Thời gia qua, do giá xăng liên tục tăng, thu nhập giảm, rất nhiều shipper buộc phải bỏ nghề, tìm kiếm công việc khác.
Ông Hoàng Văn Nguyên, một shipper của Garb, than thở: "So với xe ôm công nghệ, giá cước giao hàng thường thấp hơn giá cước chở khách, ưu đãi cũng ít hơn nên khi giá xăng tăng cao shipper chịu thiệt thòi hơn cả".
Còn theo ông Phan Công Tiến, shipper của Gojek, giá xăng tăng cao đồng nghĩa với thu nhập giảm. Chưa kể giá cước gần đây được các hãng công nghệ tăng lên vài ngàn đồng đồng mỗi ki-lô-mét, cũng làm cho khách đặt hàng giảm theo. Đơn hàng giảm, cộng với giá xăng tăng khiến thu nhập của shipper giảm gần phân nửa, nhiều người buộc phải tắt app nghỉ chạy.
Nhiều shipper đưa ra mức thu nhập của họ hiện nay là quá thấp. Chẳng hạn trước đây, mỗi ngày có ít nhất 20 đơn hàng, giá cước mỗi đơn trung bình khoảng 15.000 đồng, trừ đi tiền xăng còn khoảng 10.000 đồng. Tính ra mỗi ngày thu nhập ít nhất cũng được 200.000 đồng. Thế nhưng hiện nay, thu nhập chỉ còn khoảng phân nửa.
Đó là đơn hàng lẻ, còn đơn hàng ghép, có mức cước còn rẻ hơn. Giá cước đơn hàng ghép chỉ khoảng 30.000 đồng, với 7 điểm giao hàng, xem như tiền xăng "ăn" hết.
Đại diện hãng xe công nghệ Grab cho biết hãng này đã và đang triển khai một số chương trình thưởng để hỗ trợ đối tác tài xế. Cụ thể, đối tác tài xế có thể tham gia chương trình "an tâm thu nhập" để được bảo đảm doanh thu theo khung giờ hoạt động; hoặc chương trình "thưởng ngọc tích lũy" được cập nhật mỗi ngày, chương trình thưởng thêm khi hoàn thành đơn hàng hoặc cuốc xe. Ngoài ra, Grab cũng đang tích cực triển khai các chương trình khuyến mại để người dùng sử dụng dịch vụ tiện lợi và tiết kiệm hơn, từ đó giúp đối tác tài xế có thêm đơn hàng.
Đại diện của Gojek cũng cam kết hỗ trợ đối tác bằng việc thưởng khi hoàn thành lượng đơn hàng trong ngày.
(Theo Người lao động)
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam kiến nghị cho phép lưu thông danh mục hàng hóa như trong điều kiện bình thường và đưa shipper vào danh sách ưu tiên ở mức cao được tiêm vắc xin.