Ngày 5/3 tới TAND TP HCM sẽ đưa vụ Vạn Thịnh Phát ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 29/4.

Trong vụ án này, cùng với kết luận hành vi sai phạm của từng tổ chức/cá nhân, cơ quan chức năng đã phân hóa, phân loại, có hình thức xử lý riêng đối với từng tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Theo đó, ngoài các bị can bị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi vi phạm liên quan ở những mức độ khác nhau. 

Căn cứ tính chất, mức độ hành vi sai phạm, đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận và có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo các quy định của Đảng và chính quyền.

vanthinhphat.jpg
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có trụ sở tại quận 1, TP.HCM. 

Liên quan đến vụ án, 7 cá nhân có sai phạm trong quá trình thanh tra, nhận tiền từ Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, CQĐT cho rằng, quá trình tham gia đoàn thanh tra, họ là cấp dưới, chỉ là thành viên đoàn tham gia một phần việc. 

Các báo cáo do họ thực hiện đã phản ánh trung thực nội dung, kết quả thanh tra. Những thành viên này không được bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục II, trưởng Đoàn thanh tra) phân công nhiệm vụ tổng hợp số liệu chung về thực trạng tài chính, nợ xấu và các sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB…

CQĐT đánh giá tính chất, mức độ hành vi của họ là thứ yếu, bị động, phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của bà Đỗ Thị Nhàn và họ đều không có chức vụ trong quá trình thanh tra. 

Quá trình làm việc với CQĐT, những người này đã thành khẩn khai báo về sai phạm và việc nhận tiền, tích cực hợp tác giúp CQĐT nhanh chóng làm rõ vụ án.

Trong số 7 người này, các ông Phạm Quốc Thịnh, Phạm Hồng Linh, bà Nguyễn Lan Hương đã chủ động khai báo 4 lần nhận tiền, trong đó 2 lần trả lại, mỗi người nhận và sử dụng 100 triệu đồng.

Bà Nguyễn Hà Linh chủ động khai báo được SCB đưa tổng số tiền 6.000 USD và 50 triệu đồng. Ông Lại Văn Bách và các bà Bùi Vũ Hồng Trang, Phạm Thị Thùy Linh khai báo được SCB đưa tiền 5 lần, tổng cộng mỗi người nhận 9.000 USD và 100 triệu đồng.

Ở phiên tòa tới đây, 42 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là các cá nhân tại NHNN được triệu tập đến tòa. Trong đó có các ông bà Thịnh, Hồng Linh, Hà Linh, Hương, Trang, Bách.

Liên quan đến vụ án, nhóm đối tượng được thuê đứng tên khoản vay, đứng tên đại diện pháp luật công ty ký hồ sơ vay, đứng tên tài sản bảo đảm…liên quan đến các hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định; nhóm cán bộ ở cấp đơn vị/chi nhánh cho vay…; nhóm cán bộ giúp việc cho HĐQT, Ban Kiểm soát của SCB cũng có sai phạm.

Nhưng CQĐT cho rằng, các cá nhân này đều là những người lệ thuộc, làm công ăn lương, có vai trò thứ yếu, ngoài tiền lương được trả, họ không được hưởng lợi gì khác, bản thân không nhận thức được hành vi đứng tên như trên giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền ngân hàng nên không bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Phân hóa vai trò trách nhiệm

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, điều đáng chú ý trong vụ án Vạn Thịnh Phát là không phải tất cả hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức cá nhân đều bị xử lý hình sự. Những hành vi vi phạm pháp luật nhưng không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ không đề cập xử lý hình sự.

Với những hành vi vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý hình sự nhưng hành vi là thứ yếu giúp sức, không hưởng lợi, thực hiện công việc theo chỉ đạo, nhận thức về pháp luật hạn chế cũng được đề cập xử lý bằng hình thức khác phù hợp với chính sách hình sự ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Theo luật sư, Bộ luật hình sự quy định, việc áp dụng pháp luật hình sự phải mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, hành vi, hậu quả, tránh việc áp dụng cào bằng máy móc, có thể dẫn đến oan sai hoặc không đảm bảo yếu tố răn đe giáo dục.

Theo đó khoản 2, điều 8 Bộ luật hình sự quy định: "Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác".

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: Với những hành vi tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không xử lý bằng chế tài hình sự. Quy định này trong Bộ luật hình sự thể hiện tính chất nhân đạo, nhân văn, thể hiện sự phân hóa vai trò trách nhiệm trong đồng phạm cũng như đối với những người có liên quan trong vụ án hình sự.

Bởi vậy, quá trình giải quyết vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng thận trọng trong việc xem xét, đánh giá hành vi của từng đối tượng, xác định tính chất của hành vi và đánh giá hậu quả của hành vi đó đã gây ra. Trong các vụ án có đồng phạm, phải làm rõ hành vi vai trò của từng đối tượng để xử lý phù hợp.