- Trung bình một bộ có hai, ba chục vụ, cục (đấy là chưa nói đến các bộ có tổng cục và tương đương trực thuộc), mỗi thứ trưởng phụ trách vài vụ giúp bộ trưởng, thì nhiều thứ trưởng là đương nhiên.
Một vấn đề đang được dư luận quan tâm khi Quốc hội thảo luận dự án luật Tổ chức Chính phủ, đó là mỗi bộ có bao nhiêu thứ trưởng là vừa. Quy định nhiều quá thì lãng phí, dân chê; quy định ít quá không làm việc được chẳng nhẽ lúc đó lại sửa luật.
Từ nhiều năm nay, chúng ta đã quen với việc có quá nhiều cấp phó trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đỉnh cao có lẽ là thời kỳ “giá, lương, tiền” có đến trên dưới 10 Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.
Hiện tượng nhiều cấp phó không chỉ ở cơ quan hành chính, mà có cả ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, cơ quan của Quốc hội. Muốn khắc phục vấn đề này cần chỉ rõ căn nguyên của nó.
Căn nguyên thứ nhất nằm ở chính vị thế, vai trò của Đảng cầm quyền. Đảng quyết việc bố trí cán bộ lãnh đạo, có nhu cầu là phải quyết.
Có sửa, khắc phục được vấn đề này không? Chắc chắn là được. Ngay việc Quốc hội đang thảo luận và dự kiến đưa ra quy định thích hợp đã thể hiện sửa được, làm được.
Tuy nhiên, căn nguyên thứ hai mới khó sửa, khó khắc phục, nó liên quan tới cách thức, phương thức làm việc của các cơ quan trong cả hệ thống hành chính nhà nước. Không nhiều nước trên thế giới có cơ quan hành chính làm việc giống như kiểu cơ quan hành chính của Việt Nam.
Một là, người làm chính việc đó không được ký, chịu trách nhiệm, mà lại trình ông ở đâu đó để ký. Điển hình ở đây là cơ quan về đất đai, cấp huyện có, cấp tỉnh có, mọi thứ làm, nhưng ký sổ đỏ thì lại không phải mình.
Hai là, mọi thứ đều phải trình lên cấp trên và người ký tá các loại giấy tờ hành chính thường là cấp trưởng hoặc cấp phó.
Công chức bình thường chỉ là nghiên cứu, chuẩn bị văn bản, phó phòng, trưởng phòng, phó vụ trưởng, vụ trưởng... về nguyên tắc cũng chỉ là giúp việc.
Rất nhiều việc, các sở ở địa phương hỏi, đúng lĩnh vực vụ này, vụ kia phụ trách, nhưng vụ chỉ là chuẩn bị cho lãnh đạo bộ ký trả lời. Rất mất thời gian văn bản, giấy tờ đi lại.
Các cơ quan của chúng ta hầu như không có chuyện phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm trong nội bộ một cách rõ ràng. Vì vậy việc phải dồn lên trên ký là tất yếu và đương nhiên phải có nhiều cấp phó.
Trung bình một bộ có hai, ba chục vụ, cục (đấy là chưa nói đến các bộ có tổng cục và tương đương trực thuộc), mỗi thứ trưởng phụ trách vài vụ giúp bộ trưởng, thì nhiều thứ trưởng là đương nhiên.
Trung ương đã thế thì địa phương cũng vậy. Giải pháp khắc phục ở đây chính là đổi mới, cải cách cách thức làm việc của các cơ quan hành chính, mà trọng tâm là phân cấp, giao trách nhiệm, thẩm quyền cho cấp dưới, kể cả công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Như vậy vừa phát huy, nâng cao tính chủ động, chịu trách nhiệm của công chức, vừa không dồn việc không đáng lên cấp trên và do vậy sẽ giảm bớt được cấp phó.
Căn nguyên thứ ba cần chỉ rõ là chúng ta đang đảo lộn thứ bậc hành chính và do đó sinh ra nhiều cấp phó.
Bộ ở nước ta cũng giống như bộ các nước là có tổng cục và tổ chức tương đương trực thuộc.
Cái ta khác người là bố trí một số thứ trưởng kiêm thủ trưởng các tổ chức này. Đây chính là điểm phá vỡ thứ bậc hành chính và dẫn đến cần nhiều thứ trưởng.
Căn nguyên thứ ba này vẫn có thể khắc phục được.
Trong ba căn nguyên nêu trên, nội dung thứ hai là khó giải quyết nhất, đòi hỏi thời gian, đòi hỏi thay đổi nhận thức. Việc đó thứ trưởng đương ký, giờ phân cấp cho vụ trưởng ký, chịu trách nhiệm...
Thay đổi kiểu này gian nan và vất vả, có hy sinh, nhưng nếu không làm thì một bài ca muôn thuở sẽ là cần và cần nhiều phó hơn.
Đinh Duy Hòa