7 nhu cầu về vốn không được ngân hàng cho vay
Ngày 28/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, sửa đổi bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Thông tư 06 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9. Thông tư này quy định 10 nhu cầu vốn không được cho vay.
Nhưng ngày 23/8, NHNN đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành 3 trường hợp cấm cho vay cho đến ngày có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
Theo đó, từ ngày 1/9, tổ chức tín dụng sẽ không được cho vay đối với 7 nhu cầu vốn sau:
- Để đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư.
- Để thanh toán chi phí hoạt động kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm.
- Để mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư.
- Để mua vàng miếng.
- Để trả nợ cho các khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi phát sinh trong thời gian thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay đã được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn và đáp ứng đủ 2 điều kiện: thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; là khoản vay chưa cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
-Để gửi tiền.
Được vay ngân hàng này để trả nợ trước hạn ngân hàng khác
Trong Thông tư 06, NHNN đã sửa đổi khoản 6 theo hướng nới lỏng hơn. Cụ thể, các TCTD sẽ được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Trước đây, tại Thông 39/2016/TT-NHNN, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Có thể trả nợ bằng đồng tiền khác đồng tiền cho vay
Khoản 2 Điều 11 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định đồng tiền trả nợ bắt buộc phải là đồng tiền cho vay của khoản vay.
Song từ ngày 01/9/2023, Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực đã bổ sung khoản 2, Điều 11: “Đồng tiền trả nợ là đồng tiền cho vay của khoản vay. Trường hợp trả nợ bằng đồng tiền khác thì thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật liên quan”.
Vay online không quá 100 triệu đồng với nhu cầu phục vụ đời sống
Thông tư 06 đã bổ sung thêm 1 mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD đối với khách hàng và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác để phù hợp hình thức cho vay này nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho TCTD trong việc triển khai hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Trong đó, có quy định đáng chú ý như: Dư nợ vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam tại một tổ chức tín dụng.
Trình tự tổ chức cuộc đấu giá tài sản trực tuyến
Từ ngày 01/9/2023, trình tự tổ chức cuộc đấu giá tài sản trực tuyến được thực hiện theo quy định tại Nghị định 47/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2017/NĐ-CP như sau:
- Thông báo công khai việc đấu giá, kèm theo danh mục tài sản, hình ảnh, tài liệu liên quan đến tài sản (nếu có) trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến.
- Người tham gia đấu giá đăng ký tham trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến.
- Người tham gia đấu giá nộp hồ sơ đăng ký và tiền đặt trước hợp lệ để được sử dụng tài khoản truy cập cuộc đấu giá.
- Truy cập tài khoản đã được cấp theo thời gian quy định để tham gia cuộc đấu giá.
- Công bố người trúng đấu giá trên hệ thống mạng đấu giá trực tuyến ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc.
Chuyến bay bị delay 5 tiếng, khách hàng được hoàn tiền
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 19/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các thông tư quy định liên quan đến vận tải hàng không. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/9.
Thông tư 19 nêu rõ, khi có thay đổi thời gian khởi hành của chuyến bay, các hãng hàng không có trách nhiệm thông báo ngay cho hành khách về việc thay đổi này.
Nếu không phải do lỗi của hành khách mà chuyến bay bị chậm, hãng hàng không phải cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách; xin lỗi hành khách; bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại và chịu các chi phí khác có liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian chờ đợi tại cảng hàng không.
Trường hợp chuyến bay bị chậm do lỗi của người vận chuyển, các hãng hàng không còn phải thực hiện thêm các nghĩa vụ sau đây:
- Chuyến bay chậm từ 2 giờ trở lên: Đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi hành trình hoặc chuyển đổi chuyến bay và phụ thu.
- Chuyến bay chậm từ 5 giờ trở lên: Nếu khách hàng không yêu cầu đổi chuyến mà yêu cầu hoàn trả tiền vé, người vận chuyển hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng.
Cơ chế sử dụng kinh phí Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thông tư 52/2023/TT-BTC có hiệu lực ngày 23/9 hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên để thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với các nội dung:
- Hỗ trợ công nghệ, tư vấn, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa...