Thời của game console Trung Quốc đã đến?
Trong những năm gần đây, doanh thu bán hàng thực tế của thị trường game khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã vượt qua Châu Âu, Bắc Mỹ và trở thành thị trường giải trí internet lớn nhất thế giới. Dưới sự thúc đẩy của sức chi tiêu từ những thị trường mới nổi ở đất nước tỷ dân như game mobile, game console, thị trường game Trung Quốc có thể sẽ gây ảnh hưởng tới cục diện thế giới.
Dựa theo những bản báo cáo từ CNG và IDC, nhờ có sự thúc đẩy từ sức tăng trưởng của game mobile, trong năm 2013, quy mô thị trường game Trung Quốc đã đạt 83,1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 13,4 tỷ USD); bên cạnh đó, “Báo cáo đầu tư di động toàn cầu” cho thấy, tổng giá trị sản lượng của thị trường game toàn cầu là hơn 95 tỷ USD, so sánh 2 bên ta thấy rằng, game Trung Quốc đang chiếm khoảng 14% thị trường toàn cầu.
Đồng thời, các doanh nghiệp game Trung Quốc vẫn đang tích cực khai thác những thị trường mới nổi gần đây. Tại sự kiện Mobile World Congress 2014 mới kết thúc vào ngày 27 tháng 2 vừa qua, Perfect World đã thành lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với Huawei, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên có doanh nghiệp game Trung Quốc bắt tay với thương hiệu sản xuất video game console, thông qua phương thức kết hợp phần mềm và phần cứng để thâm nhập vào lĩnh vực game console.
So với thị trường game toàn cầu, thị trường video game Trung Quốc gần như vẫn đang ở giai đoạn chẳng có gì, và đang tồn tại những khoảng trống có thể gây bùng nổ. Trên thực tế, Huawei cũng đã nhìn ra điể này, tại sự kiện CEO ở tháng 1 năm nay, Huawei đã chính thức công bố hệ thống console đầu tiên của Trung Quốc có tên là Tron, dự tính vào quý 2 năm 2014 thì sẽ tung ra thị trường Trung Quốc. Công ty này hi vọng có thể làm nên chuyện ở lĩnh vực giải trí internet thế hệ mới.
Với sự tích lũy suốt 10 năm phát triển cao tốc của ngành game Trung Quốc, năng lực tự mình nghiên cứu, phát triển, và kỹ thuật sản phẩm đã có cơ sở dự trữ quy mô, đủ để làm ra nội dung phù hợp với game console, ví như hàng loạt sản phẩm của Perfect World là Thế Giới Hoàn Mỹ, Tru Tiên, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Băng Hỏa Phá Hoại Thần, Mộng Ảo Tru Tiên, Thần Điêu Hiệp Lữ, Thần Ma Đại Lục…
Được biết, tìm kiếm được một đối tác hùng mạnh cũng đem lại nhiều niềm tin cho Huawei. Trong vai trò là doanh nghiệp game có thu nhập xuất khẩu nước ngoài cao nhất Trung Quốc trong 7 năm liên tiếp, Perfect World không chỉ nổi tiếng về năng lực phát triển và nghiên cứu độc lập, họ thường được coi là nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn nhất ở tại những hội nghị có đủ mặt mọi ông lớn trong ngành game Trung Quốc. Hơn nữa, họ còn có đủ điều kiện về nguồn lực toàn cầu, như việc thu mua lại nhà phát triển nổi danh Bắc Mỹ là Cryptic Studios và còn hợp tác với nhiều cơ sở phát triển game hàng đầu trên thế giới, qua đó không ngừng hoàn thiện thêm kinh nghiệm và kỹ thuật của mình.
Nhân sĩ trong ngành cho rằng, ngoài năng lực nghiên cứu và phát triển hiện có ra, chiến lược đầu tư toàn cầu của Perfect World còn để tâm tới việc thu mua nhiều công ty ở những lĩnh vực mới nổi và có năng lớn là mảng game console. Thời gian qua, công ty này đã bỏ ra 255 triệu nhân dân tệ để thu mua những kênh truyền thông lớn về game console và mobile ở Trung Quốc, hợp tác cùng Geeya, Huawei.
CEO của Perfect World là ông Tiêu Hoằng cho biết, từ những xu hướng phát triển toàn cầu có thể thấy, ngoài game console và game mobile ra, ở các lĩnh vực mới nổi như IPTV, internet console, google glass, di động 4G, doanh nghiệp game Trung Quốc hoàn toàn có cơ hội để trở thành những thương hiệu đẳng cấp thế giới. Huawei hiện nay đã nằm trong top 500 công ty mạnh nhất toàn cầu với thu nhập quốc tế chiếm tỷ lệ hơn 75% tổng thu nhập. Perfect World và Huawei hợp tác có thể dựa vào các điều kiện về kỹ thuật, phục vụ mạng…, để tăng cường tiêu chuẩn quốc tế hóa cho game Trung Quốc.
Game onlline miễn phí của phương Tây rất chán?
Gần đây, ông Owen Mahoney, CEO của Nexon, có đưa ra lời phê bình thẳng thắn đối với cách thức phát triển game miễn phí (free-to-play) của nhiều studio phương Tây.
Theo chia sẻ của ông Mahoney, rất nhiều game online áp dụng mô hình kinh doanh miễn phí được sản xuất các nhà phát triển phương Tây có chất lượng rất thấp, tất nhiên vẫn có một vài cái tên sáng giá và tạo được chỗ đứng vững trãi trên thị trường.
Bản thân công ty Nexon là một cái tên danh tiếng ở phương Đông, trong nhiều năm qua, họ đã chịu trách nhiệm phát triển và phát hành nhiều tựagame miễn phí cực kỳ thành công như Dungeon Fighter Online, MapleStory và Counter-Strike Online.
Ông Mahoney nói rằng mặc dù vẫn tiếp tục duy trì thành công thời gian qua, tuy nhiên ông cũng đã nhận thấy một số điểm đối lập ở lĩnh vực game miễn phí trên PC ở phương Tây.
“Chúng tôi đang nhận thấy sự đối lập ở phương Tây, chủ yếu là bởi vì có quá nhiều tựa game miễn phí trên thị trường, bao gồm cả sản phẩm từ những công ty danh tiếng đều được làm một cách rất tồi tệ”, vị CEO của Nexon cho biết.
“Phát triển được một game miễn phí hay, đồng nghĩa rằng bạn phải duy trì ổn định lượng người sử dụng qua mỗi năm, là một công việc hết sức khó khăn. Ví dụ đơn giản là việc tạo sự cân bằng trong một game online miễn phí rất khác biệt so với những game thu phí truyền thống, và công việc này cần được thực hiện bằng phương pháp khác”.
“Cho đến khi các nhà phát triển phương Tây học được cách làm việc đó tốt hơn, bạn sẽ không được thấy nhiều game miễn phí xuất sắc từ phương Tây đâu. Từ quan điểm của Nexon, chúng tôi muốn được cộng tác với những nhà phát triển phương Tây có tư duy sáng tạo mạnh mẽ và tin tưởng vào sự vui vẻ, thay vì món tiền ngắn hạn làm ưu tiên quan trọng nhất của họ, và sau đó mang họ tới kho tàng kiến thức về mô hình free-to-play của chúng tôi”.
Ông Mahoney cũng chia sẻ rằng ngày nay có quá nhiều người trong ngành công nghiệp game quên mất rằng một gameplay vui vẻ, lôi cuốn phải được đặt trước cơ chế lưu hành tiền tệ và marketing. Ông nói thêm rằng đây là một vấn đề cụ thể diễn ra trong vài năm qua, và lưu ý bất cứ khi nào Nexon đặt sai thứ tự ưu tiên của mình, họ đều gặp phải thất bại.
“Ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển một game miễn phí thành công cũng giống với bất kỳ loại game nào khác, đó là: Tựa game có vui không?”, ông Mahoney nói.
“Giống với bất kỳ game online nào khác, để duy trì lượng người chơi qua nhiều năm thì bạn phải liên tục xây dựng những trải nghiệm ‘gốc’ bằng các nội dung và hình thức mới để thưởng thức tựa game. Mô hình lưu hành tiền tệ và marketing cũng có vai trò quan trọng, nhưng có một điều mấu chốt cần ghi nhớ là: nếu game không vui, bạn sẽ chẳng có vị khách hàng nào và hai thứ trên đều trở thành vô nghĩa”.
“Vì vài lý do nào đó, ngành công nghiệp game đang lãng quên điều này, đặc biệt là trong vài năm qua, họ tập trung vào mọi thứ trừ việc tạo ra một tựa game vui nhộn. Chúng tôi thấy rằng cứ khi nào Nexon phạm vào sai lầm này đều sẽ nhận lấy thất bại. Tôi nghĩ rằng phần còn lại của ngành game cũng đã nhận ra điều này”.
Mô hình gây quỹ dự án game qua Kickstarter đã hết thời?
Theo báo cáo từ phân tích của cơ sở tư vấn ICO Partners trong tháng 10 vừa qua cho biết, tổng số tiền đầu tư đổ vào những dự án game thông quaKickstarter trong năm nay sẽ bị giảm mạnh và không bằng một nửa của năm 2013.
Dựa trên số liệu về khoảng nửa đầu năm 2014 và dự tính tiếp cho nốt nửa cuối năm nay, ICO chia sẻ rằng chúng ta sẽ chỉ được thấy khoảng 27,023,480 USD được rót vào những dự án game thông qua Kickstarter trong năm nay mà thôi. Tất nhiên đây không phải là một số tiền nhỏ, nhưng nếu so sánh với con số 57,934,417 USD của năm 2013 thì nó quả thực đã ít hơn rất nhiều và làm nhiều người phải suy nghĩ.
Giới các nhà phân tích cũng đưa ra vài lí do để giải thích cho hiện tượng này. Một là do những quả bom xịt như sản phẩm Yogventures và Clangđã không thể hoàn thành và bị hủy bỏ. Ngược lại trong năm 2013, chúng ta đã thấy hàng loạt những dự án Kickstarter hấp dẫn được xây dựng bởi những thương hiệu hay nhà phát triển uy tín như Torment, Mighty Number 9, Elite: Dangerous, Camelot Unchained, Dreamfall vàShroud of Avatar…
Trong năm ngoái, tổng cộng đã có 21 tựa game gây được quỹ trị giá hơn 500,000 USD trở lên. So sánh với con số ấn tượng đó, năm nay mới chỉ có 3 game đạt được thành như vậy là: Amplitude HD, Unsung Story vàKingdom Come: Deliverance.
Hơn nữa, chúng ta còn được chứng kiến tỷ lệ dự án game gây quỹ cộng đồng thành công trong năm nay giảm tới 20%. Năm 2013, thống kê cho thấy là có 446 game đã gây quỹ thành công trên Kickstarter, trong khi đó, dự tính năm nay chỉ có khoảng 350 game mà thôi.
Ông Thomas Bidaux, nhà phân tích của ICO, đặt nghi vấn rằng chương trình Steam Early Access có thể chính là đối thủ lớn nhất của Kickstarter ngày nay và đó cũng là lời giải thích hợp lý cho tình trạng gây quỹ game bị thâm hụt nặng nề. “Hầu hết những dự án game trên Kickstarter đều là game PC và khi bạn xem xét lượng công việc cần thiết để gây quỹ trên Kickstarter, so sánh nó với sự dễ dàng của chương trình Early Access, và thêm vào sự thực là chương trình gây quỹ của Early Access không dừng lại sau một tháng, tôi nghi ngờ rằng nhiều sản phẩm thành công trên Early Access đã bỏ qua giai đoạn gây quỹ cộng đồng để đi thẳng vào giai đoạn gây quỹ alpha test”, ông Thomas nói.
“Tôi không thể trách họ, Early Access cũng là một cơ hội lớn dành cho những nhà phát triển. Dù không hoàn toàn thích ứng với mô hình chiến dịch gây quỹ cộng đồng, nhưng nó vẫn có thể thắng thế vì lượng công việc yêu cầu không quá quan trọng”.
Có chăng người Nhật Bản đã chán game console?
Theo những thống kê số liệu bán hàng của các hệ thống console nhưPlayStation 4 , Xbox One , Wii U, hay cả handheld như 3DS và PlayStation Vita thời gian gần đây cho thấy, dường như người dân hay các game thủ tại Nhật Bản đã không còn quá mặn mà với game console giống với thời điểm trước đây nữa.
Vào khoảng đầu tháng 9 vừa qua, hệ thống Xbox One của Microsoft đã chính thức được bày bán tại thị trường Nhật Bản. Mặc dù không ai trông đợi rằng Xbox One có thể bán chạy tại xứ mặt trời mọc bởi đây vốn không phải thị trường sân nhà của họ, nhưng theo báo cáo từ tạp chí Famitsu cho biết thì sau tuần ra mắt đầu tiên đã có 23,562 máy Xbox One được bán.
Có vẻ như đây là một doanh số đáng mừng cho chi nhánh Xbox tại Nhật Bản, nhưng nếu so sánh với thời điểm ra mắt của Xbox 360 cũng tại đây thì con số trên thực sự chưa đáng là bao. Qua đó, ta có thể phần nào cảm nhận được rằng hình như các nhà phát triển và game thủ Nhật Bản đang ngày càng tuyệt giao với những phần cứng nước ngoài.
Sự thành công của hệ thống PlayStation 4 của Sony trên toàn cầu là rất ấn tượng với doanh số hơn 10 triệu đơn vị trong chưa đầy 1 năm. Nhưng điều đáng bất ngờ chẳng kém là ngay tại thị trường sân nhà thì doanh số bán hàng của PS4 lại rất nghèo nàn. Cho tới thời điểm hiện tại, PS4 mới chỉ tiêu thụ đươc khoảng gần 700,000 máy tại Nhật Bản.
Nếu so sánh với tuần lễ đầu ra mắt của hệ thống PS2 với 630,552 máy được bán trong chớp mắt, chúng ta có thể thấy rõ được sự thờ ơ của người dân Nhật Bản đối với game console ngày nay. Một hệ thống khác của Sony là PS Vita cũng có doanh số kém xa người tiền nhiệm của nó là PSP. Hệ thống 3DS và thậm chí cả Wii U của Nintendo cũng có doanh số tốt hơn PS4 tại thị trường Nhật Bản. May mắn cho Sony rằng họ đang chiếm lợi thế tại các khu vực khác trên thế giới, và hi vọng doanh số của PS4 sẽ có thể duy trì được phong độ, vượt qua được thành tựu của PS3.
Hiện nay, điểm sáng và điểm tựa của ngành game truyền thống Nhật Bản chính là thị trường game handheld. Hệ thống 3DS vẫn đang bán rất chạy và thậm chí nó còn thành công hơn cả đàn anh DS, nhưng dường như nó đã không tạo được hiện tượng giống với thời của DS. Tuy nhiên, thị trường này cũng đang trên đà giảm sút dần dần bởi sự tấn công mạnh mẽ của game mobile. Trước đây, các hệ thống cầm tay handheld vốn là một thiết bị được mọi người ưa thích bởi sự tiện lợi và có thể sử dụng cho những chuyến đi xa, nhưng giờ đây thì ai cũng dùng smartphone để làm việc đó.
Trong quãng thời gian vài năm trở lại đây, Nhật Bản là đất nước đang điên cuồng vì làn sóng game mobile. Nhiều công ty game console truyền thống đang chuyển đổi mô hình và xây dựng thêm cơ sở để chuyên phục vụ phát triển game mobile, bên cạnh đó là những cái tên mới nổi đều phát đạt nhờ kinh doanh game mobile
Có vẻ như cả ngành game Nhật Bản đang trong quá trình chuyển mình và tái sinh lại theo một hình dạng mới để có thể tiếp tục phát triển theo xu thế, nhưng chắc chắn rằng niềm đam mê của người Nhật Bản đối với game console đã không còn như trước.
Trung Quốc có đang bí mật phát triển game console?
Mới đây, các kênh truyền thông uy tín ở trong và ngoài Trung Quốc có đưa ra tin đồn về chuyện Alibaba, công ty khổng lồ ở lĩnh vực thương mại điện tử, đang thiết kế một hệ thống console cao cấp của riêng mình để cạnh tranh với Xbox One của Microsoft và PlayStation 4 của Sony tại thị trường Trung Quốc. Tin đồn trên được công bố bởi cơ sở nghiên cứu thị trường Niko Partners thông qua quá trình theo dõi sát sao thị trường game Trung Quốc .
Tuy nhiên, đại diện của hãng Alibaba đã từ chối không bình luận gì về tin đồn nóng hổi này. Bà Lisa Cosmas Hanson, Giám đốc quản lý tại Niko Partners, có nói rằng bà đã nghe ngóng được từ một nguồn tin đáng tin cậy là Alibaba có thể cho phát hành hệ thống console bí ẩn ngay trong năm 2015.
Nhưng, bản thân bà Hanson cũng không dám khẳng định tin đồn trên là đúng hay sai. Và người phát ngôn của Alibaba thì nói rằng họ sẽ không bình luận về những lời đồn trên thị trường. Nếu đây là sự thật, bước đi này có thể gây rung chuyển cả ngành công nghiệp game tại Trung Quốc, nơi game console đã bị cấm trong vòng 15 năm qua.
Trong quãng thời gian từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, Trung Quốc đã chính thức bãi bỏ lệnh cấm cho game console, và Microsoft đã cho ra mắt Xbox One kể từ tháng 9 năm 2014, còn Sony sẽ bắt đầu phát hành PS4 tại thị trường Trung Quốc kể từ ngày 11 tháng 1 năm 2015 sắp tới.
Hiện nay, Alibaba là một công ty có quy mô toàn cầu, và nếu họ thành công ở Trung Quốc, ai mà biết được điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao tới lĩnh vực game console ở phần còn lại của thế giới. Có hai nguồn tin khác, bao gồm cả một vị CEO ở một công ty game Trung Quốc cũng đã khẳng định rằng họ có nghe tới lời đồn tương tự giống của bà Hanson.
Nhưng để cho ra đời một hệ thống console là một công việc rất khó khăn. Hãng Alibaba có thể rút ngắn đường đi của mình bằng cách sử dụng hệ điều hành Android từ Google, nhưng họ sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ trên phương diện đó ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, Alibaba sẽ còn cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhiều nhà phát triển và phát hành game để có thể cạnh tranh tốt với Sony hay Microsoft. Bà Hanson tin tưởng rằng Alibaba sẽ không sử dụng hệ điều hành Android hay Linux và tiến thẳng tới một hệ điều hành cao cấp khác.
Alibaba là một trong số ít những công ty có đủ khả năng để tham nhập vào thị trường game console trên thế giới. Từ những báo cáo mới cho thấy, Alibaba có một nguồn tài chính cực kỳ mạnh mẽ và đã kiếm tới 25 tỷ USD (khoảng 500,000 tỷ VNĐ) tiền mặt thông qua lĩnh vực kinh doanh điện tử thương mại của mình. Thời gian gần đây, Alibaba đang hoạt động tích cực hơn trong thị trườn game, thậm chí còn đưa ra nhiều chiến lược để cạnh tranh với công ty game lớn nhất Trung Quốc là Tencent.
Theo Trí Thức Trẻ