Hơn 544.000 kết quả xét nghiệm được trả qua ứng dụng di động
Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia hôm nay, ngày 20/8, đã chính thức công bố ra mắt nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến.
Nền tảng này đang được triển khai tại Tây Ninh, Bình Dương, Bắc Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu… và 26 địa phương khác cũng trong quá trình tập huấn, chuẩn bị để áp dụng.
Thống kê cho thấy, đến hết ngày 19/8, tổng số mẫu được nhập vào nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến đã là 559.000 và tổng số kết quả trả qua ứng dụng Bluezone là hơn 544.000.
Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến đang được triển khai tại Tây Ninh, Bình Dương, Bắc Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu... |
Là một trong những nền tảng được Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia phát triển, nền tảng công nghệ này hỗ trợ nhân viên y tế trong quản lý và lấy mẫu xét nghiệm, khắc phục tình trạng chờ đợi khi xét nghiệm, lấy mẫu và trả kết quả chậm, giảm tải cho đội ngũ y tế đang phải thao tác thủ công trong khi lấy khối lượng mẫu lớn.
Theo quy trình cũ, trước khi được lấy mẫu xét nghiệm, người dân sẽ điền thông tin vào một mẫu in sẵn để nhân viên y tế nhập từ bản giấy đó vào file Excel. Trong điều kiện dùng đồ bảo hộ và găng tay, việc nhập dữ liệu rất khó khăn và chậm.
Chưa kể, số liệu nhập vào file Excel rất khó thống kê vì không liên kết với các hệ thống khác, mỗi nơi có thể nhập liệu khác nhau. Trong khi đó, thông tin người dân điền trên giấy có thể thiếu và không chính xác, quá trình nhập liệu vào máy tính dễ xảy ra sai sót.
Tương tự, đối với việc trả kết quả xét nghiệm, theo phương pháp cũ, người dân phải đến cơ sở y tế lấy bản giấy. Với việc xét nghiệm diện rộng sẽ dẫn tới tình trạng tập trung đông người tại cơ sở y tế. Nhiều nơi kết quả có thể bị trả chậm vài ngày nên không kịp thời phục vụ công tác chống dịch.
Các vấn đề trên sẽ được giải quyết khi cơ sở y tế sử dụng nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến.
Giảm tải cho nhân viên y tế, hạn chế sai sót trong nhập dữ liệu
Theo phân tích của đại diện Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, khi cơ sở y tế ứng dụng nền tảng công nghệ này trong quản lý xét nghiệm, người dân tham gia lấy mẫu sẽ cài đặt ứng dụng Bluezone và khai báo y tế để được cấp 1 mã QR cá nhân trên điện thoại.
Lúc đến lấy mẫu, họ chỉ cần xuất trình mã QR cá nhân. Nhân viên y tế sẽ dùng máy quét hoặc điện thoại cài ứng dụng nền tảng truy vết để quét mã barcode trên ống nghiệm, sau đó quét mã QR cá nhân của người dân để ghép người cần lấy mẫu với ống nghiệm.
Trường hợp lấy mẫu gộp, nhân viên y tế tiếp tục quét mã QR của những người trong nhóm rồi lẫy mẫu của cả nhóm đưa vào ống nghiệm là xong. Nếu không có smartphone, người dân có thể điền vào giấy khai báo y tế được phát khi đến lấy mẫu, cán bộ y tế sẽ nhập liệu trực tiếp ngay trên nền tảng trong quá trình lấy mẫu.
Đặc biệt, người dân sẽ nhận được kết quả xét nghiệm điện tử trên ứng dụng Bluezone, không phải quay lại cơ sở y tế để lấy kết quả giấy.
Với phương pháp mới này, người dân chỉ cần khai báo y tế trên ứng dụng Bluezone. Nhân viên y tế quét mã để đẩy dữ liệu lên hệ thống, thay vì phải nhập liệu thủ công vào Excel. Vì vậy, việc lấy mẫu sẽ nhanh chóng, chính xác, tránh sai sót và chậm. Quá trình nhập liệu tự động cũng hạn chế tối đa sự tiếp xúc, giảm khả năng lây nhiễm.
Có thể thấy rằng, cùng với việc triển khai các ứng dụng khai báo y tế, phát hiện tiếp xúc gần, quản lý xét nghiệm bằng phần mềm sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành y tế trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19, góp phần chuyển đổi số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành.
Khi triển khai hệ thống nền tảng công nghệ quản lý xét nghiệm, các địa phương có thể liên hệ với Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 Quốc gia hoặc Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT để được hỗ trợ.
Vân Anh
Áp dụng thống nhất toàn quốc các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung là cần thiết
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế nhấn mạnh, cần triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung trong phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc để tăng tính hiệu quả trong công tác này.