Trong 3 ngày làm việc đầu tiên tại Mỹ với lịch trình dày đặc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều lãnh đạo trong nội các Mỹ, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden; lãnh đạo một số nước ASEAN và một số đối tác quan trọng của Việt Nam.

Thông điệp xuyên suốt được Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc là: Việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu, đoàn kết và hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương.

Cần đặc biệt chú trọng nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển của mọi quan hệ hợp tác, đối tác trong hội nhập quốc tế. Giải quyết các vấn đề có tính toàn dân phải có cách tiếp cận toàn dân; mọi chính sách phải hướng đến người dân; khuyến khích sự sáng tạo và kêu gọi sự hợp tác của mọi người dân.

Thủ tướng cũng cho rằng, hội nhập quốc tế là xu thế khách quan nhưng phải biết huy động sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại một cách phù hợp, hiệu quả. Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với thế giới hiện nay. 

Trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden chia sẻ, cá nhân ông luôn dành nhiều tình cảm cho đất nước và người dân Việt Nam. Khi còn là Thượng nghị sỹ, ông đã cùng người bạn, người đồng nghiệp John McCain vận động chính giới Mỹ ủng hộ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Trò chuyện cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Mỹ là một mối quan hệ đặc biệt. Hai nước đã vượt qua quá khứ đau thương của chiến tranh, cùng nhau hợp tác, thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả trên mọi lĩnh vực. 
Gặp Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn ông Leahy sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, động lực để các thế hệ nghị sỹ Mỹ tiếp nối công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, dành ngân sách khắc phục các điểm nóng về dioxin, bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, tìm kiếm, quy tập hài cốt bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến đấu...
Tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến mối quan hệ Việt - Mỹ trải qua nhiều thăng trầm, đến nay đã đạt được những bước tiến dài và tích cực. Trong đó, chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ 7 năm trước đã đặt nền móng vững chắc, tạo cơ sở để quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ phát triển sâu rộng, trên nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, vì hoà bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. 
Tiếp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn cùng Mỹ tiếp tục đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thực chất, ổn định lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi nước và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới.
Tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Thủ tướng đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính Mỹ hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam về phát triển kinh tế, xử lý các thách thức toàn cầu, trong đó có vấn đề chuyển đổi năng lượng; chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản một cách lành mạnh, an toàn, minh bạch góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tiếp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam cam kết tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường, công bằng, lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ để các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ yên tâm, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. 
Trò chuyện cùng nguyên Đại sứ Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai trên thế giới về nền kinh tế Việt Nam, tình hình tại Việt Nam. Chúng ta làm việc phải dựa trên tinh thần chân thành, tin cậy và trách nhiệm. Khi hợp tác với nhau thì lợi ích hài hoà, rủi ro phải chia sẻ”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao trong năm 2022, nhằm tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Trong đó, tăng số lượng học bổng đào tạo cho cán bộ quản lý các cấp của Việt Nam; đồng thời tăng cường hợp tác giữa hai nước trong xử lý các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống dịch bệnh và biến đổi khí hậu. 
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh  bày tỏ vui mừng về sự phát triển vững chắc của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Từ đầu năm 2022 đến nay, hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao và các cấp, trong đó có chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Phankham Viphavanh (tháng 1/2022)

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hoà bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau”.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nêu rõ, trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng.

Thu Hằng - Ảnh: Bắc Giang