Bộ Y tế hôm 13/4 cho biết, dự kiến tuần tới có thể triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ em 5-11 tuổi trên quy mô toàn quốc. Vắc xin sẽ tiêm trước cho nhóm trẻ học lớp 6, sau đó mới triển khai tới nhóm nhỏ hơn.
Thực tế, một số tỉnh thành đã có kế hoạch tiêm chủng ngay trong tuần này. Ngày 14/4, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ học lớp 6 trên địa bàn. Hà Nội cũng dự kiến ngay ngày 16/4 sẽ bắt đầu tiêm cho trẻ 11 tuổi tại một số địa điểm.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn về vấn đề có nên đăng ký tiêm cho con hay không. Lý do bởi vắc xin Covid-19 mới được nghiên cứu sản xuất, trong khi đó trẻ 5-11 tuổi còn nhỏ, chưa bước vào lứa tuổi dậy thì nên có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bé sau này.
Thông tin về vấn đề trên, TS.BS. Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, lo lắng của nhiều phụ huynh là điều dễ hiểu bởi vắc xin phát triển trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, về mặt khoa học, quá trình từ nghiên cứu, phát triển đến đưa ra sử dụng vắc xin là quá trình rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Bởi vậy, vắc xin Covid-19 khi tiêm cho người dân đã được kiểm chứng về tính an toàn, tính hiệu quả dù sẽ còn cần tiếp tục theo dõi, đánh giá.
TS Ngãi phân tích, 2 loại vắc xin mRNA được đồng ý tiêm cho trẻ 5-11 tuổi tại Việt Nam (Pfizer và Moderna) bản chất là mRNA thông tin, có chức năng khi xâm nhập vào tế bào sẽ gắn với một thành phần của tế bào gọi là riboxome để tổng hợp protein. Chính nhờ chức năng này mà tế bào tổng hợp được protein gai của SARS-CoV-2 có thành phần kháng nguyên để kích hoạt hệ thống miễn dịch.
“Chức năng của mRNA sẽ gắn với riboxome, tổng hợp xong protein là hết chức năng và nó sẽ được các enzyme của tế bào tiêu hủy, không xâm nhập vào nhân tế bào. Như vậy, về mặt cơ chế khoa học, vắc xin này không tác động, không ảnh hưởng đến nhân, tức không làm biến đổi cấu trúc di truyền của cơ thể”, TS Ngãi nhấn mạnh. Do đó, người dân không cần quá lo lắng về vấn đề ảnh hưởng của vắc xin đên khả năng sinh sản sau này.
Theo TS Ngãi, đến nay, thế giới đã sử dụng 3 loại vắc xin Covid-19 để tiêm cho trẻ em, gồm: vắc xin mRNA, vắc xin virus bất hoạt và vắc xin tái tổ hợp.
Đối với vắc xin mRNA mà Việt Nam sẽ tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, hiện có hơn 50 quốc gia trên thế giới đã tiêm hoặc có kế hoạch tiêm, phần lớn ở các nước phát triển, khu vực Châu Âu, Mỹ. Riêng khu vực Tây Thái Bình Dương cũng có gần 20 quốc gia. Như vậy, Việt Nam sẽ sử dụng loại vắc xin giống với lựa chọn của nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Với vắc xin virus bất hoạt, theo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới, đến nay cũng có một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã tiêm gồm: Trung Quốc, Hồng Kông, Macao, Campuchia, Chile, UAE,.. Vắc xin tái tổ hợp hiện có Cuba, Venezuela đã sử dụng.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, tại các nước phát triển, luật pháp, quy trình phê duyệt vắc xin được tổ chức triển khai rất nghiêm ngặt, từ vấn đề chất lượng đến an toàn, hiệu quả. Vắc xin được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, sau đó thử nghiệm trên động vật rồi trải qua 3 giai đọan thử nghiệm lâm sàng mới bắt đầu đưa vào sử dụng. Sau đó, người ta vẫn tiếp tục theo dõi về hiệu quả, an toàn của vắc xin.
Đến nay, riêng 2 loại vắc Morderna và Pfizer đã tiêm hàng tỷ liều trên toàn thế giới. Mỗi quốc gia đều có sự theo dõi và bất kể nơi nào có trường hợp phản ứng bất thường sau tiêm chủng đều được thông tin cho các tổ chức quốc tế.
Kinh nghiệm từ nhiều nước đã triển khai tiêm chủng cho thấy, người đã mắc Covid-19 vẫn nên tiêm chủng. “Vì trong các đánh giá, người ta thấy rằng so sánh giữa nhóm F0 chưa tiêm chủng và F0 đã tiêm chủng thì với nhóm đã tiêm, hiệu quả mang đến tốt hơn nhiều, sinh kháng thể cao hơn, phòng lây nhiễm và giảm nặng, tử vong đều tốt hơn”, GS Lân cho hay.
Nguyễn Liên