Một tuần trước, tôi có gọi điện cho người em ở quê, nhờ gửi tiền mừng cưới một người em “quan hệ” bởi chuyến công tác của tôi hơi dài, không về kịp. Nhưng em cười bảo: “Ôi trời bác ơi, sao bác lạc hậu thế? Giờ bác cứ ‘bank’ (chuyển khoản -nv) qua cái mã QR in trên thiệp, ghi tên họ, cơ quan rõ ràng là xong. Em cũng làm vậy đó chứ cần gì gửi phong bì nữa.
Trước hôm cưới, bác gửi cho người ta rồi nhắn một câu chúc mừng là hợp lý bác ạ. Thế còn tốt hơn là em gửi lời giúp đó”.
Tôi nghe thấy cũng gật gù: “Ừ nhỉ, thế mà anh lại không nghĩ ra. Nhưng mà cái mã ấy lấy ở đâu?”- tôi hỏi cậu em.
“Bác lên mạng đi, thiệp mời công khai trên Facebook, có mã QR in ở dưới, ghi rõ gia đình nhà trai, nhà gái mà. Quét một cái tên chú rể hiện ra ngay, bác không phải lo nhé. Em thấy làm vậy tiện đó. Ai được mời chỉ cần gửi tiền qua tài khoản là xong mà không được mời nhưng có ‘quan hệ’ thì gửi… càng tốt.
Cái thiệp mời có mã QR ấy mọi người còn truyền tay nhau chia sẻ khắp mạng xã hội ấy bác ạ. Đám cưới này nổi tiếng quá cơ. Em còn nghĩ mình không được mời… vậy mà…”, cậu em nói tiếp.
Đúng thật, bấy lâu nay tôi hay chuyển khoản khi đi ăn. Vợ, con cần tiền tôi cũng chuyển khoản. Bố mẹ, họ hàng ốm đau mà chưa về thăm kịp, tôi cũng chuyển khoản rồi nhắn tin thăm hỏi. Ấy vậy mà tôi lại chưa nghĩ đến chuyện mừng cưới cũng chuyển khoản như thế này. Dù trước đó tôi từng nghe một vài đám cưới của người trẻ có sử dụng hình thức mã QR cho khách mời.
Bởi nói thật, bản thân tôi vẫn thích nét văn hóa cưới xưa. Tôi cho rằng việc mừng tiền phong bì, đến tận đám cưới, đưa tận tay cô dâu chú rể hay nói một vài lời chúc phúc mới là điều trân quý.
Ngày trước, có một vài ngôi sao đình đám showbiz tổ chức đám cưới nhưng họ chỉ mời những người bạn thực sự thân thiết đến dự. Họ thậm chí chẳng nhận quà. Có đám cưới còn không nhận phong bì bởi điều họ coi trọng hơn chính là sự hiện diện của người mà họ gửi thiệp mời.
Tôi luôn nghĩ rằng, đám cưới là ngày trọng đại, là ngày để những người thân yêu của mình được chứng kiến khoảnh khắc hạnh phúc của cô dâu chú rể. Vậy nên những ai đến dự là những người rất thân và là những người thực lòng muốn chúc phúc, yêu mến mình.
Cô dâu chú rể cũng thực tâm coi sự hiện diện của họ là món quà giá trị nhất. Người ta có thể quan hệ tới cả vài trăm người bạn nhưng đám cưới chỉ vỏn vẹn 20 mâm. Không như một số người cứ quen là mời, không thân cũng ‘đánh tiếng’ để người khác nể mình rồi đến dự hoặc gửi quà.
Vì sao trong tấm thiệp cưới có đề câu “sự hiện diện của các bạn chính là niềm vinh hạnh của gia đình chúng tôi”. Bởi lẽ “sự hiện diện” ấy luôn được đề cao và dường như đã trở thành một “nét văn hóa” chung được cô dâu chú rể coi trọng.
Nói thì nghe hơi lý thuyết nhưng tôi nghĩ, đó là điều chúng ta nên giữ gìn và trân trọng. Tiền bạc quý đó, quan trọng đó nhưng chỉ có tiền bạc mà không có tình cảm, cuộc sống của chúng ta cũng sẽ trở nên vô vị.
Nghĩ bụng, tôi thử lên mạng vào Facebook của người mời cưới tìm thiệp lưu lại đó để đến sát ngày rồi chuyển khoản chúc mừng. Tôi giật mình vì thấy nhiều hội nhóm chia sẻ tấm thiệp ấy cho nhau, còn nhắn nhủ “không đến được thì nhớ ‘bank’ nhé”.
“Đám cưới giờ thương mại hóa nhỉ”, tôi nghĩ bụng vậy chứ nào dám nói ra.
Nhưng thôi, cái chuyện mã QR mừng cưới thì mỗi người mỗi ý, tôi cũng chẳng dám phê phán ai cả, nhiều khi nó cũng tiện nhất là trong hoàn cảnh như tôi bây giờ: không thân và lại ở xa.
Chỉ là theo tôi, nét văn hóa cưới của người Việt thực sự là thứ nên giữ gìn. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác được cầm chiếc phong bì của bạn bè trên tay kèm đôi lời chúc phúc mấy chục năm về trước. Giờ cho cưới lại, chắc tôi cũng chẳng dùng mấy cái mã QR kia.
Thế mới có màn đêm tân hôn vợ chồng cùng nhau bóc phong bì, đọc tên từng người rồi lại cùng nhau cười khúc khích. Nếu có phong bì của người yêu cũ mừng nữa thì đúng là thú vị biết bao…
Nghĩ thôi tôi đã lấy vui lây rồi…!
Độc giả giấu tên