Nho sữa ‘quý tộc’ từ đắt đỏ thành loại quả rẻ nhất chợ
Nho sữa đổ bộ thị trường Việt Nam vài năm nay nhưng vẫn chưa hết “hot”. Thời điểm này, loại nho sữa “quý tộc” xuất xứ Trung Quốc tiếp tục phủ sóng các chợ online, tràn ra vỉa hè, bày bán la liệt trên các sạp hàng rong.
Đáng chú ý, những chùm nho sữa khủng, quả màu xanh căng bóng bẩy từng chỉ phục vụ giới nhà giàu nay trở thành hàng bình dân giá rẻ bèo.
Nho sữa được đóng theo rành, theo thùng có giá phổ biến ở mức 30.000-40.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán chỉ 25.000 đồng/kg. (Xem chi tiết)
Nhiều người ‘xếp hàng’ mua nho Nhật đắt nhất thế giới giá 12 triệu đồng/kg
Giữa thời điểm nho sữa “quý tộc” Trung Quốc giá rẻ bèo đổ bộ chợ, nhiều người vẫn "xếp hàng", đặt cọc để chờ mua một loại nho Nhật Bản được mệnh danh đắt nhất thế giới.
Trái ngược mức giá siêu rẻ của nho sữa Trung Quốc, một số hệ thống cửa hàng trái cây cao cấp nhập khẩu đang rao bán nho Ruby Roman Nhật Bản với giá 9-11 triệu đồng/chùm hoặc 12 triệu đồng/kg. Đây cũng là loại nho có giá bán đắt đỏ nhất tại thị trường Việt.
Ruby Roman là loại nho nổi tiếng của Nhật Bản. Trong một phiên đấu giá gần đây nhất, 1 chùm nho Ruby Roman được trả giá cao nhất 260 triệu đồng. (Xem chi tiết)
Mít Thái tăng giá lên mức cao nhất trong hơn 3 tháng
Giá mít Thái tăng nhanh. Theo Tri Thức & Cuộc Sống, so với khoảng 1 tháng trước, giá mít Thái tăng từ 10.000-12.000 đồng/kg và đang ở mức cao nhất trong hơn 3 tháng qua.
Hiện giá mít Thái loại 1 (từ 9kg trở lên, đạt chuẩn xuất khẩu) được nông dân tại nhiều nơi bán cho thương lái và các vựa thu mua mít ở mức 42.000-43.000 đồng/kg; loại 2 (từ 7 đến dưới 9 kg/trái), giá từ 21.000-22.000 đồng/kg, loại 3 là 12.000 đồng/kg. Mức giá này đang cao gấp 4 lần so với hồi tháng 5/2024.
Hải sản ‘quý tộc’ đua nhau đổ bộ chợ, có loại giá rẻ như rau
Chưa bao giờ các loại hải sản “quý tộc” lại đổ bộ chợ nhiều như thời điểm này, trong đó có mặt hàng giá còn rẻ như rau. Đơn cử, bào ngư loại nhỏ hàng sống giá từ 10.000-15.000 đồng/con.
Trong khi đó, đuôi tôm hùm Úc loại 4-5 đuôi/kg đang được rao bán với giá 300.000-340.000 đồng/kg. Hay, cua lông Thượng Hải thay vì có giá vài trăm nghìn cho đến gần 1 triệu đồng/con như trước thì nay được rao bán phổ biến ở mức 50.000-70.000 đồng/con loại 100-140 gram/con.
Lý giải vì sao giá các loại hải sản “quý tộc” ngày càng rẻ, chị Ngô Phương Liên (một người bán hải sản online) cho rằng, theo quy luật thị trường thì cung nhiều giá sẽ rẻ và ngược lại. Ví như trước kia bào ngư được đánh bắt tự nhiên, hàng khan hiếm nên giá siêu đắt đỏ. Nay có rất nhiều vùng nuôi trồng bào ngư với sản lượng lớn, giá cũng rẻ hơn.
Ngoài ra, thay vì chỉ làm hàng cao cấp, người dân cũng chủ động nuôi trồng ra nhiều loại khác nhau để tiếp khách hàng ở các phân khúc. Thế nên, với bào ngư hay cua lông, bên cạnh loại có giá đắt đỏ thì cũng có hàng "giá bèo" mà các đầu mối rao bán trên chợ online hiện nay. (Xem chi tiết)
Giá phòng trọ tăng cao
Nhu cầu về nơi ở ổn định luôn là ưu tiên hàng đầu của sinh viên trọ học xa nhà. Theo Báo Thanh Niên, điều này khiến giá phòng trọ tại các khu vực tập trung nhiều trường đại học ở Hà Nội và TPHCM đang "nóng" dần trong mùa nhập học của sinh viên.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tăng, khiến giá thuê trọ tại một số khu vực có xu hướng đi lên từ quý II/2024. Ví dụ, tại phường 9, quận 5 (TPHCM), nơi gần nhiều trường đại học, giá cho thuê phòng trọ phổ biến vào quý II/2024 là 6 triệu đồng/tháng, tăng đến 50% so với cùng kỳ năm trước.
Một số chủ phòng trọ trên địa bàn Hà Nội cho biết tăng giá thuê thêm 10-15% với lý do giá mua bất động sản tăng nên giá thuê cũng cần tăng theo. Tương tự, thị trường phòng trọ tại TPHCM cũng chứng kiến xu hướng tăng giá thuê trong vài tháng gần đây, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và hành vi của người thuê trọ.
Vé máy bay dịp lễ 2/9: Có chặng hết nhẵn, chặng giá cao chót vót
Ghi nhận của PV VietNamNet ngay sát trước ngày nghỉ lễ, trên các chặng bay đông khách từ Hà Nội và TPHCM đến các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn,… trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, vé máy bay một số chặng đã hết; một số chặng còn vé nhưng số chuyến, số chỗ không nhiều và giá cao ngất ngưởng.
Điểm khác biệt so với kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 là do có nhiều thời gian trẻ nghỉ hè, các gia đình chọn đi ô tô nhiều hơn, vé máy bay chặng này rất ế ẩm. Dịp nghỉ lễ 2/9, do cận ngày vào năm học mới nên đi máy bay được lựa chọn nhiều hơn. (Xem chi tiết)
Vé tàu giảm giá đến 7% dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Gia Đình & Xã Hội thông tin, theo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, dịp lễ Quốc khánh 2/9, hành khách cá nhân sẽ được giảm giá chiều về 5% khi mua vé khứ hồi và 7% cho đoàn từ 20 người trở lên. Các đối tượng chính sách xã hội vẫn được hưởng mức giảm giá vé thường xuyên.
Theo ngành đường sắt, khác với mọi năm, tuyến Bắc - Nam vẫn duy trì được lượng khách ổn định dù đã qua cao điểm hè, nhờ vào chính sách giá vé linh hoạt, chất lượng dịch vụ trên tàu dưới ga được tăng cường. Mặt khác, khách cũng đã lựa chọn cả ngày thường để du lịch.