Vào năm 2008, Nghệ An là địa phương tổ chức đấu giá biển số xe thành công 2 phiên với số tiền thu được hàng tỉ đồng để hỗ trợ người nghèo. Mặc dù sau đó, Bộ Tài chính và Bộ Công an có ý kiến, đề nghị dừng hoạt động này lại vì vướng mắc thủ tục pháp lý.
Thời điểm đó, đề án đấu giá biển số xe đẹp đã được UBND tỉnh Nghệ An phê chuẩn với 2 hình thức là đấu giá và định giá. Đấu giá chỉ áp dụng đối với các biển số đẹp thuộc loại biển số "tứ quý". Định giá gồm các biển số "tiến" theo quan niệm số đẹp của nhiều người dân, với giá khởi điểm từ 4 - 8 triệu đồng mỗi biển số bằng cách bấm số ngẫu nhiên.
Đề án cũng xác định, toàn bộ tiền đấu giá, định giá biển số đẹp sẽ được chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh để sử dụng vào Quỹ Vì người nghèo và Sở LĐ-TB&XH tỉnh để sử dụng vào Quỹ Bảo trợ bà mẹ và trẻ em.
Trên cơ sở đó, tháng 4 và 5/2008, 2 phiên đấu giá đã được tổ chức, dưới sự điều hành của hội đồng đấu giá biển số xe đẹp gồm đại diện các ngành công an và tài chính.
Tại phiên đấu giá vào tối ngày 11/4/2008, hội đồng đấu giá đã đưa ra 7 biển kiểm soát (BKS) xe ô tô và 3 biển xe mô tô đẹp, được nhiều người ưa chuộng.
Cụ thể, BKS 37S-9999 được các tổ chức cá nhân hăng hái tham gia đấu giá, số tiền cuối cùng trúng lên tới 700 triệu đồng (cao gấp 14 lần so với giá sàn đưa ra là 50 triệu đồng). Người trúng đấu giá biển này là ông Nguyễn Khắc V. (trú ở xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, nay là phường Vinh Tân, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An).
Cùng với ông V., 9 người khác cũng đã đấu thành công được biển số đẹp đúng theo ý mình với giá khá cao. Cụ thể biển 37S-8888 trúng giá 430 triệu đồng, 37S-7777 giá 310 triệu đồng, biển số 37S-6868 giá 290 triệu đồng, 37S-6666 giá 260 triệu đồng...
Với 19 biển số ô tô và 4 biển số môtô được đưa ra đấu giá trong 2 đợt, Nghệ An đã thu về số tiền 2 tỷ 568,3 triệu đồng.
Tiền thu về từ định giá biển số 198 ô tô được 1 tỷ 134 triệu đồng và định giá 257 mô tô được 356 triệu đồng. Tổng cộng số tiền thu về qua đấu giá và định giá là 4 tỷ 58,3 triệu đồng.
Với số tiền thu được từ 2 phiên đấu giá, hội đồng đấu giá đã trích một khoản tiền để đầu tư cho đảm bảo an toàn giao thông; chuyển hơn 2,8 tỉ đồng tiền đấu giá cho Ủy ban MTTQ tỉnh, trong đó dành cho Quỹ Vì người nghèo của tỉnh 2 tỷ 640 triệu 10 nghìn đồng, Quỹ Bảo trợ bà mẹ, trẻ em 200 triệu đồng.
Trong năm 2008, Quỹ Vì người nghèo tỉnh Nghệ An đã sử dụng nguồn này, hỗ trợ xây 189 căn nhà cho người nghèo (mỗi nhà trị giá 15 triệu đồng) và mua hàng trăm con bò giúp người nghèo phát triển sản xuất. Sở LĐ-TB&XH sử dụng tiền hỗ trợ Quỹ Bảo trợ bà mẹ, trẻ em để thực hiện phẫu thuật "Vì nụ cười trẻ thơ" cho 100 trẻ em bị khuyết tật.
Trao đổi với VietNamNet, chủ nhân trúng đấu giá BKS 37S-7777, ông S. (một doanh nhân trú TP Vinh) cho biết, thời điểm đó đấu giá công khai ở hội trường, ai đấu với số tiền cao thì sẽ trúng.
“Phiên đấu hôm đó khoảng 100 người tham gia, còn riêng biển kiểm soát 37S-7777 có khoảng 10 người cùng nhau đấu, với giá trả 310 triệu đồng nên tôi đã được trúng biển số này. Số tiền sau đó được đưa vào quỹ vì người nghèo nên chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ”, ông S. chia sẻ.
Nói về quy định đấu giá biển số mới hiện nay, ông S. đánh giá: “Việc đấu biển số xe này được định danh cá nhân (định danh biển số) nên tôi rất đồng tình vì mình được sở hữu biển kiểm soát đó luôn. Còn trước đây, mặc dù đấu được biển đẹp nhưng khi mua bán, sang tên thì không được giữ lại, mặc dù mình bỏ ra số tiền rất lớn để mua cái biển đó”.
Một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Nghệ An) cho biết thêm, các biển số đẹp được đấu giá thời điểm 2008 vẫn được các chủ sử dụng bình thường, gắn với các dòng xe sang như Audi, Toyota Camry, Toyota Prado... Chỉ riêng xe có BKS 37S-6868 thì đã được sang tên nhiều lần.
Từ ngày 1/7/2023, Nghị quyết số 73/202/QH15 về thí điểm đấu giá biển số ô tô của Quốc hội chính thức có hiệu lực; cũng là ngày Nghị định số 39 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Nghị quyết 73 có hiệu lực. Chính vì vậy, người dân sẽ được quyền lựa chọn, cạnh tranh để sở hữu biển số ô tô theo mong muốn. Trước đó, vào năm 1993, Bộ Công an chỉ đạo Công an TP.Hải Phòng thí điểm về cấp quyền lựa chọn biển số ô tô và có thu phí. Đến năm 2008, Công an một số địa phương như Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Bình Dương, Sơn La… đã báo cáo Bộ Công an, đề xuất Chính phủ cho phép lựa chọn phương thức đấu giá biển số ô tô. Tuy nhiên qua nhiều lần hội thảo và xin ý kiến thủ tướng, các bộ ngành thì vẫn vướng về mặt pháp lý, dư luận còn nhiều ý kiến khác nhau. |
Việt Hòa
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!