Giữ cương vị cao, trọng trách lớn, nhưng ông Sáu Dân luôn là người sống rất chan hoà và nặng tình. Hay tin vợ con cùng hàng trăm đồng bào trên tàu Thuận Phong bị địch sát hại ngày 8/1/1966, ông đau đớn lắm. Nhiều năm sau nỗi buồn đau vẫn không nguôi được.

Mỗi bữa ăn, ông đều tự tay xới một chén cơm, so ngay ngắn đôi đũa để trước một chiếc ghế trống cạnh mình để tưởng nhớ người vợ đã đi xa. Đi đâu ông cũng giữ trong hành lý luôn mang theo bên mình một bộ bà ba và một chiếc mền nhỏ của bà. 

Cái mền ông dùng để gối đầu ngủ hàng đêm. Mãi đến đầu những năm 1970, xuống công tác ở khu Tây Nam Bộ, vùng nước mặn, sợ quần áo, mền mang theo dễ hỏng, ông mới gửi những kỷ vật ấy về quê vợ ở Rạch Giá, nhờ người nhà giữ giùm. 

‘Thương thì cưới, để tao lo’ 

Với những người đang sống, ông cũng quan tâm từng ly từng tý. Ở Bến Tre, thấy anh cận vệ Nguyễn Văn Ấm thỉnh thoảng lại xin phép đi đâu một lúc, ông gọi lại hỏi. Anh cận vệ thưa thật là đi thăm người yêu. Ông bảo: "Mày có thương nó không? Nó có thương mày không? Thương thì cưới. Để tao lo. Đám cưới Việt Cộng cũng phải ngon lành đàng hoàng". 

{keywords}
Ông Sáu Dân trong lần về thăm Vĩnh Long. Ảnh tư liệu

Rồi ông đứng ra lo thật. Đám cưới có trang trí một bàn thờ Tổ quốc. Hai bên, ông Sáu tự tay viết tặng đôi vợ chồng trẻ một đôi câu đối, kiểu đại tự viết thành hình vòng tròn như câu đối xưa:

"Vui duyên mới trên quê hương Đồng Khởi

Nghĩa kiên trung như Đất Thép quê mình" 

Sự quan tâm tỷ mỉ của ông Sáu còn dành cả cho những người không quen biết, đặc biệt là người lao động lam lũ. Cận ngày giải phóng, ông Sáu Dân hoạt động ở khu vực "Đám lá tối trời", bên sông Vàm Cỏ (thuộc huyện Đức Hoà, Long An). Khoảng 9h30 sáng 30/4/1975, biết Dương Văn Minh đã ra lời tuyên bố kêu gọi binh sĩ Sài Gòn hạ vũ khí để tránh đổ máu, cả cơ quan tức tốc thu dọn đồ đạc chạy bộ về căn cứ Lê Minh Xuân (nay thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM). 

Là những người đã hoạt động lâu năm trong nội thành Sài Gòn, thông thạo đường đi nước bước, hai đồng chí Trần Quốc Anh và Trần Văn Nhơn được ông Sáu đích thân gọi đến, giao nhiệm vụ về Sài Gòn tìm xe buýt ra căn cứ đón anh em vào nội thành ngay. Chạy bộ đến xa lộ Đại Hàn, hai anh em gặp một chiếc xe GMC của địch nằm ngay bên đường. Trên xe có treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng nhưng lái xe, chủ xe thì đã bỏ đi, chẳng thấy đâu cả. 

Thấy có 2 anh chạy xe ôm đứng gần đó, anh Quốc Anh hỏi: "Mấy anh biết lái xe không?". Nghe họ bảo biết, hai anh Việt Cộng từ rừng ra lập tức trưng dụng ngay. Họ đưa xe quay lại căn cứ đón ông Sáu Dân và ông Năm Xuân về Sài Gòn kịp tiếp quản. Sau đó, hai anh này còn giúp chạy thêm nhiều chuyến để đón thêm nhiều anh em cán bộ khác. Tối mịt, họ mới xin phép từ giã để về nhà. 

Khuya, về báo cáo lại tình hình, ông Sáu bất ngờ hỏi: "Mày có trả tiền cho hai anh lái xe không?". Trần Quốc Anh ngớ người: “Dạ, không… không có". Ông Sáu kêu trời: "Giong người ta đi phục vụ mình cả ngày mà bảo không nhớ chuyện trả tiền là sao? Người ta làm thuê, khổ cực, phải trả tiền cho họ chứ?". Anh cán bộ ngượng ngùng thưa thật: "Họ về mất rồi, cũng chẳng hỏi nên biết đâu mà trả?". 

Ông Sáu ra lệnh: "Tìm được họ để nhờ thì cũng phải tìm được họ để trả tiền. Bữa nay chưa tìm được thì mai mốt tiếp tục tìm, dứt khoát phải trả tiền cho họ!". 

Thuật lại câu chuyện này, cả hai ông Trần Quốc Anh và Trần Văn Nhơn vẫn còn xúc động. Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ lọt thỏm giữa vô vàn biến cố sôi động của Sài Gòn ngày đầu giải phóng. Nhỏ, nhưng đó là câu chuyện của cả một tấm lòng… 

Cuộc hội ngộ của những người lính cũ 

Sau giải phóng, những anh em cận vệ, bảo vệ từng sống, chiến đấu và phục vụ bên cạnh ông Sáu Dân - đồng chí Võ Văn Kiệt - đã tự động tập hợp nhau lại thành một Ban liên lạc truyền thống gọi là tổ A6. Không ai bảo ai, tất cả đều nhất trí lấy ngày 23/11, ngày sinh của chú Sáu Dân để làm ngày kỷ niệm, tổ chức gặp mặt, giúp đỡ anh em. 

{keywords}
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm lâm trường 184, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Ảnh tư liệu

Những cuộc gặp gỡ thường diễn ra nhiều nơi, khi ở dinh Thống Nhất, lúc ở Suối Tiên, Đầm Sen, có năm lại đổi về CLB Lan Anh ở quận 3. Dù xa xôi, nhưng cứ đến ngày, anh em bảo vệ, cận vệ lại tụ về đông đủ. 

Hồi còn sống, năm nào ông Sáu Dân cũng có mặt, quây quần với những người lính cũ. Cả cái tên, tính nết, thậm chí cố tật của từng người ông cũng không quên. Năm nào có người vắng đi, ông lại nhắc. Những người lính cũ cứ hồn nhiên quàng tay, ôm vai ông như ôm cha ôm chú, rất thân thiết. 

Lần gặp gỡ ở Suối Tiên, ông Sáu Dân nhắc: "Anh em mình nhiều người vẫn còn nghèo. Nên lập ra một cái quỹ, gọi là quỹ A6, anh em giúp nhau…". Ông Sáu là người đóng góp trước tiên. Nhưng ông cũng nhắc đi nhắc lại hai điều. Một, anh em giúp nhau chủ yếu là giúp điều kiện, giúp kinh nghiệm, kiến thức, đừng giúp bằng cách cho đất, cho tiền, không giải quyết được gì. Hai, có nhiều cách để gây quỹ, cách nào cũng tốt nhưng tuyệt đối không nhận "rửa tiền" cho tổ chức, cá nhân nào đó mượn tiếng ủng hộ quỹ. 

Trong một lần gặp gỡ truyền thống tổ chức tại nhà ông Phạm Thanh Dân ở đường Minh Phụng, quận 11, chính ông Sáu đã đề xuất, sau đó đã góp tiếng nói quan trọng vào việc kiến nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 3 liệt sĩ Phạm Minh Trung, Lê Văn Tăng, Nguyễn Minh Hoàng và huân chương Chiến công cho một số anh em khác.  

Tham khảo thêm
Ông Sáu Dân trong lòng người lính cận vệ

Phần 1: Ông Sáu Dân trong lòng người lính cận vệ

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bí danh Sáu Dân) thương lính như con, như em, đối xử với họ như người chung một nhà.

Ông cũng là người đã đứng ra vận động và giúp thực hiện việc lập bia liệt sĩ tại đường Lãnh Binh Thăng, quận 11. Đây là 12 chiến sĩ thuộc Phân đội I An ninh vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ Bộ chỉ huy Tiền phương Nam do ông Võ Văn Kiệt làm Tư lệnh trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968. Mùng 7 Tết năm đó, họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và vĩnh viễn nằm lại ở nơi này. 

Xây dựng công viên không chỉ cho một quận 

Cũng tại quận 11, ngay đầu đường Lãnh Binh Thăng, còn có một nơi nổi tiếng khác đã từng in đậm dấu ấn Võ Văn Kiệt. Đó là công viên Văn hoá du lịch Đầm Sen.

Tháng 12/1975, trong một hội nghị giao ban giữa Ban Quân quản TP.HCM với các chủ tịch quận, huyện, ông Huỳnh Văn Cang, Chủ tịch quận 11 đã đề xuất thành phố bố trí cho quận này một công viên, bởi lẽ cả 200.000 dân của quận này vẫn chẳng có lấy một chỗ làm nơi giải trí. 

Đề xuất này được ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Đảng ủy Ban Quân quản TP, người chủ trì hội nghị đánh giá cao và nhiệt liệt tán đồng. 

Khi chọn đất, ông Cang đề nghị chọn Trường đua Phú Thọ cũ. Tuy nhiên, TP đã có kế hoạch khác cho khu vực này. Chỉ tay lên bản đồ thành phố, ông Võ Văn Kiệt khuyên ông Cang: "Rồi đây quận 11 sẽ không chỉ có 200.000 dân mà sẽ nhiều hơn thế. Xây công viên cũng phải tính đến không chỉ cho riêng quận 11 mà phải cho cả TP, thậm chí cho khách trong cả nước. Trường đua Phú Thọ diện tích nhỏ, không phải nơi phù hợp. Ở vị trí gần chùa Giác Viên có một đầm sen và một khu vực ao rau muống nằm nối nhau, rộng khoảng 50ha, có lẽ phù hợp hơn. Đặt công viên ở đó vừa đỡ tốn tiền đào đắp, cải tạo mà cũng nhẹ đền bù. Quận 11 nên tính lại thử". 

Ông Cang rất ngạc nhiên, không biết người lãnh đạo của mình khảo sát từ bao giờ nhưng quả là rất rõ địa hình, địa bàn, ý kiến đưa ra cực kỳ xác đáng. 

Ngày 20/12/1976, công viên Văn hoá Đầm Sen được khởi công. Sau này, nó còn được tu sửa, xây dựng thêm nhiều đợt. Đúng như tầm nhìn của ông Võ Văn Kiệt dự báo, hiện nay nó vẫn là một trong những công viên Văn hoá - Du lịch lớn và nổi tiếng nhất, không chỉ với quận 11 hay TP.HCM mà còn khắp cả nước, thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi. 

Nước mắt cô công nhân 

Được chính ông Võ Văn Kiệt động viên và anh em ủy thác, nhiều năm qua, ông Phạm Thanh Dân (Ba Dân) đã liên tục giữ trách nhiệm Trưởng ban liên lạc tổ A6. 

Ngày ông Sáu Dân mất (11/6/2008), ông Ba Dân đã chứng kiến có rất nhiều đồng bào, từ trí thức đến công nhân, nông dân tham gia đưa tiễn ông. Tại nghĩa trang, có một nhóm nữ công nhân trẻ, vừa tan ca, còn mặc nguyên đồng phục công ty cũng tranh thủ đến viếng ông. Người quá đông, cảnh vệ không cho họ vào, những cô công nhân này cứ đứng ngoài hàng rào nghĩa trang mà khóc. 

{keywords}
Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm cán bộ, công nhân công trình điện 500 KV
tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Ảnh: TTXVN

Cảm động, ông Ba Dân và ông Huỳnh Văn Cang đã lần lượt dắt từng người một vào tận bên mộ để họ được thắp cho thủ trưởng cũ của hai người một nén nhang. Những cô công nhân bộc bạch trong nước mắt: "Tụi con không quen chú Sáu, nhưng tụi con biết ông ấy là người hết lòng vì dân vì nước. Nghe tin chú Sáu mất, tụi con muốn được thắp cho chú nén hương để nhớ ơn. Mai mốt có chuyện gì khó khăn, tụi con cũng sẽ đến đây khẩn cầu với chú Sáu. Người như chú Sáu chắc là linh lắm…". 

Giản dị và chân thành, cả hai người cựu chiến binh đã dạn dày trận mạc nghe cũng rơi nước mắt. Tự nhiên nghĩ về người thủ trưởng cũ của mình, họ bỗng nhận ra một điều rất lớn lao: Lịch sử vốn công bằng, cuộc sống cũng công bằng. Những ai đã phấn đấu, hy sinh, hết lòng vì dân vì nước thì lịch sử, cuộc sống và cả những người không quen biết cũng sẽ không bao giờ quên họ. Bởi vì đó là những nhân cách lớn.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chú Sáu Dân. Anh Sáu Dân của họ - và cũng là của rất nhiều người - chính là một con người không thể nào quên như thế.

Nguyễn Hồng Lam

Tầm nhìn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong đối phó với thiên tai

Tầm nhìn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong đối phó với thiên tai

Ông Sáu Dân tâm sự với chúng tôi: “Một đất nước đi lên công nghiệp hoá không thể chỉ có một con đường quốc gia độc đạo như quốc lộ 1A. Con đường này không đảm bảo an toàn bởi hiện tại bão lụt hàng năm".