Lương thấp, xin nghỉ việc vẫn phải chờ 2 tháng?
Anh T., không tránh khỏi cảm giác bùi ngùi khi đặt lá đơn xin nghỉ việc lên bàn trưởng khoa vào tháng 3/2022. Anh là nhân viên y tế của Bệnh viện Thành phố Thủ Đức. Trưởng khoa đồng ý ký ngay. Lá đơn này không phải là duy nhất.
"Không có bệnh viện tư nào mời tôi về làm cả, mà thu nhập ở đây quá thấp rồi", anh nói.
Tháng 12/2021, anh T. mắc Covid-19, đồng nghĩa với thu nhập tháng này của anh hoàn toàn là lương cơ bản. Nghe nói sẽ được hỗ trợ vì nhiễm bệnh, anh T. làm hồ sơ giấy tờ nhiều lần. Vậy nhưng đến nay, anh chưa nhận được khoản tiền nào được gọi là chế độ.
Bệnh viện TP Thủ Đức từng là một hiện tượng của ngành y tế. |
“Cách đây hơn 2 năm, thu nhập của tôi ở Bệnh viện TP Thủ Đức là trên 10 triệu đồng. Bây giờ, tôi chỉ còn lương cơ bản và thu nhập tăng thêm được 5 triệu, có người còn thấp hơn nữa. Ai không may bị Covid-19 thì tháng đó chỉ còn lương cơ bản”, anh nói.
Anh T. chia sẻ, không ít nhân viên y tế của bệnh viện đang mệt mỏi. Hiện tại, công việc quá nhiều mà thu nhập bị cắt giảm nên nhiều điều dưỡng, bác sĩ, kỹ thuật viên… rơi vào thế phải cầm cự. Có người còn mong trở thành F0 để có thể được nghỉ ngơi.
Chán nản kéo dài, anh T. nộp đơn xin nghỉ để tìm đường đi mới, nhưng bệnh viện chỉ duyệt cho anh nghỉ từ giữa tháng 5.
Chị P., một kỹ thuật viên gây mê vừa chính thức nghỉ việc từ tháng 3/2022. Chị chia sẻ, dự định nghỉ việc đã có từ lâu nhưng vì dịch Covid-19, chị ở lại cùng đồng nghiệp xông pha.
“Tôi muốn thay đổi môi trường phù hợp hơn với mình, không còn quá vất vả vì trực đêm hay áp lực công việc. Thu nhập thấp nhưng không phải là lý do duy nhất.
Phải nói thật, so với các Bệnh viện tuyến huyện thì nhân viên Bệnh viện Thủ Đức có thu nhập tốt hơn hẳn (nếu không bàn đến áp lực và khối lượng công việc). Tuy nhiên, thời gian qua đã bị sụt giảm nhiều. Như trường hợp của tôi, thu nhập bị giảm khoảng 40%”, chị nói.
Nhân viên y tế Bệnh viện Thủ Đức trong đợt dịch Covid-19. |
Một bác sĩ lâu năm và tâm huyết với Bệnh viện TP Thủ Đức thở dài: “Đúng là có nhiều người nghỉ, phần lớn vì thu nhập giảm nhiều. Có lẽ là tình hình chung của bệnh viện công lập. Điều may mắn là bệnh viện vẫn duy trì các kỹ thuật cao nên bệnh nhân không bị thiệt thòi".
Tuy nhiên, người thiệt thòi lúc này lại là nhân viên y tế.
Được biết, có trường hợp gắn bó gần 10 năm với bệnh viện cũng đã xin nghỉ, một số khác chuyển sang bệnh viện tư.
Một nguồn tin cho hay, nhân viên y tế nghỉ việc xảy ra ở nhiều khoa, phòng tại Bệnh viện TP Thủ đức. Ví dụ, khoa Truyền máu-Huyết học trước đây có hơn 40 nhân viên nhưng hiện tại chỉ còn 18 người. Có thời điểm, họ phải đi khuân vác đồ đạc, vận chuyển máy móc, thiết bị y tế... theo yêu cầu của khoa, trong khi nhiệm vụ là làm chuyên môn.
Lãnh đạo bệnh viện nói gì?
Ngày 30/3, trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho biết, việc giải quyết nghỉ việc cho nhân viên y tế hiện được thực hiện đúng theo quy trình và quy định.
“Tất cả đều theo đúng quy trình, bệnh viện không gây khó khăn gì cho nhân viên cả. Thật sự thì đơn vị nào cũng muốn nhân sự gắn bó lâu dài và động viên họ ở lại. Tuy nhiên, nếu nhân viên đã quyết định, có sự đồng ý của lãnh đạo khoa, ban chấp hành công đoàn... thì chúng tôi sẽ giải quyết. Đây là quyền lợi của họ”.
Trước câu hỏi, trong năm 2022, đã có bao nhiêu nhân viên y tế của Bệnh viện TP Thủ Đức xin nghỉ việc, lãnh đạo này từ chối trả lời.
Người này chia sẻ thêm, bất cứ sự việc gì liên quan đến Bệnh viện TP Thủ Đức hiện nay dễ bị liên hệ đến sự việc khác, có thể ảnh hưởng tâm lý của nhân viên đang công tác tại bệnh viện. Việc nhân viên y tế nghỉ việc là bình thường nhưng nếu đặt trong thời điểm này sẽ bị hiểu theo hướng không tích cực.
Có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn nhất của nhân viên Bệnh viện TP Thủ Đức khi tháng 11/2021, nguyên Giám đốc Bệnh viện bị bắt để điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Tháng 1/2022, một nhân viên phòng vật tư của bệnh viện bị bắt tạm giam do liên quan đến vụ mua kit test của công ty Việt Á.
Bệnh viện TP Thủ Đức khi chưa đổi tên. |
Trước đó, tháng 11/2021, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM thông tin, TP đã có 968 nhân viên y tế nghỉ việc trong năm, tăng nhẹ ở nhóm điều dưỡng và bác sĩ ở trạm y tế phường xã. Năm 2020, con số tương ứng là 597 người.
Đến tháng 12, Thủ tướng Chính phủ có văn bản giao Bộ trưởng Bộ Y tế phải có giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục tình trạng không ít nhân viên y tế đang nghỉ việc, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Thực tế, làn sóng nhân viên y tế ở bệnh viện công nghỉ việc đã kéo dài nhiều năm. Riêng TP.HCM ở mức 400-500 người/năm. Năm 2021 ghi nhận con số cao nhất ở địa phương này sau thời gian dài gồng mình chống dịch Covid-19.
Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (trước đây là Bệnh viện quận Thủ Đức) từng được xem là một hiện tượng của ngành y tế. Năm 2014, đây là bệnh viện tuyến quận duy nhất của cả nước được xếp hạng 1. Năm 2017, trở thành BV tuyến quận đầu tiên triển khai mổ tim hở.
Năm 2021, Bệnh viện quận Thủ Đức chính thức đổi tên thành Bệnh viện thành phố Thủ Đức. Hiện, BV triển khai đầy đủ các chuyên khoa kỹ thuật cao theo phân tuyến, thực hiện khám chữa bệnh trung bình từ 5.000 - 6.000 lượt ngoại trú/ ngày, khoảng 200 trường hợp cấp cứu/ ngày.
Sau khi bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức bị bắt, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, phó giám đốc Bệnh viện được phân công phụ trách điều hành từ ngày 30/11/2021.
Linh Giao
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: 'Đợt dịch Covid-19, có ngày tôi ký 1 tập đơn xin nghỉ việc'
“Đợt dịch vừa qua, có thời điểm, mỗi ngày tôi đều ký một tập đơn xin nghỉ việc. Có nhân viên trạm y tế, trung tâm y tế và cả bệnh viện”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ.