- “Nếu đã hình thành được văn hóa ứng xử bệnh viện thì bất cứ ai bước chân vào đó đều buộc phải hòa nhập vào dòng chảy. Người bước chân vào đó lập tức phải làm quen với nó, nếu không sẽ bị sa thải hoặc bị lạc loài ngay lập tức. Nó giống như con quạ lạc vào bầy thiên nga vậy - tự xấu hổ mà bỏ đi”, TS Trịnh Thắng chia sẻ.

Kết quả khảo sát thực tế mới đây do Sở VH-TT&DL Hà Nội công bố cho thấy thực trạng văn hóa ứng xử Hà Nội đang rất báo động. Cụ thể, bệnh viện là nơi “dẫn đầu” về chỉ số các hành vi ứng xử không phù hợp: trong số 6.000 bảng hỏi được phát ra, trên 90% số người được hỏi cho rằng bác sĩ, y tá, điều dưỡng, và người bệnh, người nhà của người bệnh có hành vi ứng xử không phù hợp. Điều này khiến Hà Nội phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho 6 nhóm đối tượng khác nhau, trong đó có bệnh viện.

Để có cái nhìn thấu đáo hơn về văn hóa ứng xử bệnh viện, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ, Tiến sĩ Trịnh Thắng - chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực y tế công cộng, giáo dục và phát triển xã hội.

Bác sĩ cũng là con người!

Là chuyên gia tư vấn, làm việc với nhiều tổ chức y tế, bệnh viện lớn nên tiến sĩ Trịnh Thắng hiểu rõ hơn ai hết áp lực của các y bác sĩ. “Các y bác sĩ cũng có thể bị stress”, TS Thắng nói. TS Thắng cho rằng, với hệ thống y tế quá tải như Việt Nam hiện nay, các y bác sĩ quay cuồng với công việc, phải tiếp quá nhiều người bệnh trong một ngày thì việc nhiều cán bộ y tế có những hành vi ứng xử không phù hợp là có thể hiểu được.

“Bác sĩ cũng là con người, cũng có lúc mệt mỏi. Hiểu được vậy, người bệnh và gia đình họ sẽ dễ thông cảm hơn về y bác sĩ”, TS Thắng nói.

Theo vị chuyên gia này, ngành y là ngành “đứng mũi chịu sào”, là ngành tiếp xúc trực tiếp với dân nên thường bị “để ý”. Không phủ nhận những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận y bác sĩ, nhưng không nên vì thế mà đánh đồng lên án cả ngành y. Vì xã hội luôn có cái nhìn thiếu thiện cảm về y bác sĩ nên họ chỉ cần “có vấn đề” một chút là ngay lập tức bị lên án.

“Vẫn còn rất nhiều y bác sĩ có tâm, có tài. Tuy nhiên, người bệnh và gia đình họ lại đánh đồng tất cả các y bác sĩ đều xấu như nhau, điều đó khiến nhiều người có tâm có tài cũng ngại cố gắng vì cố gắng của họ không được nhìn nhận đúng". Vậy nên, điều cốt lõi là cả hai phía đều phải thay đổi nhận thức. Người bệnh hãy coi các cán bộ y tế là những người đứng mũi chịu sào, thì sẽ có cái nhìn thiện cảm với họ. Còn cán bộ y tế thì coi người bệnh như người nhà của mình thì sẽ ứng xử tận tình, chu đáo”, TS Thắng chia sẻ.

{keywords}

Ts. Trịnh Thắng (cầm micro, đứng giữa) nói chuyện với y bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội về văn hóa ứng xử.

Chữa bệnh cần tình người

“Nhân đây tôi kể một câu chuyện liên quan tới chăm sóc và tình thương. Gần nhà tôi có một ông già chơi cây cảnh. Ông này chơi rất điêu luyện, ai cũng biết là trình cao. Ông có một bà vợ, mọi người gọi là mụ vợ thì đúng hơn, nghĩa là “kinh lắm”. Thông thường những ông chơi cây cảnh thì vợ lại rất ghét cây cảnh. Những lúc ông ấy chơi cây cảnh là bà vợ lại chửi cây cảnh, có khi mắng luôn ông ấy. Có một lần ông ấy phải đi công tác một tuần vào trong miền Nam. Trước khi đi, ông ấy dặn bà vợ: Bà chửi tôi cũng được, bà ghét cây cũng được nhưng trong một tuần này, vì trời nóng bà phải tưới cho tôi ngần này gáo nước vào gốc cây, vào giờ này giờ nọ... Và ông ghi ra giấy đúng như vậy đưa cho bà.

Ở nhà bà vợ làm theo như lời dặn. Nhưng một tuần sau, ông về thì cây cảnh chết cả rồi. Bởi khi tưới cây cảnh, ông ấy nói chuyện với cây: cây thật tuyệt, mày chính là tao, giọt sương trên lá mày như nước mắt tao, rung động trên lá mày như hơi thở của tao, và ông vuốt ve chúng. Còn bà vợ thì vừa tưới vừa chửi: tiên sư nhà mày, vì ông nhà mày mà tao phải tưới mày. Vì thế cây tủi hổ, cảm thấy đau đớn, nên nó nghĩ thà chết đi còn hơn. Thế là chết một cách an bình. Câu chuyện này mọi người thấy có vẻ hơi bị phóng khoáng quá không. Thật hay là giả? Ai mà cố chấp bảo thật hay giả thì người ấy sẽ khổ đau. Phải nghĩ giả thật là như một. Trong trường hợp này không nghĩ là thật hay là giả nhưng mà nội hàm của nó liên quan đến ứng xử với người bệnh.

Một bác sĩ bình thường, tôi chưa nói là siêu việt, khi một người bệnh đến, lại ứng xử như cách của bà vợ kia, cũng cho khám bệnh theo đúng trình tự nhưng lại thiếu tình thương trong đó thì có khi lại làm người bệnh đau thêm - mà cái đau người khác không nhìn thấy được”, TS Thắng chia sẻ.

Theo TS Thắng, điều quan trọng nhất trong việc chữa bệnh là ổn định được tinh thần của người bệnh, truyền sự lạc quan, vui sống cho họ hay nói cách khác là chữa bệnh tinh thần trước khi chữa bệnh thể xác. Ở các nước phát triển như Mỹ, trước khi chữa bệnh họ đều có khâu tư vấn, ổn định tinh thần cho người bệnh. Việt Nam chưa làm tốt được điều này.

“Người bệnh đến với bệnh viện mang theo cả cuộc sống. Nếu đã là cả cuộc sống thì sẽ có rất nhiều bình diện chứ không chỉ là bệnh tật. Nhưng rất tiếc họ không nói được nên lời và nếu có nói thì chưa chắc các thầy thuốc đã nghe và có khi lại còn không khuyến khích để họ nói ra các bình diện ẩn ấy... Họ quên hẳn đi cuộc sống của người bệnh là gì.

Nếu bác sĩ biết được cuộc sống của người bệnh là gì thì bác sĩ trở nên siêu việt. Siêu việt không phải là ở kỹ thuật y học mà siêu việt ở sự tinh tế, bởi sự đồng cảm. Như vậy bác sĩ sẽ tìm được cảm hứng trong việc chăm sóc người bệnh, không coi đó là trách nhiệm rất nặng nề của giới y nữa”, TS Thắng chia sẻ.

Xây dựng văn hóa ứng xử theo hệ thống

Theo TS Thắng, để xây dựng được văn hóa ứng xử trong bệnh viện thì điều quan trọng nhất là các y bác sĩ, nhân viên y tế phải hiểu đúng thế nào là văn hóa ứng xử. Khi đã hiểu đúng rồi thì văn hóa phải được xây dựng bằng nỗ lực chung của toàn thể cán bộ nhân viên và môi trường bệnh viện, chứ không của riêng ai. Khi đã hình thành được văn hóa của cả bệnh viện thì bất cứ cá nhân nào có hành vi “ngược dòng” sẽ tự bị đào thải.

“Văn hóa được hình thành từ những cá thể riêng lẻ. Nhưng những cá thể này khi biết gắn kết với nhau thì tạo thành cái nền tảng rất chung mà bây giờ trong xã hội đương đại được gọi là thương hiệu. Ai bước chân ra từ thương hiệu ấy đều mang những dáng dấp, những giá trị, những cái gì đó giống nhau mà người ta nhìn vào là biết ngay”, TS Thắng chia sẻ.

Văn hóa ứng xử bệnh viện là gì?

Dưới góc nhìn của TS. Trịnh Thắng:

Mấu chốt trong văn hóa ứng xử bệnh viện là:

- “Lấy người bệnh” làm trung tâm, chứ không phải lấy “bệnh tật” làm trung tâm.

- Lắng nghe và đáp ứng đầy đủ, kịp thời, chu đáo với trăn trở “đa chiều” của người bệnh.

- Văn hóa ứng xử bệnh viện là nỗ lực chung của toàn thể cán bộ nhân viên và môi trường bệnh viện, chứ không của riêng ai.

Các thông điệp chính trong văn hóa ứng xử bệnh viện

1. Nếu coi “bệnh tật” là trung tâm thì thầy thuốc chỉ là thợ chữa, còn nếu “người bệnh” là trung tâm thì thầy thuốc đích thực là mẹ hiền.

2. Nếu bạn xem việc phục vụ người bệnh là công việc bắt buộc thì bạn đang tự làm cằn cỗi tâm hồn mình; còn nếu bạn phục vụ họ bằng cả trái tim, thì bạn đã tìm được cảm hứng để làm mới mình mỗi ngày

3. Phục vụ người bệnh tận tình, chu đáo và thân thiện sẽ làm giảm nỗi đau của họ và bớt đi những căng thẳng, lo âu của người nhà.

4. Người bệnh đến với bệnh viện mang theo không chỉ nỗi đau của bệnh tật, mà còn cả cuộc sống. Ứng xử với người bệnh chính là ứng xử với những trăn trở đa chiều của họ.

5. Thầy thuốc không chỉ là người chữa bệnh mà còn là nơi người bệnh gửi gắm niềm tin.

6. Nét đẹp của bệnh viện không chỉ ở cơ sở vật chất và trang thiết bị, mà chủ yếu là ở cách hành xử hàng ngày của mỗi cán bộ nhân viên đối với người bệnh và người nhà của họ.

7. Người bệnh là sứ giả cho bộ mặt của bệnh viện. Hãy để họ quảng bá về bạn và bệnh viện của bạn.

Kim Minh