Trực thăng Kamov Ka-52 Alligator
Là biến thể nâng cấp từ Ka-50, trực thăng Ka-52 (“Cá sấu”/Аллигатор) của hãng Kamov được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, trinh sát, chống tăng, chi viện hỏa lực hay tấn công mục tiêu đường không ở tốc độ thấp. Máy bay dài 13,53m, cao 4,95m, sải cánh 2 x 7,25m, chiều dài cánh quạt 7,25m, trọng lượng cất cánh tối đa 10.800 kg.
Ka-52 bố trí hai chỗ ngồi cạnh nhau và có thể được điều khiển bởi bất cứ thành viên nào trong hai phi công ngồi trong buồng lái. Máy bay Ka-52 cũng là trực thăng tấn công đầu tiên trên thế giới trang bị ghế phóng giúp phi công thoát ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.
Trực thăng Kamov Ka-52 Alligator. Ảnh: Military Today |
So với Ka-50, phần mũi của Ka-52 rộng hơn, do mức độ bọc giáp ở buồng lái giảm đi và do phần mũi là nơi lắp đặt một số thiết bị điện tử, radar. Ka-52 sử dụng hai cánh quạt quay ngược chiều nằm trên cùng một trục; thiết kế này giúp cho trực thăng có tính cơ động rất cao, dễ dàng di chuyển trong không gian chật hẹp hoặc nhanh chóng chiếm lấy vị trí tác chiến có lợi cho mình.
Hai động cơ turbine trục VK-2500 công suất 1863 kW với hệ thống điều khiển số toàn quyền (FADEC) giúp cho trực thăng có thể bay cao 5.000m (trần bay tĩnh khoảng 4.000m) và có thể cất hạ cánh ở khu vực có độ cao lớn. Thiết kế rotor đồng trục độc đáo giúp Ka-52 đạt tốc độ tối đa 310 km/h, bay lùi 130 km/h, bay ngang 100 km/h, trần bay 5,5km, tầm bay trên 1.200km.
Hệ thống vũ khí trên trực thăng Ka-52 gồm một pháo động 2A42 30mm với cơ số đạn 460 viên và các tên lửa, bom gắn trên 6 giá treo vũ khí ở 2 cánh, với tổng tải trọng vũ khí lên đến 2.000kg. Ka-52 có thể mang tên lửa chống tăng 9K121 Vikhir và tên lửa phòng không Igla-V.
Bản vẽ Ka-52 và những vũ khí được lắp trên nó. Ảnh: Wikipedia |
Tên lửa Vikhir do Phòng thiết kế Tula phát triển, nặng 42kg, đầu đạn xuyên giáp bằng thuốc nổ mạnh liều kép, có tầm bắn lên tới 8km, có khả năng xuyên thủng giáp tương đương 900mm thép đồng chất.
Tên lửa phòng không Igla-V do Phòng thiết kế Kolomna (KBM) phát triển, sử dụng hệ thống định vị nhiệt, nặng 10,7kg với đầu đạn nặng 1,27kg, có thể tấn công các mục tiêu trong độ cao từ 10-3.500m và vận tốc từ 0 đến 1.440 km/h, tầm bắn từ 800 đến 5.200m.
Trực thăng Mi-28NM
Dòng trực thăng Mi-28 là sản phẩm của Phòng thiết kế Mil, được thiết kế hoàn toàn cho mục đích tấn công, đặc biệt là khả năng chống tăng và không có chức năng vận tải. Năm 1988, chiếc Mi-28 đầu tiên được thử nghiệm thành công, được gọi là Mi-28A.
Tháng 6/2005, một phiên bản của Mi-28 là Mi-28N có khả năng tác chiến cả ngày lẫn đêm, bắt đầu thử nghiệm trong Không quân Nga. Mi-28N vẫn giữ lại hầu hết các thiết kế nguyên bản của Mi-28 ban đầu, những điểm khác biệt lớn nhất là tích hợp thêm một hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống truyền động mới có khả năng truyền tải nhiều năng lượng hơn cho rotor cánh quạt, và phi công được trang bị thêm các kính nhìn đêm.
Trực thăng Mi-28. Ảnh: Military Today |
Trực thăng tấn công và trinh sát hạng nặng Mi-28NM (“Thợ săn đêm"/Ночной охотник) chính là phiên bản nâng cấp của trực thăng tấn công Mi-28N, do nhà máy Rostvertol sản xuất, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2016, đưa vào sử dụng năm 2020.
Mi-28NM dài 17,01m, cao 4,7m; lắp hai động cơ TV3-117V MA-SB3 (2.466 mã lực/chiếc), giúp nó có thể đạt tốc độ 320 km/h; trọng lượng cất cánh tối đa 10.400kg, trọng lượng chất tải tối đa 2.350kg; bán kính chiến đấu 460km.
So với Mi-28N, trực thăng Mi-28NM được nâng cấp hệ thống đối kháng điện tử tiên tiến, trong đó có thiết bị bắn chặn tên lửa tấn công dùng tia laser; nâng cấp radar trinh sát, chỉ thị mục tiêu trên đỉnh rotor chính, cho phép theo dõi 4 mục tiêu cùng lúc; hiện đại hóa hệ thống điện tử hàng không gồm kính ngắm hồng ngoại, chỉ thị mục tiêu laser hay thông tin liên lạc trên chiến trường; trang bị mới thiết bị liên lạc với máy bay không người lái; lớp áo giáp được gia cố thêm..
Mi-28NM được trang bị: 1 pháo GSh-23L 23mm (cơ số 250 viên đạn); 1 pháo tự động 2A42 30mm (250 viên đạn); 16 tên lửa chống tăng 9M120 Ataka-V được dẫn bằng lệnh vô tuyến, có khả năng chống nhiễu cao ở hai cánh phụ bên hông, tầm bắn tối đa 8km với sức xuyên 950mm thép sau khi phá giáp phản ứng nổ, có thể phá hủy mọi loại xe tăng và xe bọc thép trên chiến trường. Nó có thể mang tên lửa không đối không tầm ngắn R-73, Igla-V hoặc bom chùm chống tăng KMGU-2.
Bản thiết kế Mi-28. Ảnh: Aidade branca |
Đặc biệt, Mi-28NM được trang bị tên lửa dẫn đường 9M123M Khrizantema. Đây là loại tên lửa chống tăng nội địa mạnh nhất cùng loại, tầm bắn 10km, có khả năng tăng tốc lên 650 m/giây và xuyên thủng lớp giáp dày tới 1.000-1.100mm.
Nhìn chung, theo các tham số kỹ thuật-tác chiến, trực thăng Mi-28NM được đánh giá ngang ngửa với trực thăng Apache AH-64 của Mỹ. Còn theo lãnh đạo của Russian Helicopter Holding thì Mi-28NM còn vượt trội AH-64 về hệ thống điện tử.
Xem tin quân sự thế giới trên VietNamNet
Nguyên Phong
Sức mạnh trực thăng “kẻ tàn phá” của Nga tác chiến ở Ukraine
Dưới đây là những hình ảnh hiếm hoi về trực thăng tấn công Mi-28 của Nga tham chiến ở Ukraine.
Những “khắc tinh” của xe tăng trong chiến tranh hiện đại
Trong chiến dịch quân sự đang diễn ra, cả Nga và Ukraine đều thông báo đã tiêu diệt hàng trăm xe tăng, xe bọc thép của nhau.