Gần một thế kỷ lặng lẽ sống
Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên xuất thân trong một gia đình trí thức, dòng dõi triều Lý. Anh ruột ông là nhà thơ Bàng Bá Lân, người đã có mặt trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân.
Gia đình Bàng Sĩ Nguyên từng có cửa hàng tơ lụa nổi tiếng cả nước và hiệu thuốc bắc lừng danh khắp các tỉnh. Thời nhỏ, Bàng Sĩ Nguyên là học sinh trường Thăng Long, Hà Nội. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông xung phong vào bộ đội và làm báo ở chiến khu. Hòa bình lập lại (1954), ông làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ, rồi làm biên tập cho NXB Văn học và NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn) cho tới khi nghỉ hưu.
Có thể nói, những tác phẩm của Bàng Sĩ Nguyên góp phần không nhỏ trong kho tàng văn học nghệ thuật nước nhà. 91 năm cuộc đời, ông chưa có một ngày nào ngơi nghỉ, thế nên ngoài những tác phẩm đã ra mắt, ông còn có vô vàn tư liệu. Theo lời kể của nữ sĩ Bàng Ái Thơ - con gái của Bàng Sĩ Nguyên, tất cả tác phẩm và sách được đóng thành từng bao, chất cao ngất ngưởng trong nhà mà bản chất tư liệu chỉ người viết mới giải mã được.
Là con gái lớn nên Bàng Ái Thơ gần gũi với bố nhiều hơn anh em khác trong nhà. Hơn nữa, chị cũng viết văn, làm thơ, sáng tác hội họa và viết nhạc nên rất hiểu bố mình.
Mới đây, Bàng Ái Thơ đã tổng hợp và biên soạn những tác phẩm nổi bật của bố thành cuốn sách mang tên Lòng vẫn trôi theo nước Nhị Hà. Lạc trong mê cung sáng tác và kho tàng tư liệu Bàng Sĩ Nguyên để lại, thì có lẽ người biên soạn tài tình nhất cũng ngợp vì không biết nên bắt đầu từ đâu và khi nào mới kết thúc. Trong cuốn sách, Bàng Ái Thơ chủ động lựa chọn các tác phẩm thể hiện một góc ký ức sâu nặng mà bố mình dành cho Hà Nội và những tháng ngày trai trẻ luôn trở đi trở lại trong ông.
Ngay khi mở chương đầu tiên Tuyển thơ Bàng Sĩ Nguyên độc giả sẽ có cảm giác đang được xem cuốn phim tài liệu đen trắng, lấp lánh như một giấc mơ.
"Củi mẹ cho con sưởi
Áo con rách mẹ khâu
Xa mẹ vẫn có mẹ
Con ấm lòng biết bao...
Con cứ đi mãi mãi
Chẳng biết mẹ ra sao
Mỗi khi nhìn mụn vá
Những đêm ngủ chiến hào” - (trích bài Nhớ mẹ - tập thơ Ban đầu)
Có người nói Bàng Sĩ Nguyên “lớn lên từ lòng nhân hậu”. Thưởng thức thơ ông sáng tác từ thời trẻ mới hiểu vì sao người ta nói như vậy. Lòng nhân hậu thấm đẫm trong trái tim, tâm hồn, rịn ra từng câu thơ trong trẻo.
“Về thăm vợ thăm con/ Thấy vợ lành con kháu/ Gọi bố miệng xinh tròn/ Con phô được manh áo/ Vợ tất tả làm cơm/ Mổ gà vo gạo trắng/ Má vợ đầy xinh xắn/ Dưới mái mới rạ vàng thơm/ Cau chuối quả trĩu buồng/ Không bán non bán vội...” (trích bài Về nhà - tập thơ Ban đầu).
Là người có học thức cao minh, hiểu sâu đạo lý, nhưng các sáng tác của ông không hề thách đố độc giả. Ngược lại, khi thưởng thức những áng thơ trên, chúng ta thấy vô cùng gần gũi, hệt như tính cách của ông.
“Từ đấy tôi thêm yêu núi sông/ Khi tàu qua phố chạy qua thôn/ Cứ mỗi lần nghe còi tàu rúc/ Tôi lại muốn đi thêm một quãng đường...” (trích bài Con tàu - tập thơ Ánh thép).
“Tôi chỉ cách anh một vài lớp đất/ Không thể nào tin anh đã xa tôi/ Giờ xung phong anh còn nhắc từng lời: Dũng cảm lên! - San bằng đồn giặc/ Tất cả xông lên. Không một ai sợ chết/ Anh ngã rồi ư?...” (trích bài Không thể nào tin anh đã xa tôi – tập thơ Trên mảnh đất của tình thương).
Thậm chí, chỉ vài câu thơ của Bàng Sĩ Nguyên cũng có thể vẽ ra một bầu trời ký ức và cảm xúc về thế kỷ trước.
“Rừng dày rừng thưa bom đào nát/ Lầm trên đường đất dấu chân đi/ Những bàn chân đất hằn trên đất/ Trưa nồng tháng sáu nặng đôi mi...” (trích bài Dấu chân em tôi - tập thơ Hồn nhiên).
Thơ Bàng Sĩ Nguyên súc tích nhưng chuyên chở nhiều hình ảnh. Năng lực sáng tác của ông không giới hạn, song hành trình thời gian của đời người có hạn. Dẫu vậy, gần một thế kỷ lặng lẽ sống, ông đã kịp để lại cho hậu thế một gia tài nghệ thuật quý báu. Trong tác phẩm Lòng vẫn trôi theo nước Nhị Hà, bạn đọc cũng bắt gặp “dòng thơ lữ hành”, “dòng thơ Triết Mệnh” - mà phải đầu tư rất nhiều thời gian, mới có thể thấu cảm hết được, từ đó sẽ hiểu hơn về cuộc đời Bàng Sĩ Nguyên.
Có một nỗi buồn mang tên "Hạnh phúc"
Phần II cuốn sách là những bài cảm nhận của bạn văn, bạn thơ và rất nhiều tác giả yêu quý Bàng Sĩ Nguyên cũng như các tác phẩm của ông. Mấy chục năm cuối đời, Bàng Sĩ Nguyên náu mình trong căn nhà xộc xệch ở khu Hòa Hưng, TP. HCM tận hiến với thơ và họa. Ông thích sống tự do để sáng tác nên không muốn phiền con cháu. Bởi thế ông được gán cho những biệt danh: “Ẩn sĩ giữa đời thường”, “Người lữ hành mải miết”...
Ông làm bạn với con mèo gầy nhom, say sưa với những bản thảo thâu đêm suốt sáng. Khi ai đó băn khoăn chuyện ăn uống thế nào khi ở một mình, ông bảo: “Tôi còn vẽ được là tôi sống!”.
“Nửa người, nửa Tiên” là cách con cháu nghĩ về Bàng Sĩ Nguyên, trước khi ông rời xa cõi tạm. Nhà thơ từng kể, cái chết của em trai khiến ông khóc ròng hàng tháng trời đến nỗi mù cả mắt. Rồi chính ông tự chữa khỏi mắt cho mình. Trong “biển” sách chất chồng quanh ông còn có hàng trăm cuốn sách thuốc. Ông chưa phải đến bệnh viện một lần nào và sống khỏe mạnh, minh mẫn đến cuối đời.
Lật giở những trang cuối, không ít đoạn khiến người đọc chảy nước mắt khi biết sự thật về đời sống của Bàng Sĩ Nguyên, từ đó hiểu vì sao người nghệ sĩ tài hoa này không màng sự nổi tiếng. Lối sống quá đỗi giản dị, khiêm cung mà ông lựa chọn làm người thân thương xót khôn nguôi. Nhưng nếu bình tĩnh để suy ngẫm về giá trị của sự cô độc sẽ thấy rằng tác giả đã có một đời sống hạnh phúc, với tư cách nghệ sĩ.
Ở trong tinh cầu của riêng mình, ông tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời cùng với năng lực sáng tác sung mãn. Ông đã chứng minh sự cô độc cũng là phép màu, nó mời gọi những người bạn tri âm không ngại đường xa thi thoảng ghé thăm, nghe ông kể chuyện, được ông vẽ tặng tranh, được trở thành một mảnh ghép bé nhỏ trong ký ức của ông. Và trên hết là có được một kỷ niệm vô giá mỗi khi nhớ về Bàng Sĩ Nguyên.
Sao Khuê