Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, từ ngày 8/2 - 14/02/2024, ngành Du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ); trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất phòng trung bình ước đạt khoảng từ 45 - 50% tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (trong đó cơ sở lưu trú du lịch cao cấp từ 4 - 5 sao ở một số địa phương trọng điểm du lịch đạt công suất cao hơn, tập trung vào các ngày 3, 4 Tết).
Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng ghi nhận số lượng khách quốc tế đến tăng cao ở nhiều địa phương: Đà Nẵng ước đón gần 177.000 lượt; Hà Nội ước đón gần 103.000 lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; Ninh Bình ước đón gần 100.000 lượt; Quảng Nam ước đón 97.000 lượt, tăng 42%; Quảng Ninh ước đón 89.767 lượt; TP.HCM ước đón 75.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023; Lâm Đồng ước đón 20.000 lượt…
Thành phố Hồ Chí Minh ước đón và phục vụ 1,8 triệu lượt khách, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6.550 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, lượng khách du lịch đến với thủ đô ước đạt 653.000 lượt, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.350 tỷ đồng.
Kiên Giang Từ 29 Tết đến mùng 5 Tết có hơn 335.000 lượt khách đến Kiên Giang du xuân. Trong đó, khách nội địa hơn 281.000 lượt, khách quốc tế hơn 53.500 lượt. Tổng nguồn thu ước đạt hơn 1.122 tỷ đồng.
Riêng TP Phú Quốc đón hơn 191.200 lượt khách, tăng 32,5% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế hơn 51.900 lượt, tăng gấp 5,7 lần so với cùng kỳ; khách lưu trú hơn 66.900 lượt, tăng 4,6% so cùng kỳ.
Quảng Ninh trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn (mùng 1 đến mùng 5 tháng Giêng) đón trên 800 nghìn lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thị trường khách quốc tế khởi sắc với gần 109.000 lượt.
Theo đó, các điểm đến văn hóa tâm linh của tỉnh tiếp tục là trọng điểm thu hút du khách, lượng khách đến tăng từ 6 đến 8 lần so với ngày thường. Khu di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) đón trên 62 nghìn lượt khách, đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đón trên 76 nghìn lượt khách. Khu di tích lịch sử nhà Trần (TX Đông Triều) đón gần 57 nghìn lượt khách.
Đặc biệt, ngay trong ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, Quảng Ninh đã đón nhiều đoàn khách lớn.
Trong ngày 10/2 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán) Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã đến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long tặng hoa, lì xì và gửi lời chúc năm mới tới đoàn 298 du khách từ Đài Loan, Hàn Quốc. Đây là đoàn khách “xông đất” tham quan vịnh Hạ Long.
Cũng trong ngày mùng 1 Tết, Sở Du lịch Quảng Ninh và TP Hạ Long đã tổ chức đón hơn 300 du khách quốc tế đến từ Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc. Tại TP Móng Cái. Ngay trong ngày mùng 1, đã có gần 1 nghìn khách du lịch nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái.
Đến ngày 13/2 (tức ngày mùng 4 Tết), Quảng Ninh tiếp tục đón tàu biển Zhao Shang Yi Dun chở 600 du khách đến từ Trung Quốc cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Đây là chuyến tàu biển du lịch quốc tế đầu tiên cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long trong năm mới Giáp Thìn.
Thanh Hóa ước đón và phục vụ 635.000 lượt khách, tăng 48,7%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 588 tỷ đồng, tăng 51,2%.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, tỉnh này ước đón và phục vụ 631.488 lượt khách, công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú khoảng 79,73%, trong đó chủ yếu tập trung cao điểm từ ngày mùng 2 Tết đến mùng 5 Tết với công suất phòng khoảng trên 80% tại một số khách sạn khu vực trung tâm thành phố, các khu nghỉ dưỡng 4 - 5 sao khu vực ven biển có công suất trên 90%.
Bà Rịa - Vũng Tàu ước đón và phục vụ 684.114 lượt khách, tăng 2,23% so với dịp Tết năm 2023. Trong đó, khách lưu trú khoảng 181.326 lượt khách, riêng khách quốc tế khoảng 10.897 lượt khách. Doanh thu đạt 558,428 tỷ đồng, tăng 3,73% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2023. Công suất buồng đạt 80% - 85%.
Ninh Bình ước đón 596.000 lượt khách, tăng 50,1% so với dịp Tết năm 2023. Doanh thu ước đạt trên 700 tỷ đồng, tăng 27,3% so với dịp Tết năm ngoái. Tiêu biểu, ngày mùng 4 tết, tỉnh Ninh Bình đón 209.783 lượt khách, trong đó có 35.168 lượt khách quốc tế, 174.615 lượt khách nội địa.
Một số khu, điểm du lịch đón đông du khách như: cố đố Hoa Lư đón gần 20.000 lượt khách; Tràng An ước đón trên 85.000 lượt; chùa Bái Đính ước đón 170.000 lượt khách; khu phố cổ Hoa Lư ước đón trên 70.000 lượt; vườn chim Thung Nham đón trên 45.000 lượt khách.
Đà Nẵng ước đón và phục vụ 402.000 lượt khách, tăng 37%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 1.580 tỷ đồng.
Quảng Nam ước đón và phục vụ 305.000 lượt khách, tăng 35%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 1.580 tỷ đồng.
Bình Thuận ước đón 205.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng 28% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2023, doanh thu ước khoảng 340 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái.
Lào Cai ước đón 265.200 lượt khách. Trong đó, khách du lịch nội địa là 256.800 lượt, khách quốc tế khoảng 8.400 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 900 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Hà Giang ước đón và phục vụ hơn 141.200 lượt khách, tăng 64%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 350,1 tỷ đồng.
Nghệ An: Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết, trong 7 ngày nghỉ lễ Tết cổ truyền, toàn tỉnh Nghệ An đón hơn 315.000 lượt khách đến tham quan, du lịch ở địa phương ở nhiều điểm vui chơi; chiêm bái ở nhiều khu du lịch tâm linh.
Theo đó, trong vòng 7 ngày nghỉ Tết Nguyên Giáp Thìn 2024 (từ 29 tháng chạp năm Quý Mão đến mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn, tức ngày 8 - 14/2/2024), toàn tỉnh đón và phục vụ khoảng 315 nghìn lượt khách tham quan, du lịch. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400 tỷ đồng.
Tiêu biểu các điểm du lịch có lượng khách đến tham quan, chiêm bái lớn gồm: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (gần 40.000 lượt khách); Đền Ông Hoàng Mười (gần 33.000 lượt khách). Ngoài ra, nhiều điểm du khách khác khá đông như đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), chùa Đại Tuệ (huyện Nam Đàn), đền thờ Hoàng đế Quang Trung (thành phố Vinh); Khu du lịch Hòn Mắt và Khu di tích Quốc gia Truông Bồn (Đô Lương)…