Khoảng năm 1988, tôi không còn nhớ vào ngày nào, anh Ngô Đạt Tứ, một cán bộ khá kỳ cựu của Viện Toán -Viện Khoa học Việt Nam đến nhà tôi vận động tôi đứng ra thành lập Hội Tin học Hà Nội. Tôi từ chối vì cũng vào khoảng thời gian đó, tôi đang tham gia Ban Vận động thành lập Hội Tin học Việt Nam (HTHVN) cùng với anh Phan Đình Diệu. Thật ra công việc của Ban Vận động chủ yếu do anh Phan Đình Diệu và một vài anh khác nữa làm. Tôi chỉ phát huy tác dụng của một thành viên Ban Vận động bằng cách thông báo về mục đích hoạt động của Hội và một số tình hình liên quan đến việc thành lập Hội cho lực lượng làm Tin học trong quân đội và cho một số tổ chức, một số trường học khi có dịp tiếp xúc. Trung tâm Toán - Máy tính Quân đội, nơi tôi đang làm việc lúc bấy giờ, là một tổ chức Tin học phát triển khá mạnh do có một đội ngũ cán bộ nghiên cứu tương đối đông đảo. Mặt khác, Trung tâm Toán - Máy tính Quân đội trong nhiều năm đã đảm bảo vận hành với hiệu suất khai thác cao nhiều dàn máy tính lớn, từ Minsk32 đến IBM360 /50, IBM360/40… thu hút được nhiều khách hàng khai thác sử dụng, trong cũng như ngoài quân đội.
Ở nhiệm kỳ 6 của HTHVN hiện nay, BCH có 24 người thì có 4 người đã từng công tác tại Trung tâm Toán - Máy tính Quân đội từ những ngày đầu tiên cho đến khoảng những năm cuối của thập niên 80 hoặc 90. Đó là các anh Nguyễn Quang Bắc, hiện là Giám đốc Trung tâm Khoa học - Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng), anh Đặng Đức Mai, hiện là Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính), anh Trần Minh Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược BCVT &CNTT (Bộ TT &TT), anh Lê Trường Tùng, hiện là Hiệu trưởng ĐH FPT. Chắc vì cái vị thế của Trung tâm Toán - Máy tính Quân đội đối với Tin học nước ta mà các anh có trọng trách trong giới tin học lúc bấy giờ như anh Phan Đình Diệu, anh Trần Lưu Chương, sau này là anh Bạch Hưng Khang… mỗi khi có sự kiện gì liên quan đến tin học là các anh nghĩ đến chúng tôi! Nhưng có lẽ, cái duyên cớ chủ yếu có sự gắn bó ấy là do chúng tôi quen biết nhau đã lâu, từ ngày cùng ở Matxcơva, anh Diệu thì làm luận án tiến sĩ khoa học về toán học ở ĐH Lômônôxốp, còn tôi thì làm nghiên cứu sinh ở Trung tâm Tính toán - Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Suốt trong những năm đầu của cuộc sống tin học ở nước ta, tôi và anh Diệu đều cùng làm việc ở phòng Toán học Tính toán thuộc UBKH &KTNN - nơi vận hành, tổ chức khai thác dàn máy tính điện tử
Tuy Ban Vận động thành lập HTHVN đã làm việc rất khẩn trương, nhưng cũng phải đến cuối năm 1988 HTHVN mới ra đời.
Trong khoảng thời gian HTHVN chưa ra đời, nhiều hoạt động tin học ở nước ta vẫn diễn ra khá phong phú. Về nghiên cứu và ứng dụng tin học thì lúc bấy giờ đã có chương trình Toán -Điều khiển học, mã số 48-05, thực hiện từ năm 1981 đến năm 1985, rồi tiếp sau là chương trình 48A đều do anh Phan Đình Diệu làm chủ nhiệm. Ban chủ nhiệm còn có tôi và các anh: Nguyễn Xuân Lộc (thư ký khoa học), Trần Lưu Chương, Trịnh Quang Khuynh, Nguyễn Quang Thái, Nguyễn Đình Trí và Hoàng Tụy. Mục tiêu chung của chương trình là tích cực xây dựng tiềm lực khoa học -kỹ thuật về tin học, Điều khiển học và trên cơ sở làm chủ các tiến bộ KHKT đó, nghiên cứu ứng dụng chúng vào thực tiễn nước ta để góp phần phục vụ sản xuất và quản lý kinh tế.
Ngoài những hoạt động như ứng dụng tin học, đào tạo, nghiên cứu khoa học, giới tin học còn có những hoạt động mang tính truyền bá, tiếp thị. Một trong những hoạt động có hiệu quả và sống mãi suốt trong mấy mươi năm qua là tổ chức Tuần lễ tin học. ý tưởng tổ chức Tuần lễ tin học có từ rất sớm. Vào khoảng cuối năm 1987, anh Trần Lưu Chương trao đổi với tôi về lập Ban tổ chức Tuần lễ tin học. Rất tiếc là tôi không còn lưu lại một tài liệu nào về Tuần lễ tin học đầu tiên này, nhưng phải ghi nhận những sáng kiến đóng góp của anh Chương trong việc tổ chức nhiều hoạt động Tin học ở nước ta ngay ở thời điểm ban đầu đó là rất phong phú. Thật đau buồn cho chúng ta khi anh Chương đã ra đi vĩnh viễn!
Ban vận động thành lập HTHVN tiến hành họp vào 8g30' ngày 30/12/1988 tại 39 Trần Hưng Đạo để kiểm điểm hoạt động của Ban Vận động và bàn các vấn đề tổ chức Đại hội. Hội đồng Bộ trưởng đã ký quyết định số 312-CT ngày 17/12/1988 cho phép thành lập HTHVN. Và vào hồi 9 giờ sáng ngày 6/1/1989, Đại hội thành lập Hội Tin học Việt nam được tiến hành tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt xô - Hà Nội. Ban Trù bị đại hội có tổ chức phòng trưng bày và bán các sản phẩm tin học. Ban Tổ chức đại hội đặt nơi làm việc tại Trung tâm Tin học, UBKHKTNN, phòng 207, nhà 39 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Địa danh 39 Trần Hưng Đạo, Hà Nội quả là một địa danh có tính lịch sử đối với ngành CNTT nước ta!
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 110 ra ngày 12/11/2008