"Hắn vừa chơi vừa chửi. Sáng trưa chiều tối, cứ rảnh tay là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi bạn chơi cùng. Có sao đâu? Bạn chơi game ai biết đó là ai? Rồi hắn chửi đối phương. Thế cũng chẳng sao, chẳng qua cũng là ai đó mà thôi. Tức mình, hắn lên Facebook chửi đổng cả đám chơi game. Nhưng ai đọc được thì cũng nghĩ: 'Chắc hắn trừ mình ra'.
Không ai phản đối, có khi bạn hắn vào ủng hộ chửi cùng hắn. Cũng chửi trời, chửi đất, cũng chửi ai đó mà chẳng ai biết là ai cả. Chẳng có ai chửi lại với hắn. Tức thật! Ờ! Thế này tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha, chửi mẹ đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng chẳng ai chửi nhau với hắn làm gì. Thế có mỏi tay gõ bàn phím không cơ chứ? Nhưng cũng chẳng ai bật lại hắn, hắn lại càng có động lực. Rồi hôm sau hắn lại chửi tiếp, chửi ngày qua ngày, chửi tháng qua tháng, hết mùa đông cho đến mùa hè, trình độ chửi của hắn ngày càng ngày càng tăng cao. Có ai biết được hắn đã chửi được bao nhiêu người? Có mà trời biết! Đất biết! Hắn chẳng biết, cả đám bạn của hắn cũng chẳng ai biết cả…"
Làng game Việt được hình thành gắn liền với loạt sản phẩm tên tuổi như MU Online, Gunbound, TS Online..nhưng có lẽ phát triển mạnh mẽ nhất là vào giai đoạn Võ Lâm Truyền Kỳ và Audition được mang về Việt Nam. Và cũng từ đó, cộng đồng game thủ ngày một lớn mạnh dần kéo theo nhiều xích mích dù nhỏ hay lớn. Với Võ Lâm Truyền Kỳ, điển hình là những vụ lừa đảo, mua bán đồ không hợp, tranh bãi quái, tranh boss dẫn tới việc lời qua tiếng lại hoặc hẹn nhau trả thù tại cổng Biện Kinh, Tương Dương.
Giai đoạn sau, hàng loạt game được đưa về Việt Nam, những xích mích cũng vì thế mà tăng dần, không hiếm cảnh hẹn hò đồ sát trên kênh thế giới hay cả bang được huy động để đi PK.
Năm 2010, khi có lệnh cấm cấp phép game online cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội Facebook, các game thủ Việt dần dần tìm sang game nước ngoài để chơi. Đã chơi ở nước ngoài thì tâm lý chung của đại đa số game thủ là tìm những người cùng tiếng nói với mình. Bắt đầu từ đây game thủ Việt có văn hóa "tìm người thân" cùng với đó game thủ Việt thường làm quen với game nhanh, ít giao tiếp với người nước ngoài vì vốn tiếng Anh hạn chế cộng với bản chất chơi game cục bộ ít giúp đỡ những người mới chơi.
Giữa năm 2012, Liên Minh Huyền Thoại về Việt Nam, kéo theo đó là "văn hóa chửi thề" phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt câu chửi được xuất hiện và biến tấu. Đâu đâu cũng chửi, bạn cùng game cũng chửi, đối phương cũng chửi. Lý do thì rất đơn giản, bạn cùng chơi kém hơn mình, bạn cùng chơi chọn tướng lạ, bạn cùng chơi chọn mất tướng yêu thích, bạn cùng chơi vi phạm một lỗi nhỏ, bạn cùng chơi không làm theo ý mình, bạn cùng chơi không giúp đỡ mình, bạn cùng chơi học tập lên đồ của game thủ nổi tiếng. Với đối thủ thì đối thủ may mắn hơn mình, đối thủ được hỗ trợ hơn mình,...
Đến các game thế giới cũng không ngoại lệ. Văn hóa chửi thề được coi là đặc trưng của game thủ Việt trong con mắt cộng đồng thế giới và dĩ nhiên việc bị lên án, xa lánh là khó tránh khỏi. Nhiều cộng đồng game nước ngoài đã biểu quyết đòi NPH chặn IP Việt Nam. Ngay cả đến những buổi stream của các game thủ nổi tiếng cũng là hàng loạt câu tiêu biểu như: "Việt Nam điểm danh", "Anh em Việt Nam đâu hết rồi", sau đó là những màn chửi bới. Admin của những phòng chat này khó chịu đến nỗi cả buổi cứ thấy tiếng Việt không cần biết nói gì họ khóa hết, và liên tục những câu nhắc nhở người Việt. Nhiều game thủ Việt cũng lắc đầu ngán ngẩm về việc này, thậm chí nhiều người ra sever nước ngoài chỉ nói tiếng nước ngoài và không bao giờ dám nhận mình là người Việt Nam.
Số lượng người dùng internet của Việt Nam chiếm khoảng gần 50% dân số, và số lượng người chơi game online trong đó cũng chiếm tỉ lệ không hề nhỏ. Đã đến lúc cần có cách nhìn chính xác và cùng nhau chung sức để mang lại tiếng nói cho cộng đồng game thủ Việt trên bản đồ game thế giới.
Theo GameThu