“Với tôi trước đây, cha không phải người vĩ đại, vì tôi hầu như không biết gì về ông” - người con của vị tỷ phú nức tiếng Sài thành một thời chia sẻ.
LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.
Tại đây, các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bài học huy động sức dân, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; bài học ngoại giao, quân sự trong công cuộc kháng chiến cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đó là sự sáng tạo, kiên cường, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bài học lớn trong phát huy nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
VietNamNet mời độc giả gặp lại những “tượng đài sống”, chứng nhân hiếm hoi còn lại trong những thời khắc lịch sử, những người đã dành tuổi trẻ, niềm tin, lòng quyết tâm và cả niềm hy vọng cho ngày toàn thắng.
“Tỷ phú Mai Hồng Quế” (10/10/1920-25/6/2002) là một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam mang quân hàm Thượng úy, trực thuộc Đơn vị 159 Biệt động quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Ông có tên thật là Trần Văn Lai, bí danh Năm USOM/Năm Lai.
Với vỏ bọc là một nhà thầu khoán trang trí nội thất trong dinh Độc Lập, ông đã thiết lập nên mạng lưới các mối quan hệ với giới chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa để rồi từ đó bí mật đào hầm, vận chuyển và cất giấu vũ khí chuẩn bị cho sự kiện tổng tiến công Mậu Thân 1968…
Năm 2015, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Trần Văn Lai - "tỷ phú Mai Hồng Quế". Ảnh tư liệu
Ông là nhân vật chính của một trong những câu chuyện tình đẹp thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và trở thành nguyên mẫu của vai diễn ông chủ hãng sơn Đông Á trong bộ phim nổi tiếng "Biệt động Sài Gòn”.
Cuộc đời ông từng được tái hiện qua bộ phim tài liệu lịch sử "Ông thầu khoán biệt động" của Đài Truyền hình TPHCM.
Ông Trần Vũ Bình là con thứ tư (theo cách gọi miền Nam, hoặc thứ ba theo cách gọi miền Bắc - PV) của vị “tỷ phú biệt động” lừng danh. Chia sẻ về những kỷ niệm đối với người cha mà trong suốt thời thơ ấu, cả 5 anh em của ông chỉ được gọi là “bác” hay thậm chí là “má”, ông Bình cho biết: “Với tôi trước đây, cha không phải người vĩ đại, vì tôi hầu như không biết gì về ông”.
"2 năm sau ngày thống nhất, tôi mới được nhận cha"
“Sau giải phóng 10 năm, tôi mới được gọi ông tiếng 'ba'. Trước đó, tới tận năm 1977, tôi mới được nhận cha, nhưng mà chỉ kêu là 'bác'.
Ông có sống gần gũi, chăm sóc chúng tôi đâu. Thậm chí lúc đó, tôi xem ông như một người xa lạ” - ông Bình bồi hồi nhớ lại.
Sau này lớn lên, tìm hiểu thì ông Bình mới biết nguyên nhân cha của ông phải giấu hoàn toàn việc có gia đình mới, có các con.
“Nhưng cái đó, sau này tôi mới hiểu, và lúc đó thì trễ quá rồi. Còn trước thì tôi buồn, thậm chí là hận” - người con nay đã ngoại ngũ tuần ngậm ngùi.
Ông Trần Vũ Bình - con trai của Anh hùng Trần Văn Lai. Ảnh: Phương Quyên
“Ông có người vợ đầu là bà Phạm Thị Chinh bị địch bắt và tra tấn, hy sinh năm 1964. Sau đó, tổ chức sắp xếp cho ông lấy má tôi là Đặng Thị Thiệp vào năm 1965. Hai ông bà sinh anh đầu năm 1966, rồi liên tục thêm anh em chúng tôi ra đời trong các năm 67, 68, 69.
Thế nhưng, tuổi thơ của anh em tôi không có cha.
Ngay cả khi đất nước đã thống nhất, ông cũng không bao giờ đi chơi chung với vợ con mặc dù ông không đi đâu, bận gì. Con cái đi trước, ông đi cửa sau. Còn có lần, đang chở tôi đi trên đường bỗng ba thắng gấp xe, mặc cho tôi bị va đầu vào kính đau đến phát khóc, ông vẫn mặc kệ mà băng qua đường để bắt kẻ tình nghi.
Gia đình tôi đông con nên rất khó khăn. Lương không bao nhiêu nhưng bạn bè, đồng đội đến than khổ là ba tôi có bao nhiêu cũng đưa.
Mấy đứa con nheo nhóc thèm ăn phở thì ba tôi dùng chút tiền dư hàng tháng mua tô phở về đổ vào nồi lớn, chế thêm nước sôi, nêm thêm mắm muối. Đám chúng tôi nhìn vậy tức lắm. Còn ba tôi thì bảo ‘tụi con ăn đi, ba ăn rồi’” - ông Bình nghẹn lời nhớ lại.
Một góc ảnh kỷ niệm của gia đình ông Trần Văn Lai. Ảnh: Phương Quyên
“Tôi từng buồn và hận cha đến mức có lần muốn treo cổ tự tử. Nhưng rồi tôi lại nghĩ tại sao mình phải chọn cách thức cực đoan là cái chết, nên đã tháo dây tuột xuống và đi bụi đời.
Rồi trong quá trình lang bạt kiếm sống, tôi gặp vợ tôi bây giờ. Cũng trong quá trình đó, tôi lần dò trên con đường tìm sự thật về cha mình.
Và khi càng biết về ông, cảm giác uất hận và buồn tủi dần biến thành sự thương yêu và kính phục.
Tôi hiểu ba mình làm như thế là để đảm bảo sự an toàn cho vợ con, và cũng là nguyên tắc hoạt động. Cao hơn nữa, đó chính là sự hy sinh”.
Bài học 3 chữ "hóa"
Giờ đây, ông Bình tự hào “Có lẽ, tôi là người giống cha nhất trong gia đình”.
Có những bài học từ cha mà ông Bình trở thành người học trò tiếp thu xuất sắc.
Gia đình ông Lai (người đeo kính) sum họp sau ngày thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu
“Khi hoạt động cách mạng, cha được người ta cực kỳ thương quý. Tôi học được ở cha cách sống để đi đến đâu người ta cũng che chở, bao bọc.
Người từ miền Bắc vào đến miền Nam và được nhân dân bao bọc, thương yêu không phải dễ. Cha tôi thường nói nhiều lần thoát được trong các cuộc truy lùng của địch là do được người dân bao bọc.
Một trong những bí quyết của ông là hóa thân.
Ví dụ, trong thời chiến, người ta thường thành lập liên gia trưởng (theo mô hình của Ngô Đình Diệm), tức là cứ 3 hộ thì có 1 hộ là trưởng, quản lý 2 hộ kia. Bởi vậy, nếu đụng chuyện gì là có khả năng bị tố cáo liền.
Vì vậy, khi tới một địa bàn mua nhà để đào hầm, đào hố, ba tôi phải hóa thân.
Có 3 kiểu hóa thân: nghề nghiệp hóa, quần chúng hóa và hợp pháp hóa. Trong đó, với ba tôi, quan trọng nhất là quần chúng hóa. Tức là người dân biết, thân thiện với mình thì mình mới an toàn được.
Như ba kể lại với tôi, do có nhiều nhà quá nên mỗi nhà đều ít về. Nhưng khi về tới là ông phải sà vào các nhà xung quanh. Ba nắm quy luật ông bà hàng xóm đó hay đi vắng vào giờ đó, và sẽ nói 'Mấy nay con về ghé thăm cô Tám/cô Tư/chú Hai… mà không gặp'. Người ta hỏi lại 'Ghé giờ nào?', ông trả lời ghé vào thời điểm mà theo quy luật nắm được, họ đi ra ngoài. Người kia liền đáp 'Tao bận đi công chuyện rồi thì sao mày gặp được'…
Cách này khiến người ta nghĩ ba vẫn về đây hoài, gặp đây hoài. Vì vậy, khi có người bên ngoài như cảnh sát hoặc liên gia trưởng hỏi, người ta sẽ khẳng định là ba tôi thường xuyên ở đó.
Về nghề nghiệp hóa, ba nói phải làm thật, biết thật. Có thể không học ở trường lớp nhưng ông vẫn phải theo thầy học đến nơi đến chốn. Ông nói là thầu khoán mà không biết xây nhà cửa, sao người ta tin? Hay ông nói là bác sĩ mà không biết khám bệnh thì sao được? Ba tôi tiêm rất giỏi, tiêm chữa bệnh cho mình rồi cho cả người khác.
Cuối cùng mới là hợp pháp hóa. Hợp pháp hóa là căn cước giả, giấy tờ giả cho ông vào thành để hoạt động. Những giấy tờ này ông đưa ra là người ta tin, bởi ông thực sự có thể làm công việc như ghi trên giấy tờ đó”.
Ba tôi bị bệnh và qua đời vào năm 2002. Ông là một người sống hết lòng vì tổ chức, vì đất nước. Lúc ba qua đời ở bệnh viện Chợ Rẫy, tôi nhớ chị Phó giám đốc tới gặp gia đình tôi và có nói rằng ba đã đăng ký hiến xác cho y học. Khi đó, mẹ tôi mới khóc, bảo là cha đã cống hiến cả cuộc đời và mọi thứ ông có cho cách mạng. Bây giờ chỉ còn lại chút này của ông, mẹ tôi xin được giữ riêng cho gia đình...”.
Tìm lại di sản của cha
“Sau ngày thống nhất, ba tôi vẫn đào hầm trong nhà. Những tài liệu quan trọng, ông đều cất trong đó. Tôi nhân lúc ông đi vắng đã lén xem tài liệu để tìm hiểu, chứ bình thường ba không nói.
Tôi cũng tìm gặp những người biết về ba, để nghe họ kể chuyện ngày xưa”…
Tôi thấy lòng biết ơn bây giờ xa xỉ quá, hiếm quá. Mình được hưởng không khí, bầu trời yên bình này là phải biết ơn rồi chứ không phải cho tiền bạc, nhà cửa mới biết ơn.
Chúng ta phải biết ơn những người đã nằm xuống để mình có được ngày hôm nay.
Ông Trần Vũ Bình
Càng nghe về ba, những câu hỏi càng xuất hiện nhiều và thôi thúc người con đi tìm sự thật. Đây cũng chính là sự khởi đầu cho việc mua lại và phục hồi các di tích, hiện vật có liên quan đến “tỷ phú Mai Hồng Quế” của ông Bình - công việc mà ông xác định theo đuổi từ những năm 1980, khi chưa đầy 20 tuổi.
“Việc này, tôi nghĩ nếu sống đầy đủ ngay từ đầu thì có lẽ, tôi không thể làm được”.
Theo ông Bình, trong quá trình hoạt động, ba của ông thường vận động những người dân không có liên quan họ hàng.
“Giống như chúng ta bây giờ đi làm, 1 ngày 8 tiếng, trừ lúc đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ thì thời gian tiếp xúc, làm việc nhiều nhất là với đồng nghiệp. Vì vậy, ba tôi sẽ bắt đầu vận động từ những người đồng ngành, xong đến đồng nghề, rồi cuối cùng là đồng hương.
Thế nên tôi học ba, gần gũi với người dân. Chính vì sự gần gũi đó người ta mới mách những nơi ba từng hoạt động lúc trước hiện ai đang ở, để tôi tìm tới. Bởi người Sài Gòn nếu không thân tình thì sẽ không nhiều chuyện, không chỉ dẫn.
Ba tôi sống rất chân tình, nhà cửa toàn để người khác đứng tên. Có những người khi tôi tìm đến hỏi chuyện đã nói thẳng 'Nhà của ba cậu đó, nhưng giờ nếu trả cho cậu thì tôi ở đâu?'. Thì thôi, mình phải mua lại của người ta, có khi trả nhiều hơn mặt bằng chung, đủ để lo cho những người con của họ.
Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến công việc tìm kiếm và phục dựng các địa điểm di tích của ba tôi kéo dài.
Tôi nghĩ là nhờ vào sự phù hộ của những người đã khuất nữa mới có thể làm được”.
Người con của biệt động Sài Gòn chia sẻ việc tìm di sản và xin mua lại rất khó khăn, làm việc này sẽ không được việc khác, thậm chí từ bỏ luôn cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
“Có những lần tôi tính dừng, nhưng tại điểm dừng lại phát hiện thông tin về điểm mới, lại là mở đầu chuyện tiếp theo. Tôi vẫn chưa thể ngủ ngon, luôn đau đáu vì biết đó, thấy đó nhưng vẫn chưa làm được do có nhiều rào cản”.
Những kỷ vật tại di tích hộp thư bí mật và hầm nổi ở 113A Đặng Dung, quận 1. Ảnh: Phương Quyên
Hiện nay, ông Bình “sở hữu” một loạt điểm di tích ở TPHCM, phục vụ người dân miễn phí, như: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định ở quận 1; hộp thư bí mật và hầm nổi ở 113A Đặng Dung, quận 1; hầm vũ khí bí mật, hầm trú ém quân 287/70-72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3; hiệu vàng Phú Xuân - Vĩnh Xuân 368 Hai Bà Trưng, quận 1; biệt thự thi công nội thất Dinh Độc lập và hầm ngầm bí mật dưới lòng biệt thự số 8 Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận; trạm giao liên tình báo ở huyện Củ Chi; nhà và hầm Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi; nhà và hầm Tư lệnh Nam Bộ, khu căn cứ Hội đồng Sầm, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An…
“Điều tôi mong mỏi là vĩnh viễn không có chiến tranh. Mà muốn vậy thì chúng ta phải có những bài học, cơ sở, những điểm đến trực quan sinh động. Bởi với lớp trẻ bây giờ, nếu sách vở dài quá là không chịu đọc.
Tôi suy nghĩ là đưa lớp trẻ đến những điểm di tích đó, trước là tham quan lối sống sinh hoạt xưa, sau có thể bắt đầu tìm hiểu từ cái hầm đến hiện vật hay câu chuyện lịch sử một cách nhẹ nhàng. Rồi khi giới trẻ bắt đầu yêu những thứ thuộc về lịch sử thì sẽ ngẫm nghĩ để sống sao cho xứng đáng.
Ngay cả trong nhà không phải ai cũng ủng hộ tôi làm công việc này. Bởi kinh tế thị trường, không ai bỗng dưng hy sinh mấy chục cái nhà như vậy trong khi con cháu còn nghèo, chưa có nhà cửa.
Nhưng tôi phải vượt qua cái sự tầm thường đó, vượt cao hơn nữa để tiếp tục cống hiến giống cha mình.
Ba tôi trong thời chiến mà còn làm được, tôi sống trong thời bình mà không làm được thì quá dở. Tôi làm để làm gì? Để trả lại cho ba. Nhưng sau này tôi nghiệm ra, cho đi là còn mãi”.
Ba tôi không làm gì là sẽ bệnh. Ông hoạt động không ngừng nghỉ, nắm hết các “chìa khóa” mạng lưới trong nội thành.
Ở mặt công khai, ông làm tốt cho Mỹ thì được giao nhiều. Thành ra, nhà tôi có nhiều cái mâu thuẫn trong tâm lý.
Má mà thấy ba đem tiền về nhiều là sẽ buồn. Buồn vì Mỹ đổ tiền vào nhiều như vậy thì biết chừng nào giải phóng? Ông ngoại Đặng Hạnh của tôi khi đó đang tập kết ngoài Bắc, làm cận vệ cho Bác Hồ. Nếu không giải phóng thì biết chừng nào má mới được gặp ông?
Còn một mâu thuẫn nữa là pháo kích, đại bác hung hiểm vô cùng nhưng đêm mà không nghe đại bác là má lại buồn. Bởi dù biết là có bắn phá là chết chóc nhiều, nhưng má vẫn mong quân ta tấn công vô cho nhanh, để sớm kết thúc chiến tranh.