Chiều 2/12, Viện Phát triển văn hoá dân tộc đã tổ chức diễn đàn Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 6 năm di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ông Trần Văn Nam - Viện trưởng Viện Phát triển văn hóa dân tộc nhấn mạnh, diễn đàn được tổ chức nhằm xác định vai trò quan trọng của di sản văn hóa Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt sau khi được UNESCO ghi danh và triển khai thực hiện những cam kết mà Thủ tướng đã ký với UNESCO về chương trình và hành động bảo vệ phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu,
Đối với các đối tượng được quản lý, diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ngoài ra, diễn đàn còn đưa ra các giải pháp tối ưu để ứng dụng trong thực tiễn. Các hình thức kết hợp giữa đội ngũ các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa và các thế hệ chủ thể văn hóa góp phần củng cố, định hướng và nâng cao ý thức cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, từ đó đa dạng hóa các biện pháp khẳng định và tôn vinh giá trị của di sản.
GS.TS. Bùi Quang Thanh - Viện Phát triển văn hóa dân tộc nhấn mạnh, tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống trường tồn, bền vững, có sức hút và đi sâu vào đời sống văn hoá, tinh thần của người Việt. Tính cộng đồng trong nghi lễ chầu văn được thể hiện bền chặt, đó là yếu tố quyết định trong việc duy trì, phát triển.
Chính vì thế, sinh hoạt của tín ngưỡng thờ Mẫu đã giúp liên kết mọi người, thậm chí vượt ra khỏi giới hạn của tư tưởng định kiến tôn giáo hoặc sự cục bộ địa phương để cùng hướng về một đối tượng thiêng, đồng thời phát khởi mối thiện tâm ở mỗi con người trong các mối quan hệ xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã góp phần vào việc giáo dục và hướng con người đến với Chân - Thiện - Mỹ. Qua đó, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ con cháu và mọi người dân.
“Do những yếu tố chủ quan và khách quan tác động, trên tiến trình bảo tồn và phát triển, thực hành di sản văn hóa độc đáo này đã và đang có xu hướng biến đổi một cách sâu rộng, một mặt mang lại những sinh hoạt văn hóa sinh động, chứa đựng nhiều giá trị, bảo vệ được bản sắc truyền thống của di sản; mặt khác, cũng đã và đang mang lại không ít tác động tiêu dễ cực, có khả năng làm biến dạng di sản, đánh mất những giá trị nhân văn vốn được tạo xây từ quá khứ và được UNESCO đánh giá cao", GS.TS Bùi Quang Thanh nêu.
Ông cho rằng, hoạt động thực hành nghệ thuật hát văn - hầu đồng đang diễn ra tràn lan, với những biểu hiện tự do, tùy theo nhu cầu của một cá nhân hay nhóm người nhất định. Không ít bài hát văn vốn phù hợp với từng giá đồng trong truyền thống đã bị thay lời, thay giai điệu.
Không ít vấn hầu đã bị biến tướng về trang phục, điệu bộ, động tác diễn xướng, làm biến thái giá trị vốn có của di sản do thế hệ tiền nhân trao truyền lại, gây ra những hình ảnh, hành vi phản cảm, ức chế đối với người tham dự, dẫn đến có nguy cơ làm biến dạng các giá trị tiềm ẩn trong quá trình thực hành di sản.
Cộng đồng dân chúng và một số đồng thầy, bản hội chân chính đã lên tiếng đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng những quy chế cần thiết, bảo đảm mục tiêu bảo vệ sự toàn vẹn của di sản, tạo cơ sở khoa học và pháp lý để hạn chế hạn chế và tiêu cực.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. UNESCO đánh giá di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản, thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo, tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành. |