Nhiều người nghe quảng cáo bùi tai đã xuống tiền đầu tư vào các "dự án ma", để rồi đau đớn nhận bài học khi biết mình là nạn nhân của trò lừa đảo.
Lời tòa soạn:
Thời gian vừa qua, cơ quan công an đã bắt giữ nhiều đại gia để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những đại gia này vẽ ra các “dự án ma” để lừa bán bất động sản. Có không ít nhà đầu tư chỉ từ những lời "rỉ tai" của người quen, tin lời người môi giới đã xuống tiền mà không tìm hiểu kỹ về pháp lý của dự án, cũng như là những thông tin cần thiết trước khi tham gia đầu tư, để rồi trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo.
Thuê 'diễn viên' đưa nhà đầu tư vào bẫy
Công an tỉnh Đồng Nai đang tạm giữ ông Huỳnh Hữu Tường (32 tuổi, ngụ tại phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP.HCM), nghi can chủ mưu tổ chức lừa đảo bán “dự án ma” tại Đồng Nai.
Theo điều tra ban đầu, để né tránh trách nhiệm và đối phó với cơ quan chức năng, ông Tường thuê Nguyễn Văn An (27 tuổi) làm Tổng Giám đốc và An đã xây dựng một tổ chức lừa đảo núp bóng công ty bất động sản. Tổ chức này hoạt động rất tinh vi, có kịch bản, phân công cấp bậc từng người.
Cụ thể, từ tháng 6/2022, Công ty Lộc Phúc tổ chức các sàn giao dịch bất động sản “ảo” trên địa bàn Đồng Nai. An thuê hơn 120 nhân viên cùng 20 người khác được trả tiền để làm “diễn viên” đóng giả khách hàng.
Trong đó, khoảng 100 người là sinh viên, thực tập sinh làm nhân viên cho công ty. An cho người hướng dẫn các sinh viên vào trang mạng xã hội, tìm những căn nhà đẹp rồi chụp ảnh, đăng lên website của công ty và trang Chợ tốt để giới thiệu bán cho khách hàng.
Khi “con mồi” yêu cầu đi xem nhà, nhân viên Công ty Lộc Phúc dùng số điện thoại (sim rác) liên hệ với khách hàng rồi hẹn đến một quán cà phê đã được công ty sắp đặt trước. Tại điểm hẹn, hàng trăm nhân viên và “diễn viên” đợi khách hàng đến rồi “lùa” lên ô tô 52 chỗ, chở thẳng về “dự án ma” của công ty ở Đồng Nai.
Trên xe, các “diễn viên” ngồi xen kẽ với khách hàng, giao tiếp với họ để tạo sự gần gũi, rồi lôi kéo, dụ dỗ họ cùng giao dịch mua bất động sản. Tiền của các “diễn viên” đều do công ty chuẩn bị sẵn. Khách hàng thấy các “diễn viên” xuống tiền đặt cọc cũng làm theo.
Khi xe đưa khách hàng đến vị trí “dự án ma” do công ty dựng lên, các nhân viên đưa ra bản vẽ tự thiết kế, giới thiệu sản phẩm giá trị cao gấp nhiều lần so với thực tế của lô đất. Nhân viên thúc giục khách hàng xuống cọc còn “diễn viên” có nhiệm vụ tác động tâm lý, tạo lòng tin cho khách.
Khi khách hàng đồng ý đặt cọc khoảng 100 triệu đồng, công ty sẽ viết biên nhận. Trưởng phòng kinh doanh, nhân viên tiếp tục tác động khách hàng đặt thêm tiền cọc từ 60 - 70% giá trị giao dịch trên lô đất. Nếu khách hàng phát hiện ra lô đất đó cao hơn giá trị thực tế, yêu cầu trả lại cọc, nhân viên sẽ từ chối. Trường hợp khách hàng khiếu nại, tố cáo, nhân viên trực tiếp giao dịch với khách hàng đó sẽ huỷ sim rác và chặn liên lạc.
Thực tế, các lô đất “dự án ma” được Công ty Lộc Phúc mua nhưng với giá đất nông nghiệp, sau đó tự vẽ dự án, rao bán với giá 2-3 tỷ đồng. Cơ quan công an ước tính mỗi tháng công ty này đã chiếm đoạt khoảng 20 tỷ đồng của người dân. Cho tới nay, con số này có thể lên tới hàng trăm tỷ.
Từ ngày 31/8 đến nay đã có 60 khách hàng là nạn nhân đến tố cáo hành vi lừa đảo mua bán bất động sản của Công ty Lộc Phúc, với số tiền giao dịch lên đến trên 70 tỷ đồng.
Gian dối về dự án và pháp lý của các thửa đất
Trong một diễn biến khác xảy ra vào tháng 2/2020, sau khi Nguyễn Thanh Hùng (SN 1994, Giám đốc Công ty Bình Dương City Land) bị bắt giam, rất đông khách hàng đã kéo đến nhà người này để đòi lại tiền. Nhiều người vây quanh căn nhà, treo băng rôn kín cổng, tập trung đòi tiền.
Qua điều tra, công an tỉnh Bình Dương xác định, Hùng và Phó Giám đốc Hoàng Anh Vui (SN 1994) liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán đất nền tại các dự án KDC Phúc Long City, khu dân cư Happy Home (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo), khu nhà ở Phúc Long 1, Phúc Long 2, khu dân cư Green City, Green City 2, Green City 3 (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng).
Theo cáo buộc, từ năm 2018 – 2019, Hùng đề xướng, bàn bạc, thống nhất với nhóm đồng phạm góp vốn thành lập công ty kinh doanh bất động sản dưới hình thức lập dự án, phân lô, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nền.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng, Hùng cùng đồng phạm đã đưa ra thông tin gian dối về dự án và pháp lý của các thửa đất… để ký hợp đồng thỏa thuận đầu tư, chuyển nhượng quyền sử dụng các thửa đất (dự án) không có pháp lý nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Trong khoảng thời gian này, Hùng và đồng phạm đã thành lập 3 công ty kinh doanh bất động sản, thuê trụ sở tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Sau khi thành lập công ty, Hùng cùng đồng phạm “vẽ” dự án rồi rao bán, ký 455 hợp đồng chuyển nhượng 455 lô đất ở 7 dự án chưa được cấp phép khác nhau. Với việc ký các hợp đồng này, Hùng và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 162 tỷ đồng của 384 khách hàng. Trong đó có một số khách hàng đã mua nhiều dự án do nhóm bị cáo rao bán.
Ngày 21/7, TAND Bình Dương đưa Nguyễn Thanh Hùng và đồng phạm ra xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa án đã triệu tập gần 400 người là bị hại của Hùng và đồng phạm đến tòa. Tuy nhiên do thiếu nhiều bị hại nên phiên tòa phải tạm hoãn.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, từ việc người dân căng băng rôn để phản đối chủ đầu tư, đòi quyền lợi, đến việc tố cáo hành vi lừa đảo, huy động vốn trái phép và CQĐT khởi tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với nhiều người từng được coi là đại gia trong giới kinh doanh bất động sản cho thấy, thị trường bất động sản ở Việt Nam đang tồn tại nhiều vấn đề về đạo đức kinh doanh, tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.
Bởi vậy, đã đến lúc phải tăng cường công tác quản lý đối với lĩnh vực này để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, của các nhà đầu tư chân chính.
Theo luật sư, các thông tin về thị trường bất động sản chưa minh bạch, chưa rõ ràng, nên để tìm hiểu dự án bất động sản nào có thật và đâu là "dự án ma" ở nhiều địa phương hiện nay vẫn còn là vấn đề khó khăn.
Bài 2: ‘Dự án ma’ và chuyện ‘miếng phô mai trong cái bẫy’