Nhìn chung, đến thời điểm này, nhiều người dùng vẫn chưa có được câu trả lời chính xác cho câu hỏi tại sao phanh đĩa và phanh tang trống lại được sử dụng lần lượt ở phía trước và phía sau. Điều này dẫn đến nhiều người dễ đưa ra sự lựa chọn sai lầm khi mua xe.
Hãy cùng VietNamNet tìm hiểu lý do các nhà sản xuất lại sử dụng đĩa phanh trước và tang trống sau cho những mẫu xe du lịch phổ thông. Ai cũng biết hệ thống phanh ô tô là tính năng an toàn bắt buộc phải có trên bất kỳ một phương tiện di chuyển nào và phanh tang trống từng là tiêu chuẩn trên xe hơi nhiều thập kỷ trước.
Còn hiện nay, hệ thống phanh đĩa trên tất cả các bánh xe đã và đang dần trở thành trang bị tiêu chuẩn. Nhưng thực tế, vẫn còn nhiều mẫu xe mới đang sử dụng song song phanh đĩa ở phía trước và phanh tang trống ở phía sau.
Tại Việt Nam, trang bị phanh tang trống sau chủ yếu xuất hiện ở trên những mẫu xe sedan, MPV và SUV cỡ nhỏ giá rẻ như Hyundai Grand i10, KIA Morning, Toyota Wigo, Mitsubishi Attrage, Nissan Almera, Kia Sonet, Hyundai Venue, Toyota Raize, Mitsubishi Xpander, Suzuki Ertiga, Toyota Avanza, Honda BR-V,...
Lý do đầu tiên được nhiều chuyên gia ô tô đưa ra là khi đạp phanh, có tới 70% trọng lượng của xe được truyền tới phía trước, chỉ 30% trọng lượng được dồn về phía sau. Do đó, để xử lý trọng lượng lớn ở phía trước, phanh đĩa sẽ là trang bị đem lại hiệu quả phanh tốt hơn đáng kể so với phanh tang trống.
Điều này đến từ những ưu điểm của phanh đĩa như nhẹ hơn phanh tang trống, tản nhiệt tốt hơn, dễ sửa chữa và thay thế bên cạnh thứ quan trọng nhất là hiệu quả phanh cao.
Ngược lại, phanh tang trống có cấu tạo đơn giản, trọng lượng lớn, dễ bị tích tụ nhiệt trong quá trình phanh và bị giảm hiệu suất phanh do bị mài mòn má nhanh khi chịu tải nặng. Chính vì vậy, để đảm bảo quá trình phanh xe an toàn, các nhà sản xuất thường bố trí phanh đĩa phía trước và phanh tang trống phía sau.
Yếu tố kinh tế là lý do thứ hai được các nhà sản xuất ô tô cân nhắc nhằm cắt giảm chi phí và tối ưu hóa lợi nhuận. Phanh đĩa được cấu tạo từ các thành phần chính sau: Đĩa, một cặp má và cùm phanh. Bên trong cùm phanh sẽ có 2 má phanh ở 2 bên và hệ thống pít-tông thủy lực sẽ giúp má phanh ép vào 2 bên đĩa phanh.
Ngược lại, cấu tạo của phanh tang trống có cấu tạo đơn giản hơn gồm trống phanh và má phanh. Má phanh lại nằm bên trong và tiếp xúc trực tiếp với bề mặt trống phanh, một pít-tông sẽ đẩy phần guốc phanh ép má phanh vào trống phanh để tạo ra sự ma sát giúp xe giảm tốc.
Chính vì toàn bộ cấu tạo của phanh đĩa được thiết kế đặc biệt và phức tạp để mang lại khả năng dừng, hãm một cách nhanh nhất có thể nên chi phí sản xuất bộ phanh đĩa luôn cao hơn nhiều so với phanh tang trống. Còn chi phí sản xuất phanh tang trống tương đối thấp và có thể tái sản xuất được. Chưa kể, người dùng cũng sẽ tốn ít chi phí bảo dưỡng phanh tang trống hơn.
Ngoài các lý do kể trên, các nhà sản xuất ô tô vẫn sử dụng kết hợp phanh đĩa trước và phanh tang trống sau trên các mẫu xe đời mới còn bởi phanh tang trống hiện nay đã cung cấp hiệu suất dừng tốt hơn so với loại phanh đĩa đời đầu. Nhờ đó, khi kết hợp với phanh đĩa trước đã có khả năng dừng ấn tượng, hệ thống phanh đĩa và tang trống hầu như đã đảm bảo nhiệm vụ hãm, dừng xe khá tốt.
Tuy nhiên, trong điều kiện lái xe đường ướt, phanh đĩa đầy đủ trên tất cả các bánh vẫn hoạt động hiệu quả nhất. Vì vậy, người dùng nếu muốn tìm kiếm một chiếc xe có khả năng vận hành mạnh mẽ, hãy chọn những chiếc xe được trang bị phanh đĩa ở tất cả các bánh.
Ngược lại, nếu muốn một chiếc xe có thể tối ưu các chi phí, yêu cầu về vận hành vừa phải thì không có gì có thể tốt hơn là các mẫu xe có trang bị phanh tang trống phía sau. Phanh tang trống có thể kém hiệu quả trong điều kiện đường ướt nhưng trong điều kiện bình thường, hầu như phanh tang trống phía sau đều đã đáp ứng đủ nhu cầu lái xe hàng ngày.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!