Cụ thể là còn lúng túng với các văn bản hướng dẫn; Chương trình giảm nghèo bền vững được phê duyệt vào cuối năm 2023 nên chưa triển khai thực tế…
Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn Chương trình giảm nghèo bền vững, các cấp chính quyền địa phương huyện Buôn Đôn tiếp tục có kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban trên cơ sở phối, kết hợp với các ngành, chỉ đạo các xã theo dõi xuyên suốt.
Các cấp, ban, ngành cần nghiên cứu thêm chính sách, đặc biệt là triển khai Chương trình 1719, tăng cường thu hút nhà đầu tư. Tỉnh cần có cơ chế đặc thù với huyện biên giới còn khó khăn, có thể xây dựng nhà máy để bà con có công việc ổn định...
Việc giữ mức độ giảm nghèo đã khó, để thoát nghèo càng khó hơn. Vì vậy, để đạt mục tiêu đề ra thì cả hệ thống chính trị cần vào cuộc, đặc biệt là hệ thống thôn, buôn, già làng, người uy tín… Đây là cầu nối, kết nối trực tiếp thông tin người dân với địa phương.