Theo cảnh sát Hàn Quốc, số lượng các báo cáo về bạo lực hẹn hò đã tăng gấp đôi từ 9.364 trường hợp năm 2016 lên 18.945 vào năm 2020. Ngoài ra, báo cáo về các vụ bám đuôi, rình rập cũng tăng 423%, từ 2.772 trường hợp năm 2018 lên 14.509 trường hợp vào năm 2021, theo Chosun Ilbo.
"Điều phụ nữ thực sự sợ không phải là bạo lực từ những người lạ mà là chính từ những người họ biết rõ", Lee Soo-jung, giáo sư tâm lý học pháp y tại Đại học Kyonggi, cho biết.
Trong một cuộc trấn áp của cảnh sát đối với bạo lực hẹn hò vào tháng 7, 8/2020, 65,6% nạn nhân là phụ nữ, nhưng số lượng đàn ông bị tấn công cũng đáng kể, cho thấy bầu không khí giữa hai giới ngày càng độc hại.
Sau khi rình rập, bám đuôi trở thành hành vi bất hợp pháp ở Hàn Quốc từ tháng 10/2021, 81,3% thủ phạm là nam giới và 80,8% nạn nhân là phụ nữ.
Theo luật này, các hành vi tiếp cận, theo dõi hoặc chặn đường; chờ đợi hoặc quan sát nạn nhân trong và xung quanh nơi ở, nơi làm việc, trường học của họ; gửi tin nhắn, hình ảnh hoặc video không được yêu cầu qua thư, điện thoại, mạng xã hội; gây lo lắng hoặc sợ hãi bằng cách phá hủy các đồ vật xung quanh nơi ở của nạn nhân đều được xếp loại là hành vi rình rập.
Hầu hết vụ bạo lực xảy ra trong quá trình chia tay. Đường dây nóng Phụ nữ Hàn Quốc đã phân tích các vụ giết hại người yêu được đưa tin trên các phương tiện truyền thông vào năm 2021 và phát hiện 26,7% trong số này có liên quan đến ly hôn, chia tay hoặc từ chối yêu cầu quay lại hẹn hò.
"Thủ phạm bạo lực hẹn hò có xu hướng muốn kiểm soát đối phương và tức giận khi bị yêu cầu chia tay", Yoon Jung-sook, Viện Tội phạm học Hàn Quốc, cho biết.
Kwak Dae-kyung thuộc Đại học Dongguk cũng nhận định: "Việc khoe khoang về phụ nữ mà đàn ông hẹn hò trong văn hóa nam nhi thường dung túng cho bạo lực hẹn hò và rình rập. Chúng ta cần thúc đẩy sự quan tâm của xã hội trong việc tôn trọng quyền quyết định của phụ nữ".
Theo Zing