Nếu như trước đây, Việt nam thường đi sau thế giới trong lĩnh vực công nghệ vì nhiều lý do, giờ đây với công nghệ Blockchain, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu xu hướng thế giới trong lĩnh vực này.
Từ trước đến nay, khi nói đến Blockchain, nhiều người thường nghĩ đến Gamefi hay tiền mã hoá (Crypto), tuy nhiên thực tế trong nước, công nghệ này còn được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
Điển hình Việt Nam được xem là tiên phong khi ứng dụng Blockchain vào lĩnh vực rèn luyện sức khoẻ với dự án Calo Metaverse, đây là một dự án tập luyện thể thao kết hợp thực tế ảo.
Calo Metaverse áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Sử dụng nền tảng Blockchain để lưu trữ dữ liệu, áp dụng công nghệ thực tế ảo VR/AR cũng như game hóa tất cả các hoạt động thể thao hàng ngày như bơi, đạp, chạy, thể thao tại chỗ, leo núi... thành những trò chơi. Khi tham gia vào ứng dụng này, người dùng sẽ được trải nghiệm vào một thế giới ảo luyện tập thể thao và có thể kết nối với nhiều người khác cùng sở thích trên khắp thế giới.
Chạy bộ là môn thể thao đầu tiên được áp dụng trên ứng dụng này và mới đây đội ngũ phát triển cũng ra mắt thêm Calo Indoor, giúp người dùng vận động ngay chính trong nhà thông qua các gameplay được thiết kế theo công nghệ AR.
Một lĩnh vực nữa được ứng dụng Blockchain sôi nổi trong thời gian qua chính là bất động sản. MoonKa là dự án khởi đầu trong việc đưa công nghệ này vào giao dịch kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Theo đó, các dự án bất động sản sẽ được chia nhỏ dưới dạng tài sản mã hoá (NFT), sau đó sẽ được đưa lên sàn giao dịch để mọi người có thể sở hữu chúng. Sau MoonKa còn xuất hiện 2 dự án cũng trong cùng lĩnh vực là Metain và Realbox.
Trong đó, đáng chú ý, Realbox là một nền tảng, mà người dùng khi tham gia vào có thể mua bất động sản tại các nước trên thế giới như Úc, Mỹ, Thái Lan và Việt Nam… với mức giá bắt đầu từ 1 USD.
Điểm nổi bật khi ứng dụng Blockchain vào lĩnh vực này, theo ông Alex Phạm CEO Realbox, mọi dữ liệu liên quan đến các tài sản bất động sản đều được thể hiện trên các hợp đồng thông minh (smart contract) và chuỗi khối (Blockchain), nên đều được minh bạch, giúp người tham gia và thậm chí là các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý các loại tài sản này.
Ở lĩnh vực Du lịch, Blockchain được startup Triip, một startup chuyên cung cấp các dịch vụ như đặt tour du lịch, đặt phòng trên toàn thế giới với phương thức thanh toán đa dạng, ứng dụng từ rất sớm (2018), với mục tiêu chuyển dữ liệu người dùng ra khỏi tay các tập đoàn công nghệ lớn và đưa quyền sở hữu về cho khách hàng. Với việc ứng dụng Blockchain, người dùng có thể nhận được Triipmiles (đơn vị thanh toán trong ứng dụng Triip), khi chia sẻ các thông tin chi tiết về kế hoạch du lịch sắp tới, chẳng hạn như điểm đến, đặt phòng khách sạn và sở thích.
Đáng chú ý Triip và tổng cục du lịch Catalan (Tây Ban Nha) đã hợp tác để triển khai một metaverse nhằm phát triển hình thức du lịch trong thế giới ảo. Theo đó, khách du lịch khi tới một điểm tham quan, sẽ tham gia làm các nhiệm vụ để được sở hữu các bộ sưu tập NFT, do Tổng cục Du lịch hay chính quyền thành phố đó ban hành. Sau đó có thể giao dịch các NFT này trên thị trường và có thể sử dụng nó để đổi ra các chuyến đi, dịch vụ du lịch miễn phí. Dự kiến tính năng du lịch trong metaverse này sẽ được ra mắt vào tháng 12/2022.
Một startup khác khá táo bạo khi ứng dụng Blockchain vào kinh doanh, đó chính là HanaGold hay còn gọi là “Tiệm kim hoàn 4.0”, một startup kinh doanh trang sức vàng, từng xuất hiện tại Shark Tank mùa 5 vừa qua.
Startup này đã dùng công nghệ để số hoá vàng vật chất. Theo đó, các trang sức vàng sẽ được ứng dụng công nghệ Blockchain, trở thành các tài sản mã hoá (NFT), đồng thời người mua cũng có thể dễ dàng sở hữu chúng thông qua việc phân tán thành các định lượng nhỏ. Nói một cách khác, với việc ứng dụng công nghệ Blockchain, người dùng có thể mua vàng với bất kỳ số tiền nào, chẳng hạn như bỏ ra 100.000 đồng để mua 0.02 chỉ vàng. Và với việc số hoá vàng bằng công nghệ này sẽ tạo ra một tài sản mã hoá duy nhất, minh bạch và an toàn, xác thực được nguồn gốc vàng cũng như đảm bảo chất lượng vàng cho người mua.
Ngoài ra, Blockchain còn được nhiều doanh nghiệp ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam trong thời gian qua như giáo dục, y tế, chăm sóc khách hàng…
Lê Mỹ