Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, biển Việt Nam giàu tài nguyên thiên nhiên, chiếm vị trí địa chiến lược trọng yếu và nằm trong khu vực Biển Đông luôn chịu tác động tiêu cực của các hành vi ứng xử của con người và thiên tai, biến đổi khí hậu. Để phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu thì phát triển kinh tế biển xanh là một lựa chọn đúng đắn của Việt Nam.
Những năm gần đây, các ngành và các địa phương ven biển đã tích cực triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.
“Nhiều hành động đã được triển khai và bước đầu có một số thực hành tốt, ở mức độ khác nhau, đóng góp cho phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta, đặc biệt ở cấp cộng đồng với các giải pháp xanh (Blue solution) dựa vào và do người dân chung tay thực hiện”, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi nhận xét.
Phát triển một nền kinh tế biển xanh ở nước ta thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tế khi mà nền “kinh tế nâu” như là “vật cản” trên chặng đường phát triển bền vững của Việt Nam.
Các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế biển xanh khẳng định xu thế phát triển đúng đắn trong dài hạn của Việt Nam để chủ động chuyển dần từ nền “kinh tế biển nâu” sang nền “kinh tế biển xanh” với các “lợi ích kép” cơ bản: Góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương, duy trì và tiến tới tăng cường nguồn vốn tự nhiên biển, cải thiện nguồn vốn văn hóa biển đặc trưng, bảo đảm công bằng xã hội và hướng tới phát triển bền vững.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Nhận thức về tăng trưởng xanh lam và kinh tế biển xanh của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ, thậm chí vẫn rất khác biệt; Các ngành, các địa phương chưa chuẩn bị đủ điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển từ “nâu” sang “xanh”….
Với góc nhìn của một chuyên gia nhiều năm gắn bó với hoạt động nghiên cứu về biển, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi cho rằng thời gian tới, còn nhiều việc cần làm trong thời gian tới để phát triển kinh tế biển xanh tại Việt Nam.
Thứ nhất, phải duy trì được tài sản/vốn tự nhiên biển và giữ gìn được sức khỏe môi trường biển. Trong đó, rất quan trọng là các giá trị dịch vụ hệ sinh thái biển, ven biển và quản lý hiệu quả nguồn gây ô nhiễm biển từ đất liền.
Thứ hai, phát huy đầy đủ, có hiệu quả các nguồn lực bên trong, tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn vùng biển của đất nước.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách biển quốc gia, địa phương theo cách tiếp cận liên ngành để quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Xây dựng một chiến lược toàn diện và tổng thể với tầm nhìn dài hạn về khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế biển xanh hướng tới phát triển bền vững. Chú trọng áp dụng các giải pháp khai thác các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển, ven biển và hải đảo.
Thứ tư, khẩn trương kiểm kê “nguồn vốn tự nhiên biển” làm căn cứ triển khai các quy hoạch dài hạn sử dụng biển, đảo ở cấp độ quốc gia theo cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái (Ecosystem-based). Trên cơ sở đó thực hiện tốt quy hoạch không gian biển quốc gia.
Thứ năm, chú trọng liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển và ven biển để phát huy sức lan tỏa của các khu kinh tế biển, đồng thời giảm thiểu các mâu thuẫn trong phát triển vùng.
Thứ sáu, xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành, giữa trung ương và địa phương; phân vùng chức năng vùng bờ với sự lồng ghép tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Thứ bảy, xây dựng năng lực giám sát, quan trắc, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và đảo. Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các habitat đã bị mất, các hệ sinh thái quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển) đã bị suy thoái.
Thứ tám, quy hoạch mở rộng và quản lý hiệu quả hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2030 để phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển bền vững; Bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thuỷ sản, nguồn giống hải sản tự nhiên... đang giảm sút.
Thứ chín, khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào tiến trình quản trị biển, đảo thông qua dụng cách tiếp cận quản lý không gian biển và phương thức đồng quản lý biển, đảo dựa vào cộng đồng.
Thứ mười, thường xuyên nâng cao nhận thức cho công đồng dân cư ven biển và trên các đảo về kinh tế biển xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chú trọng cải thiện sinh kế và xoá đói giảm nghèo cho người dân ven biển, trên đảo để giúp họ thay đổi hành vi cá nhân trong cách đối xử với môi trường biển.
Thứ mười một, xây dựng và triển khai lộ trình áp dụng công nghệ biển sạch hơn, ít cacbon, ít chất thải trong các ngành kinh tế biển và các lĩnh vực dịch vụ biển. Nghiên cứu và sử dụng năng lượng biển thay thế và tái tạo, như: Năng lượng gió biển, năng lượng mặt trời trên đảo, năng lượng biển (sóng biển, dòng chảy).