Tuấn, chủ một cơ sở kinh doanh tư nhân (tên nhân vật đã thay đổi) có hai xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng, bùn, đất thải… cho các công trình xây dựng tại Hà Nội. Với gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề, Tuấn nói muốn biết “những cung đường bụi” ở Hà Nội, hãy ra đường sau 20h tối.
Đây là khung giờ theo quy định, các phương tiện xe tải trọng lớn được phép hoạt động. “Hàng hoá” trên xe chủ yếu là đất thải, đất bùn… từ các công trình xây dựng được đưa từ chân công trình ra bãi tập kết đổ thải ở ngoại ô.
Ngoài ra, đây cũng là thời gian mật độ giao thông trên các tuyến đường của Thủ đô giảm tới 2/3 lưu lượng, thuận tiện cho các phương tiện tải trọng lớn hoạt động.
Những người làm nghề chở vật liệu, bùn đất thải, xỉ trạc, chất thải xây dựng đều biết, đây là “khung giờ vàng” để các xe quá tải, cơi nới, nâng thùng… hoạt động dễ dàng nhất nhằm “qua mặt” các lực lượng chức năng, các chốt kiểm soát giao thông, thanh tra giao thông và cả sự giám sát của người dân!
Những cung đường... bụi!
Xuất phát từ Xuân Mai lúc 20h30 tối, chúng tôi hoà vào dòng xe trên Quốc lộ 6 (cũ) vào trung tâm Thủ đô. Đi được khoảng 10 phút, những chiếc xe tải đồ sộ bắt đầu xuất hiện. Người không trong nghề cũng dễ dàng nhận biết đây là những xe chở đất, bùn thải… bởi đặc điểm chung: thùng xe được cơi nới lên cao gấp 2, thậm chí gấp 3 so với thành xe theo thiết kế và theo quy chuẩn đăng kiểm.
Một đặc điểm khác, mà nói như Tuấn, “có mù màu cũng thấy”, đó là đất bùn kết từng cục trên thành xe, bám vào gờ xe, hay kết thành tảng che kín biển số, đèn hậu… Nói chung, toàn thân những chiếc xe chở đất thải này không khác gì một con trâu vừa từ đầm bùn đi lên.
Đến cầu Mai Lĩnh (quận Hà Đông), xuất hiện thêm các xe tải chở đất, bùn thải, cát sỏi, xỉ trạc công trình… Những chiếc xe này lầm lũi đi qua bến xe Yên Nghĩa, đến Lê Trọng Tấn, một số rẽ trái vào đường Lê Trọng Tấn kéo dài, xuôi thẳng xuống Thiên đường Bảo Sơn để ra Đại lộ Thăng Long.
Một số rẽ phải theo hướng đường 70 (Phan Trọng Tuệ) hoặc khu đô thị Thanh Hà – Cienco5.
Một số rẽ vào KĐT Trung Văn – Mỗ Lao, nơi có một số dự án đang tiến hành nạo vét bùn đất để ép cọc, chuẩn bị thi công, sau đó theo đường Tố Hữu hoà vào Lê Văn Lương, đến bùng binh BigC – Trần Duy Hưng tiếp tục hoà vào Đại lộ Thăng Long.
“Điểm nhận hàng của những xe này đều là các công trình đang thi công, xây dựng. Giai đoạn làm móng, lượng bùn đất nạo vét lên để ép cọc nhồi, khoan cọc, xúc đất thi công tầng hầm… lên tới hàng triệu m3 đất bùn, dự án quy mô càng lớn thì lượng thải càng nhiều.
Điểm tập kết, đổ hàng là các bãi đổ thải ở các huyện ven đô như Hoài Đức, Quốc Oai… hoặc các công trình cần tiếp nhận đất để san lấp.
Khi xong giai đoạn móng, xe tải lại chở cát, sỏi, vật liệu xây dựng về công trường thi công. Việc không lúc nào hết. Hết dự án này lại đến các dự án khác nối tiếp nhau. Có những chủ xe cùng lúc nhận nhiều công trình để giữ việc, lái xe chạy thâu đêm. Nhưng, đến trước 7h sáng ngày hôm sau tất cả các xe đều dừng hoạt động”, Tuấn chia sẻ.
Ô nhiễm không khí giảm vì... Covid!
Báo cáo Hiện trạng Môi trường Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, Bộ TN-MT đánh giá: ô nhiễm môi trường không khí tiếp tục là một trong những vấn đề nóng. Chủ yếu là ô nhiễm bụi tại các thành phố, đô thị lớn, các KCN. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm bụi mịn ở một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn xảy ra thường xuyên.
Ở khu vực miền Bắc, mức độ ô nhiễm có xu hướng tăng lên từ năm 2017 đến 2019, cao nhất đến năm 2019. Từ năm 2020, xu hướng ô nhiễm không khí có giảm.
Kinh nghiệm 20 năm trong nghề mà "nghe tiếng còi xe cũng nhận ra xe của ai" - Tuấn cho biết, cảnh tấp nập nói trên rầm rộ nhất là giai đoạn năm 2019, trước khi có dịch bệnh Covid hoành hành.
2 năm chống dịch, cả nước giãn cách xã hội, những hoạt động sản xuất không thiết yếu, các công trường hầu hết đều dừng thi công, không tụ tập đông người... Đây chính là nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí của cả nước được cải thiện, vì không có nguồn xả thải khói bụi vào không khí.
Ngoài ra, thị trường bất động sản sôi động hay trầm lắng cũng là lý do xe chuyên chở chất thải rắn này ra đường ít hay nhiều.
Bám đuôi theo một chiếc xe tải cơi nới thùng gấp hơn 2 lần so với quy định, bằng con mắt trong nghề, Tuấn nhìn nhận, nếu đúng tải, xe đó chở 18 tấn nếu thùng không nới thêm. Nhưng, chở đúng tải, đúng thành thì chỉ “mang tiền nhà ra nuôi xe”, chẳng mấy mà sạt nghiệp, bán xe tháo chạy. 100% các xe chở đất đá, chở hàng thuê đều phải cơi nới, nâng thùng. Như chiếc xe này, cơi thùng từ 18 tấn lên 40 tấn, gấp hơn 2 lần so với quy định.
“Một chuyến xe, trừ tiền dầu mỡ, hao mòn, trả tiền thuê tài xế 500 ngàn đồng/chuyến; trừ đủ các thứ chi phí ngoài mà không nói thì ai cũng biết, mỗi chuyến chủ xe thu được 500 ngàn đồng” – Tuấn không giấu giếm rồi thở dài, “nhưng mà mệt mỏi lắm, phải thức đêm hôm cùng nó, không khác gì cú đêm. Dạo này em cũng tính bán xe, nghỉ!”.
Đúng như lời Tuấn nói, chiếc xe rẽ vào đường Lê Trọng Tấn, đến ngã tư Tố Hữu, rẽ phải, chạy hết đường nhập vào đường Khuất Duy Tiến, đến BigC, dừng chờ tín hiệu giao thông chuyển xanh, tiếp tục rẽ trái hoà vào Đại lộ Thăng Long - nhập làn vào cao tốc rồi rầm rập chạy như bị ma đuổi.
1h sáng, chúng tôi từ Đại lộ Thăng Long cắt hầm cầu chui dân sinh, hoà vào Lê Trọng Tấn hướng trở lại Hà Đông. Tại một nút giao đèn đỏ, hai chiếc xe “hổ vồ” rầm rập vượt đèn đỏ, đè cả sang làn đường dành cho BRT chạy cắm đầu cắm cổ.
“Chạy kiểu này là kiểu “phá chủ” đây. Sau này đi đăng kiểm, chủ xe tha hồ móc tiền phạt muội” – Tuấn ngán ngẩm như lý giải thêm chuyện vì sao ban nãy có ý tưởng muốn “giải nghệ, bán xe”.
Lang thang thêm vài giờ đồng hồ, đến khoảng 2 giờ sáng, tổng số xe chở đất, bùn thải mà chúng tôi gặp trên những cung đường kể trên khoảng vài ba chục xe.
“Về thôi. Đi đến sáng cũng như thế này thôi” – Tuấn ngáp ngủ rồi dứt khoát đánh vô-lăng rời khỏi những cung đường quen thuộc – nơi những chiếc xe chở đất lầm lũi chạy đêm.