Bài 1: 9X kiếm hàng chục triệu đồng nhờ liên tục đi ăn miễn phí
Video giới thiệu một quán xôi của TikToker Nguyễn Trần Phong Vũ:
Không ăn vẫn khen nức nở
Bùi Tuyết Mai (25 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ, hiện tại cô chỉ nhận 5 - 7 đơn đặt hàng mỗi tuần, vừa đủ theo khả năng của mình. Nhưng cô biết có những người nhận đến 2 - 3 đơn/ngày.
“Nhiều chủ quán tâm sự với tôi là nhiều bạn đến chỉ chụp ảnh nhoáng một cái rồi về, không hề ăn uống, về vẫn lên bài như bình thường”.
Hay có những người bất chấp món ăn không có gì đặc sắc, còn nhiều “điểm trừ” nhưng vẫn viết bài khen nức nở miễn là nhận đủ tiền công.
Mai chia sẻ, cô không bao giờ chê quán nào quá thậm tệ vì dù gì đó cũng là miếng cơm manh áo của họ. Nhưng cô cũng xác định, khó có quán ăn hay món ăn nào hoàn hảo 100%, vì thế trong những nhận xét của mình, nếu có những thiếu sót nhỏ, cô vẫn phản ánh trung thực cho thực khách biết nhưng “diễn đạt nhẹ nhàng và khéo léo để không ảnh hưởng đến doanh thu của quán”.
“Với những quán ăn không đạt chất lượng hoặc không có gì đặc sắc, cô sẵn sàng từ chối hoặc sẽ góp ý để quán thay đổi. Nếu quán tiếp nhận ý kiến và thay đổi khiến mình hài lòng, lúc ấy mình giới thiệu cho họ cũng chưa muộn, còn nếu họ không đồng ý với góp ý của mình thì tôi sẽ từ chối”.
Mai nhớ, cách đây không lâu, cô nhận đơn hàng đánh giá một quán cà phê. Nhưng khi tới nơi, cô thấy không gian quán nhỏ, vị trí ngõ ngách, bài trí đơn giản, không có gì đặc sắc, đồ uống cũng chỉ ở mức trung bình. Cô xác định, với nguồn lực này, nếu cô có viết bài thì cũng không thể đạt lượt tương tác cao, ngoài ra có thể còn mất uy tín của mình.
Vì thế, Mai quyết định từ chối. Cô chỉ góp ý cho chủ quán những điểm mình thấy chưa được. “Thậm chí, tôi còn chuyển lại tiền nước hôm đó cho họ”.
Theo Mai, việc nhận trải nghiệm và đánh giá quán nhưng không ăn uống, thậm chí không gói đồ mang về không chỉ là “không có tâm” với nghề, mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng chủ quán.
Việc người đánh giá nhận quá nhiều đơn dẫn đến no bụng hoặc quá chán, không còn hứng thú thưởng thức món ăn là hiện tượng không hiếm gặp trong nghề này. Chính vì thế, Mai luôn chỉ nhận vừa đủ trong khả năng của mình.
Và nếu không ăn, uống hết các sản phẩm, cô thường gói mang về nhà, chia cho bạn bè, người quen cùng thưởng thức để đưa ra đánh giá tham khảo. “Đó cũng là cách tôi tôn trọng quán và chủ quán – những người đôi khi tự đứng bếp để nấu ăn, pha chế cho mình với mong mỏi mình thích và sẽ nhận xét tốt cho họ”.
‘Đừng làm thêm cho em dù chỉ vài sợi bún’
Một tình trạng khá phổ biến mà bất kỳ food reviewer nào có thâm niên cũng đều biết, đó là việc chủ quán làm cho người đánh giá không giống như khi làm cho khách.
Nguyễn Trần Phong Vũ, một food reviewer ở Hà Nội cho biết, tâm lý của chủ quán bao giờ cũng muốn người nhận xét được ăn một suất ăn đầy đặn nhất, ngon mắt nhất để họ nhận được đánh giá tốt. “Nhưng tôi bao giờ cũng nói trước nguyên tắc của mình là, quán làm cho khách ăn như thế nào thì làm cho tôi y như thế, đừng cho thêm vào bát của tôi dù chỉ vài cọng bún. Có như thế thì đến khi khách trải nghiệm, họ sẽ không bị thất vọng. Người đánh giá cũng giữ được uy tín của mình”.
“Hay có những quán mình đi ăn về nhận xét tốt nhưng khách đến lại thấy không được đầy đặn. Khách thắc mắc thì quán lại bảo hôm đó tôi ăn bát loại khác, đắt tiền hơn… Những trường hợp như thế mình luôn nói với quán là xin phép xoá video.
Hay có những quán mình ăn thấy không ổn, mình góp ý, nhưng họ lại bao biện là hôm mình ăn thì như thế, còn những hôm khác thì không. Những trường hợp ấy, mình cũng từ chối không dám nhận, vì không muốn lừa người xem”.
Chính vì những trường hợp này rất phổ biến, nên đôi khi Vũ hay làm một cách, đó là nhờ bạn bè đến ăn thử trước. Hoặc chính anh sẽ đến nhưng không báo trước, đeo khẩu trang để không bị nhận ra và âm thầm đánh giá món ăn đúng như một thực khách bình thường để đảm bảo yếu tố khách quan.
Mai cho rằng, một video, bài viết nhận xét hay có thể kéo khách đến quán nhưng không thể giữ chân họ nếu chất lượng món ăn không tốt. “Khách sẽ chỉ ăn một lần nếu chất lượng món ăn không đúng với đánh giá".
Với Lê Ngọc Trung – một TikToker ẩm thực cũng từng là một người kinh doanh, kể cả nhận xét theo đơn đặt hàng hay chọn quán đánh giá theo sở thích, anh đều không muốn đi theo hướng “bóc phốt”...
“Cũng là một người làm kinh doanh, tôi không muốn triệt tiêu đường sống của những người khác. Nếu mình ăn 1-2 lần thấy dở, không thể đánh giá tốt thì bỏ qua. Còn nếu cảm thấy họ chỉ có một chút chưa hoàn hảo thì tôi sẽ góp ý một cách khéo léo.
Nếu họ thay đổi thì tôi mừng, còn nếu họ nói rằng 80% thực khách vẫn đang hài lòng về cách làm của họ thì quán vẫn cứ nên làm theo cách của mình, chứ không phải chạy theo phục vụ một mình tôi. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì hầu như các quán đều cởi mở lắng nghe những góp ý”.
Nhưng không may mắn như anh Trung, anh Vũ từng gặp những chủ quán khá “khó chịu” và phản ứng mạnh khi nhận góp ý.
Anh Vũ kể, lần ấy anh đến ăn thử một quán bánh mỳ, bánh ngọt theo đơn đặt hàng của chủ quán.
“Chất lượng bánh của quán rất tốt. Mọi thứ gần như hoàn hảo cho đến khi tôi thấy chủ quán bốc bánh bằng tay không cho vào túi đóng gói, trong khi có cái kẹp ở đấy họ cũng không dùng, tay thì sờ hết chỗ nọ đến chỗ kia.
Tôi góp ý thì ông chủ nói sẵng ‘thôi, mày cứ biết việc của mày là đánh giá đi. Mày cứ quan tâm việc tao bán hàng làm gì…’. Tôi bảo ‘cháu góp ý thôi, bác làm thế khuất mắt trông coi, chứ khách nhìn thấy người ta cũng không thích đâu’. Ông chủ sau đó tỏ ra khó chịu nên Vũ đã từ chối nhận xét. Anh còn bị mắng: “Bố cái thằng shipper mà bày đặt…”, khiến anh khá buồn.
Người đánh giá ẩm thực (food reviewer) là một nghề mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây. Công việc này ngày càng thu hút được nhiều bạn trẻ - những người thành thạo các kỹ năng chụp ảnh, quay phim và hiểu về cách thức lan truyền thông tin trên các nền tảng mạng xã hội. Cũng giống như nhiều nghề khác, food reviewer cũng có những câu chuyện thú vị, những góc khuất mà chỉ người trong nghề mới biết. VietNamNet xin giới thiệu loạt bài về nghề đánh giá đồ ăn. |
Bài 3: Vui buồn nghề chấm điểm đồ ăn