Sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Vấn đề cốt yếu của Thủ đô là ô nhiễm môi trường
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự luật chỉnh lý theo hướng giao HĐND TP quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, vấn đề cốt yếu hiện nay của Thủ đô là ô nhiễm môi trường.
“Nhiều người nước ngoài ở Hà Nội nói rằng Thủ đô rất tuyệt vời, chỉ có mỗi điều là không khí tệ quá. Vậy luật ban hành có giải quyết vấn đề này không, phân quyền gì cho Hà Nội trong chuyện này?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Ông Vương Đình Huệ lấy ví dụ như tiêu chuẩn khí thải của ô tô và xe máy, Thủ đô có thể quy định theo hướng cao hơn, tích cực hơn đối với tiêu chí, tiêu chuẩn về môi trường. Nếu không có quy định tiêu chuẩn về khí thải cho xe máy thì không giải quyết vấn nạn về ô nhiễm không khí và tắc nghẽn giao thông.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề úng ngập, ô nhiễm môi trường là vấn đề liên ngành, chính quyền quản lý tổng hợp.
“Việc này giao cho thành phố quyết, chịu trách nhiệm có được không, chứ xin ý kiến bộ nọ, ngành kia lắc cái là chịu chết”, Chủ tịch Quốc hội gợi mở.
Ông nêu thực tế nhà máy đốt rác có quy hoạch rác thải nhưng phát điện lại chưa có quy hoạch điện gây "vất vả" cho địa phương.
“Nhà máy đốt rác Sóc Sơn công suất 4.500 tấn/ngày, phát được 100kwh điện, khóa trước tôi với các đồng chí phải mời Bộ Công Thương đi giải quyết từng dự án một, rất vất vả”, Chủ tịch Quốc hội kể.
Vì vậy theo Chủ tịch Quốc hội, trong khi các địa phương chưa gỡ được, thì có Luật Thủ đô cho phép gỡ vấn đề này, giao thẩm quyền cho TP Hà Nội.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, sửa Luật Thủ đô là cơ hội để rà soát lại việc phân cấp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường.
Nêu ý kiến sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần rà soát kỹ và đầy đủ những vấn đề về định mức, đơn giá, quy chuẩn, tiêu chuẩn trên tất cả các lĩnh vực, thậm chí là phí.
Hiện nay quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường còn rất thiếu. Thêm vào đó, quy định về định mức, đơn giá còn vướng mắc, dẫn đến khó khăn trong triển khai, không làm được các công trình tiêu biểu, đặc trưng cho Thủ đô.
Vì vậy, ông Đinh Tiến Dũng đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về việc quy định giao thẩm quyền cho thành phố là rất quan trọng.
Phương án xác định giới hạn được sử dụng không gian ngầm
Về việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo luật hiện đang thiết kế 2 phương án.
Phương án 1: Quy định ngay trong luật người sử dụng đất được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến 15m vào lòng đất; ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch nhưng phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải trả tiền theo quy định của Chính phủ.
Việc xác định giới hạn độ sâu 15m căn cứ vào phạm vi phân vùng chức năng được xác định tại Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phương án này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho thành phố Hà Nội trong việc chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, xác định rõ giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất và triển khai xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.
Phương án 2: Giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng; các nội dung khác quy định tương tự như phương án 1.
Phương án này có ưu điểm là có thể quy định giới hạn độ sâu người sử dụng đất được toàn quyền sử dụng một cách linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm địa chất và tiềm năng khai thác, sử dụng không gian ngầm của từng khu vực.
Do đây cũng là nội dung mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm nên nếu giao Chính phủ quy định chi tiết thì trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, bất cập Chính phủ sẽ kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, việc xác định quyền của người sử dụng đất bề mặt trong việc sử dụng không gian ngầm thực chất là việc hạn chế quyền của người sử dụng đất, vì vậy, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì nội dung này cần được quy định trong luật của Quốc hội.
Ông Tùng cho hay, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tán thành phương án 1.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lại bày tỏ ý kiến nghiêng về phương án 2. Theo đó, trong luật quy định không gian ngầm có giới hạn bao nhiêu lần, còn giới hạn cụ thể giao cho Chính phủ quy định cho phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong khi chưa có pháp luật chuyên ngành thì quy định trong luật này là không gian ngầm có giới hạn, còn giới hạn cụ thể thì giao cho Chính phủ quy định.
“Nếu luật quy định 15m thì cơ sở nào, còn quá 15m phải xin phép, lúc đấy lại đi xin, đi cho, rồi xử lý cán bộ mình sai phạm thì không nên”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải quy định minh bạch để làm chứ không phải đi xin ai. Chính phủ có trách nhiệm quy định chỗ này.
Với phương án 1, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không có căn cứ thực tiễn, khoa học, pháp lý và tạo ra sự không minh bạch, cơ chế xin – cho.