Từ DOTA 2 quốc tế…
Sự ra mắt của các hero cũ mà mới
Với số lượng hero khổng lồ và mỗi hero có 1 đặc điểm và lối chơi khác nhau thì việc chơi hết các hero đã là một vấn đề chứ đừng nói là thành thục tất cả. Thế nhưng cũng đáng để bàn là 1 game như DOTA 2 mà không có các hero mới và chỉ quanh đi quẩn lại các hero này thì cũng rất…chán. Vì thế nên mỗi lần xuất hiện của các hero cũ mà mới (hero được đưa lên từ DOTA cũ) luôn là các sự kiện đáng giá cho người chơi.
Bên cạnh Ember Spirit, Phoenix thì 1 trong những hero nổi bật nhất được ra mắt trong năm qua phải kể đến sự xuất hiện của trùm khủng bố đánh bom của thế giới DOTA 2 –Techie tại trận Allstars của The International 2014. Quả thật bên cạnh Pudge thì Techie chính là biểu tượng hình ảnh của thế giới DOTA nhờ vào lối chơi dị dạng của mình. Nhìn chung, sự xuất hiện của hero này đã khiến các trận đấu trở nên thú vị hơn rất nhiều với nhiều pha highlight cảm xúc và gây nhiều cảm xúc lẫn lộn như tiếng cười (cho đồng đội) và ức chế (cho đối phương).
Nở rộ các giải đấu chuyên nghiệp khác nhau…
Năm 2014 là năm đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng giải đấu chuyên nghiệp dành cho cho các đội DOTA 2 khi bên cạnh các giải đấu đã quá quen thuộc như StarLadder Series thì là sự xuất hiện của nhiều giải đấu lớn mới như DreamLeague Series, i-League Series, The Summit Series. Nhìn chung đây là bước phát triển mang tính tích cực khi tạo ra môi trường cạnh tranh chuyên nghiệp liên tục cho các đội DOTA 2 chuyên nghiệp lẫn bán chuyên (và cả phần nào cho người hâm mộ sẽ được xem thần tượng của mình thi đấu liên tục), nhưng các mặt tiêu cực không đáng có cũng đã được chỉ rõ.
Điển hình là sự bội thực về mặt giải đấu không chỉ đối với người hâm mộ mà còn đối với các game thủ DOTA 2 chuyên nghiệp khác, dẫn đến tình trạng nhiều đội bị quá tải và đành đưa ra các quyết định rút lui khỏi các giải đấu mà họ tham gia. EG từ bỏ giải StarLadder XI trong khi đang là ĐKVĐ hay Cloud9 bỏ giải i-League 2 sau khi giành vé vào chơi vòng Chung kết là 2 trong số những ví dụ điển hình của việc này. Bên cạnh việc số lượng tăng lên thì chất lượng và khả năng tổ chức giải đấu có chiều đi xuống theo nhận định của nhiều người.
Chẳng hạn có thể kể đến 1 giải đấu danh tiếng của Trung Quốc nhưng lại có cách quản lý vô cùng yếu kém khiến cho Na’Vi phải thi đấu thâu đêm (bị thua sau đó khi quá mệt mỏi) hay sự kiện DDOS liên tục diễn ra ở các giải đấu lớn (điển hình có The Summit 2 dù The Summit 1 là giải đấu thành công tuyệt vời cả về doanh số lẫn chất lượng) đã khiến nhiều người phải đặt dấu chấm hỏi về lý do tổ chức giải liên tục chẳng lẽ chỉ vì tiền từ phía ban tổ chức đã phần nào vắt kiệt sức của game thủ chuyên nghiệp? Tâm thư của EternalEnvy, đội trưởng của Cloud9, được viết thời gian gần đây đã phần nào vạch trần sự thật nghiệt ngã về vấn đề này.
The International 2014 thành công rực rỡ
Bên cạnh đó thì không thể không kể đến thành công rực rỡ của giải The International 2014 do Valve tổ chức về mặt doanh thu khi trở thành giải đấu đầu tiên của thể thao điện tử eSports đạt mức giải kỷ lục hơn $10,000,000. Giải cũng cho thấy sự thành công về mặt chiến lược của Valve về hình thức huy động tiền thưởng khi tung ra sách và các mốc tiền thưởng (khi chạm được mốc tiền thưởng nào đó thì người mua sách sẽ được tặng kèm các vật phẩm thú vị, ví dụ như icon biểu cảm) để tạo sự hứng thú cho người mua sách The International và được nhiều giải đấu khá học hỏi theo (StarLadder Series mùa 10).
Giải cũng đánh dấu cho sự thống trị của nền DOTA 2 Trung Quốc với việc NewBee lên ngôi vô địch trong trận Chung kết toàn Trung Quốc với Vici Gaming và sự ra đời của chiến thuật mới massive push từ chính NewBee, thay thế cho chiến thuật Rat DOTO của Alliance trong The International 2013. Dù vậy, cũng có nhiều thứ không hay đã xảy ra trong chính giải đấu thành công này.
Ngay từ khi bắt đầu giải đấu là sự kiện đáng tiếc diễn ra với Era, đội trưởng của Fnatic, và tổ chức Fnatic. Quả thật trong giai đoạn Era nghỉ thi đấu (vì lý do chữa bệnh tâm lý) thì Excalibur đã thi đấu vô cùng tuyệt vời với 3 hero (Meepo, Tinker và Tiny), anh nhanh chóng được phong Meepo và Tinker God với những pha xử lý nhanh gọn lẹ và đã tạo ra rất nhiều trận đấu cảm xúc dành nhiều người hâm mộ, phần nào thổi luồng sinh khí mới vào Fnatic và giúp Fnatic bay cao trong các bảng xếp hạng thế giới (đã có lúc xếp trong top 5).
Nhưng rồi khi Era trở lại thì tổ chức Fnatic đã tuyệt tình muốn thay thế Excalibur cho vị trí của anh dù anh mới chính là người góp phần lớn vào chiếc vé chính thức vào The International 2014 của Fnatic. Sự việc chỉ được giải quyết ổn thỏa khi Valve đưa ra thông báo chính thức rằng HỌ MỜI CÁC THÀNH VIÊN THI ĐẤU XUẤT SẮC CỦA ĐỘI FNATIC TRONG CẢ NĂM CHỨ KHÔNG PHẢI CÁ NHÂN ĐÔI FNATIC nên Excalibur vì thế không đủ tư cách tham dự giải đấu vì không có trong danh sách thành viên được mời.
Fnatic cứu cánh bằng cách cho Excalibur tham dự The International 2014 ở vị trí huấn luyện viên nhưng vết thương tinh thần đã phần nào ảnh hưởng đến phong độ của toàn đội và họ đã thi đấu dưới sức mình ở giải đấu này.
Ngoài ra còn có thể kể tới chiến thuật massive push giúp đem tới chức vô địch kỷ lục của NewBee đã khiến cho trận Chung kết Tổng của giải trở thành một trong những trận Chung kết Tổng chán nhất trong lịch sự của DOTA 2 cho đến thời điểm hiện tại khi nhiều trận chỉ kết thúc trong vòng…20 phút. Từ đó thuật ngữ “vẫn hay hơn Chung kết Tổng TI4” trở thành câu nói cửa miệng của nhiều người khi phải chứng kiến 1 trận đấu chán và đó là điều không hay ho gì đối với kế hoạch marketing và phát triển của DOTA 2 trong tương lai mà Valve hướng tới (chiến thuật này nhanh chóng bị IceFrog hủy diệt với các bản patch mới).
Sự đi xuống của những đội lớn
Năm 2014 cũng đánh dấu sự sụp đổ của nhiều tượng đài lớn của DOTA 2 thế giới. Điển hình nhất là sự xuống dốc không phanh của Alliance. Nhiều người giờ đây đã không còn có thể nhận ra nhà vô địch của The International 2013, bậc thầy của nghệ thuật Rat DOTO, nữa khi thi đấu vô cùng thất thường và tồi tệ trước các đội lớn hay ngang tầm khác. Giờ đây với việc chỉ còn đúng Loda và phần nào AdmiralBulldog và 1 đội hình rệu rạ với standin không ổn định thì tìm kiếm vinh quang xưa có lẽ đã vượt quá tầm tay.
Năm 2014 cũng là 1 năm đáng quên đối với người hâm mộ của đội DOTA 2 chuyên nghiệp đến từ Ukraine Na’Vi. Khởi đầu năm không đến nổi nào nhưng càng về sau thì Na’Vi càng tỏ ra bị đuối cả về chiến thuật, lối ban-pick và lối chơi đồng đội. Dù vẫn được tham dự The International 2014 với tư cách khách mời nhưng Na’Vi có mùa TI đáng quên nhất khi lần đầu tiên không lọt được vào trận Chung kết Tổng và thi đấu vô cùng bạc nhược và thụ động. Điều này dẫn đến sự ra đi trong nước mắt của Puppey và Kuroky (thành lập đội Secret) và mời về 2 cái tên mới (Fng và Vanskor) mới kỳ vọng sẽ đổi mới và lấy lại niềm tin từ người hâm mộ. Trớ truê thay cho Na’Vi khi cùng với N0tail và Fly (Fnatic), s4 (Alliance) thì Secret trở thành một trong những đội thi đấu tốt và phong độ ổn định nhất của DOTA 2 thế giới trong giai đoạn hậu TI4 và vừa có được 2 chức vô địch chỉ trong 1 tuần cuối năm qua.
Cuối cùng thì sự tan rã của DK với đội hình trong mơ sau 1 năm thi đấu thành công trước khi thất bại nặng nề ở The International 2014 đã đem lại nhiều tiếc nuối đối với người hâm mộ DOTA 2 Trung Quốc và quốc tế. Càng buồn hơn khi huyền thoại BurNing của DK sau đó cũng chính thức giã từ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp và chỉ trở lại thi đấu 1 số trận trong vai trò standin.
Nhiều vụ bán độ bị phanh phui ở khu vực Đông Nam Á
Bán độ hay 322 trong DOTA 2 cũng trở thành đề tài nóng bỏng trong năm vừa qua. Nhiều vụ vạch trần ở các nghi án đã trở thành vết nhơ khó có thể xóa bỏ đối với DOTA 2 thế giới năm 2014. Các đội chơi DOTA 2 hàng đầu Đông Nam Á như Arrow Gaming (Malaysia), MSI và Mineski (Philippines) chỉ là 3 cái tên nổi bật khi bị phanh phui nhiều trận đấu ‘có mùi’ và nhiều thành viên của đội bị cấm thi đấu ở nhiều giải đấu lớn trong khu vực và quốc tế như MSI Beat-IT, The Summit 2 và Synergy League. Arrow Gaming và các đội này sau đó đành phải giải tán trong sự nhục nhã và cơ hội tiếp tục thi đấu ở đấu trường chuyên nghiệp cũng trở nên mù mịt.
Sự việc trên dần lắng lại nhưng mở ra nhiều nghi vấn và câu hỏi về sự công bằng và tinh thần thi đấu fair play cao thượng của các game thủ khi các tính năng bet (cá cược) càng ngày càng trở nên tinh vi với các mức tỉ lệ hấp dẫn dẫn đến việc nhiều game thủ bị mờ mắt vì cái lợi trước mắt. Mong rằng hình phạt dành cho Arrow Gaming hay MSI sẽ là những hình phạt cuối cùng về việc dàn xếp tỉ số trong đấu trường DOTA 2 chuyên nghiệp trong thời gian sắp tới (?).
…Đến DOTA2 trong nước
Giải DOTA2 chuyên nghiệp đầu tiên Việt Nam được tổ chức
Lần đầu tiên các đội DOTA 2 trong nước có giải đấu chuyên nghiệp dành riêng cho mình và PewPew Studio trở thành nhà tiên phong đã làm nên được điều kỳ diệu này. Khởi nguồn từ ý tưởng về 1 giải đấu nhỏ với giải thưởng chỉ là 1,000,000VND nhưng nhanh chóng giải Vietnam Champion League S1 (VCL1) trở thành giải đấu gây được nhiều tiếng vang khi bất ngờ được Valve công nhận và bán vé xem ingame đầu tiên tại Việt Nam.
Bên cạnh đó thì đây cũng được xem là giải đấu vô cùng thành công khi tổng giá trị giải thưởng từ con số nhỏ bé 1,000,000VND trở thành hơn 10,000,000VND nhờ vào đóng góp nhiệt tình từ cộng đồng người hâm mộ DOTA 2 trong nước cùng với việc cống hiến nhiều trận đấu giàu cảm xúc và thú vị và GameTV đi vào lịch sử khi trở thành nhà vô địch đầu tiên của giải sau chiến thắng nghẹt thở trước Spirit Gaming ở trận Chung kết Tổng.
Thành công của giải VCL1 cũng đã góp phần vào sự phát triển của nền DOTA 2 nội địa khi bắt đầu có nhiều giải đấu được tổ chức hơn trong nước và mức tiền thưởng cũng tăng lên đáng kể (giải của NVIDIA tổ chức, giải VECL của ESV tổ chức…). Đỉnh điểm của mức giải thưởng ở các giải đã và đang tổ chức hiện nay là sự trở lại của Vietnam Champion League S2 (VCL2) vào cuối năm và vẫn đang diễn ra vô cùng gây cấn với tổng giá trị giải lên đến $3,100.
Sự trở lại của nhiều huyền thoại DOTA cũ
Năm 2014 cũng là năm khá đáng nhớ với DOTA 2 trong nước với sự trở lại của Starsboba, cái tên đã trở thành tượng đài của không chỉ DOTA trong nước mà cả quốc tế, với 3 thành viên cũ SoSoon, Jessica và Recca bên cạnh 2 thành viên mới Crykiller và Chargers (ATC). Dù khởi đầu khá ổn và cũng đem lại nhiều trận đấu vô cùng cảm xúc cho người xem (điển hình là Starsboba lật kèo Doremon khi bị dẫn 30,000 gold) nhưng có lẽ việc meta game và chiến thuật đã thay đổi quá nhiều so với DOTA cũ đã khiến bảng thành tích thi đấu của Starsboba không còn quá ấn tượng với chỉ 1 chức vô địch ở 1 giải đấu bán chuyên/nghiệp dự, và cuối cùng họ đã giải thể. (Bên lề: SoSoon vẫn tiếp tục thi đấu DOTA 2 và đang dần có được cảm giác thi đấu trở lại khi thi đấu standin khá tốt cho IMBA Gaming).
Sau lần trở lại thất bại với Starsboba, Jessica và Recca vẫn không bỏ cuộc và cuộc gặp gỡ trò chuyện với huyền thoại Hoalua một thời đã dẫn đến sự trở lại của cái tên G4V và đang thi đấu khá thành công các giải đấu gần đây, điển hình như VCL2.
NVIDIA.Aces Gaming thi đấu thành công ở giải đấu quốc tế
Một năm đáng nhớ đối với các thành viên của NVIDIA.Aces Gaming khi họ phải trải qua nhiều bật cảm xúc khác nhau. Đầu tiên là việc thất vọng tột độ sau khi thất bại trước GameTV ở Chung kết Tổng giải VCL1 dẫn đến giải tán đội và trở lại thi đấu chuyên nghiệp với cái tên mới NVIDIA.Aces Gaming. Sau thời gian ẩn dật để phát triển chiến thuật và khả năng phối hợp đồng đội, đội DOTA 2 đến từ thành phố mang tên Bác này trở lại đấu trường chuyên nghiệp với combo mang bản sắc riêng IO+BB đem lại nhiều khoảng khắc tuyệt vời cho người hâm mộ.
Thành công ở giải đấu MPGL Season 6 với vị trí hạng 3 cùng lối chơi đầy cống hiến đã phần nào chiếm được cảm tình của người hâm mộ trong nước và cả quốc tế, nhanh chóng trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong giai đoạn cuối năm và trở thành cái tên thăng tiến cực nhanh ở bảng xếp hạng thế giới và khu vực (hiện tại ở 31 thế giới và 7 khu vực ĐNA). Với tuổi đời còn rất trẻ của các thành viên cùng chế độ đãi ngộ chuyên nghiệp và tốt bậc nhất tại Việt Nam tại thời điểm hiện tại thì NVIDIA.Aces Gaming được kỳ vọng sẽ còn tiến xa trong tương lai.
Thăng trầm của PewPew Studio
Năm 2014 cũng là một năm với nhiều khung bật cảm xúc đối với PewPew Studio khi nhiều sự kiện quan trọng của DOTA 2 trong nước có ít nhiều liên quan đến studio chuyên bình luận các trận đấu DOTA 2 này. Với ước mơ muốn phát triển lớn mạnh nền DOTA 2 trong nước, studio đã thành công tổ chức được giải VCL1 và VCL2 (như đã nêu trên) cùng với việc bình luận ở nhiều giải đấu lớn liên tục đã phần nào tạo công việc mới thú vị cho nhiều bạn trẻ đam mê eSports- caster.
Bên cạnh PewPew đã quá nổi bật thì những cái tên như Doo Ngu, Mon dễ thương, Mu(sashi) thâm tím, Kute bé bỏng, GeLL bôi trơn hay trước đó là HynA Butcher huyền thoại đã trưởng thành từ studio nhỏ bé này và dần có được sự yêu quý từ người hâm mộ nhờ phong cách bình luận có lúc dí dỏm có lúc lại chuyên nghiệp của mình. PewPew Studio nhanh chóng cũng phát triển không ngừng và dần trở thành cái kênh stream các trận đấu DOTA2 được yêu thích nhất tại Việt Nam.
Với thành công đó, sự kiện PewPew trở về Việt Nam với quyết tâm đem studio lên hướng chuyên nghiệp cũng phần nào cho thấy sự hứa hẹn. Nhưng rồi với nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau dẫn đến việc hợp tác giửa PewPew Studio và nhà tài trợ bị hủy bỏ, dẫn đến việc PewPew đưa ra thông báo quyết định tạm thời từ bỏ ước mơ lên chuyên nghiệp đã tạo nhiều cảm xúc lẫn lộn với người hâm mộ và cả cá nhân các thành viên trong studio. Nhìn chung, sự thăng trầm của PewPew Studio cũng đã phần nào phản ánh đúng thực trạng của nền DOTA 2 trong nước với nhiều mặt khuất sáng tối mà có lẽ đến cả người trong cuộc cũng chưa chắc hiểu nổi.
Cái nhìn tổng quan
1 năm trôi qua ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc và nhiều sự kiện diễn ra ở DOTA 2 trong nước và quốc tế. Sự trỗi dậy của DOTA 2 Trung Quốc và thành công rực rỡ của The International 2014 về mặt tiền thưởng. DOTA 2 trong nước cũng có nhiều bước phát triển mạnh mẽ với thành công của NVIDIA.Aces Gaming ở đấu trường chuyên nghiệp, tất cả khiến tình hình DOTA 2 năm 2015 trở nên khó đoán hơn bao giờ hết với không ít sự kiện bất ngờ (cả tiêu cực lẫn tích cực) sẽ có thể diễn ra.
Theo PLXH