Giải thưởng Sách Quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 6 (2023) được tổ chức ngày 29/12/2023 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).
Trước lễ trao giải, phóng viên VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.
- Năm nay, quy chế Giải thưởng Sách quốc gia có những thay đổi gì, thưa ông?
Quy chế Giải thưởng Sách quốc gia năm nay có sự thay đổi tương đối lớn. Bên cạnh ba đơn vị giới thiệu sách dự giải từ trước đến nay vẫn đang làm là: Các NXB; Đơn vị liên kết xuất bản; Các đơn vị, cơ quan quản lý và các tổ chức nghiên cứu, chúng tôi bổ sung thêm đối tượng thứ tư - các cơ quan truyền thông.
Mặc dù năm nay chúng tôi chưa nhận được giới thiệu chính thức từ phía truyền thông nhưng giới thiệu “không chính thức” đã có. Điều này đem lại những kết quả nhất định, thể hiện rõ nét qua việc tăng số tác phẩm dự thi.
Ngoài ra, chúng tôi cũng mở rộng cơ cấu giải thưởng. Bên cạnh các giải thưởng A, B, C cho từng mảng sách thì có thêm giải Khuyến khích để động viên các NXB tham gia.
Về tiêu chí xét chọn giải, cơ cấu tính điểm ở mỗi mùa giải, các mảng sách khác nhau sẽ có cách tính khác nhau, nhưng phần lớn dựa trên 3 nội dung chính: tính tư tưởng, tính thực tiễn và tính khoa học. Mùa giải này, chúng tôi bổ sung thêm một yếu tố nữa, làm sâu sắc hơn tính thực tiễn, đó là tính lan tỏa. Nghĩa là cuốn sách đó không những phải đảm bảo tiêu chí về mặt tư tưởng, khoa học, thực tiễn và còn phải đảm bảo thêm tiêu chí lan tỏa rộng khắp.
Sự lan tỏa được đánh giá dựa trên 4 yếu tố quan trọng:
Thứ nhất, dựa trên sự đánh giá về số lượng bản sách in. Chúng tôi thống nhất không phải bất kỳ cuốn sách nào chỉ dựa trên số lượng in sẽ đánh giá được sự lan tỏa, song đó vẫn là một tiêu chí cần thiết.
Thứ hai, dựa trên việc báo chí thông tin về cuốn sách. Có thể tác phẩm không có số lượng in nhiều nhưng nếu được truyền thông quan tâm thì đó cũng là tiêu chí đánh giá cho sự lan tỏa.
Thứ ba là tiêu chí trong giới, thành viên Ban giám khảo đều là những chuyên gia trong giới, tổ chức hội. Khi các tác giả là chuyên gia đầu ngành tham gia họ cũng hiểu rất rõ cuốn sách tác động và “định vị” như thế nào trong giới của mình, nhất là công trình nghiên cứu khoa học.
Thứ tư, chúng tôi tính toán đến việc những tác phẩm được trao thưởng sẽ tạo hiệu ứng, truyền thông và tác động như thế nào.
Dựa trên 4 yếu tố đó, mặc dù cơ cấu tính điểm chỉ chiếm 15%, nhưng cũng là nỗ lực bước đầu để khắc phục những hạn chế trước đây: tuy chấm rất kỹ nhưng chưa lựa chọn được tác phẩm tạo ra sự lan tỏa và công chúng ghi nhận.
Năm 2023, với tinh thần đổi mới quyết liệt, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Hội phối hợp chặt chẽ triển khai một cách hiệu quả hơn, ngay từ việc trao giải. Chúng tôi cũng chuyển địa điểm tổ chức, từ Nhà hát VOV sang Nhà hát Lớn - địa điểm mang nhiều dấu ấn về mặt văn hóa, lịch sử nhằm tạo hiệu ứng truyền thông tốt hơn.
- Giải thưởng năm nay có sự góp mặt của sách nói, sách điện tử không, thưa ông?
Đây là một khiếm khuyết, chúng tôi chưa có giải thưởng cho nội dung sách điện tử. Và cũng có một lý do là hầu như sách điện tử năm nay không phải sách mới, là những cuốn xuất bản, tái bản lại dưới hình thức điện tử của sách in. Chưa có tác phẩm nào được xuất bản trực tiếp thành điện tử (chỉ trừ một số sách có nội dung tuyên truyền đặc biệt).
Năm nay sách điện tử phát triển là điều đáng mừng, là “hiện tượng” của ngành xuất bản. Tôi tin rằng nhìn vào sự khởi sắc của sách điện tử, sách nói, hội đồng cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có chỉ đạo mới để chấm riêng thể loại này.
Với sách điện tử, có một chỉ số rất rõ ràng và tường minh đó là số lượng người đọc. Chúng tôi kỳ vọng tới đây dù chưa có giải riêng cho sách điện tử nhưng sẽ lấy kênh sách điện tử như một tiêu chí đánh giá tính lan tỏa của cuốn sách.
- Có ý kiến cho rằng, người ngồi trong hội đồng có sách dự giải là không hợp lệ, quan điểm của ông như thế nào?
Chưa cần báo chí phải lên tiếng, từ trước đến nay chúng tôi bao giờ cũng có một quy chế và cơ chế, đó là các thành viên chấm giải có tác phẩm tham dự tuyệt đối không được chấm sách của mình.
Ví dụ nhà xuất bản mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm Giám đốc (NXB Hội Nhà văn) gửi các sách lên dự giải, anh Thiều cũng chủ động không dự và bỏ phiếu cho các tác phẩm đó. Bản thân những người có uy tín rất biết cách gìn giữ hình ảnh của họ, chưa cần nói đến quy chế.
Vì vậy, không bao giờ có chuyện người tham gia hội đồng bỏ phiếu cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, do giá trị của tác phẩm nên hội đồng vẫn ghi nhận và xét giải.
Bên cạnh đó, quy chế của giải thưởng rất nghiêm ngặt khi bỏ phiếu, nếu vắng mặt với bất cứ lý do gì đều được tính là “phiếu không”. Quy định chặt chẽ như vậy nhằm đảm bảo tất cả các thành viên hội đồng phải cố gắng có mặt đầy đủ và thể hiện quan điểm với trách nhiệm cao nhất.
- Tỷ lệ sách dịch tham gia dự giải năm nay như thế nào, thưa ông?
Có ba mảng sách mà tỷ lệ sách dịch chiếm tương đối lớn, thậm chí có thể nói là rất lớn: sách thiếu nhi, sách văn học, sách khoa học công nghệ (không kể sách tham khảo để học tập).
Khi đưa vào xét giải, số lượng sách dịch không nhiều so với mọi năm. Các tác giả mảng sách khoa học công nghệ, phần lớn vẫn là người Việt, kể cả những công trình nghiên cứu chính trị năm nay cũng có sự kết hợp giữa tác giả Việt Nam và tác giả nước ngoài. Ở góc độ nào đó, chúng tôi vẫn xác định đó là những cuốn sách xuất bản tại Việt Nam.
Tác phẩm thiếu nhi năm nay được trao giải hoàn toàn là sách của Việt Nam. So với mọi năm các tác giả, nhà xuất bản cũng chú trọng hơn trong việc giới thiệu sách của tác giả trong nước. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa chúng tôi “kỳ thị” sách dịch. Bởi sách dịch vẫn thực hiện nhiệm vụ quan trọng là cung cấp các tri thức mới, thậm chí sự kiện mới.
Năm nay, số lượng NXB dự giải giảm vì có 10 NXB và đơn vị xuất bản sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo - mảng sách này không được chấm.
Trải qua 2 năm dịch Covid, nhiều đơn vị gặp khó khăn. Chúng tôi chứng kiến câu chuyện của nhiều đơn vị chỉ thực hiện tái bản các cuốn sách và tập trung xuất bản với số lượng không nhiều để thu được nguồn lực, tạo điều kiện vượt qua giai đoạn nhiều trở ngại.
Năm 2023 cũng là một năm nhiều thách thức đối với ngành xuất bản. Doanh thu dự kiến khoảng dưới 4.000 tỷ đồng, như vậy so với 4.500 tỷ năm ngoái đã giảm tương đối lớn. Song không vì thế mà các đơn vị không hào hứng. 41 đơn vị tham gia với số lượng sách tăng khoảng 15 cuốn. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhìn thấy các tác phẩm mới của Nhà xuất bản Sư phạm TP. HCM, họ đầu tư lớn để xuất bản sách phục vụ người mù hoàn toàn tình nguyện. Thể hiện rõ tinh thần của các đơn vị sau khi làm SGK, có nguồn lực nhất định đều muốn tập trung tái đầu tư phục vụ cộng đồng.
Những năm gần đây, sau cuốn sách Chang hoang dã, các tác giả người Việt đã quay trở lại và nhiều cây bút trẻ nổi lên cùng hiệu ứng câu chuyện xuất bản trên mạng, các chương trình quỹ xây dựng cộng đồng về xuất bản.
Các nhà xuất bản cũng chú ý tới mảng sách thiếu nhi và tác giả Việt Nam. Vì vậy, các giải thưởng năm nay tập trung nhiều hơn cho tác giả Việt Nam. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng cân bằng và đưa tỷ lệ sách dịch phù hợp vào nội bộ.