Theo khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện công vừa được Bộ Y tế ban hành, phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực có giá tối đa cao nhất, hơn 134 triệu đồng.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 13 quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện công lập. Các loại dịch vụ cung cấp tại cơ sở khám chữa bệnh gồm: Khám bệnh, giường điều trị, dịch vụ kỹ thuật y tế.
Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành thông tư liên quan giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Trước đây, Việt Nam chưa từng có quy định này, dẫn tới tình trạng mỗi nơi một giá.
Theo thông tư này, có 1.937 loại dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu, sẽ được áp dụng từ ngày 15/8.
Phẫu thuật nội soi robot là dịch vụ có giá cao nhất trong danh mục này. Trong đó, cao nhất là phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực, giá tối đa là hơn 134 triệu; tối thiểu là hơn 91 triệu. Phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý tiêu hóa, ổ bụng, giá cao nhất là hơn 124 triệu, thấp nhất là hơn 96,6 triệu.
Trong danh mục phẫu thuật, với chuyên khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu, phẫu thuật bắc cầu mạch vành có giá cao nhất, với giá tối đa là hơn 59,2 triệu đồng; tối thiểu là hơn 18,1 triệu đồng. Mức giá tối đa phẫu thuật tạo hình eo động mạch là hơn 40 triệu đồng; tối thiểu là hơn 14,3 triệu đồng...
Trong phẫu thuật chuyên khoa Ung bướu, xạ phẫu bằng Gamma Knife có giá cao nhất là hơn 42,2 triệu đồng; xạ trị bằng X Knife có giá cao nhất là hơn 41,3 triệu đồng.
Trong danh mục các dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, dịch vụ có mức giá cao nhất là chụp PET/CT mô phỏng xạ trị có mức giá đa là hơn 28,7 triệu đồng, giá tối thiểu là hơn 20,5 triệu đồng, chưa bao gồm thuốc cản quang. Với chụp PET/CT, mức giá tối đa là hơn 27,8 triệu đồng, giá tối thiểu là hơn 19,7 triệu đồng.
Như vậy, mức giá tối thiểu của các dịch vụ kỹ thuật trong danh mục khám chữa bệnh theo yêu cầu tương đương hoặc nhỉnh hơn vài trăm nghìn so với với khung giá được quy định theo Thông tư 13 (sửa đổi Thông tư 39/2018) và 14 (sửa đổi Thông tư 37/2018) do Bộ Y tế ban hành năm 2019.
Ban hành bảng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, ai bị ảnh hưởng?
Hiện người dân đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế có 3 hình thức, gồm: (1) Khám theo bảo hiểm y tế (chi trả theo quy định tại Thông tư 13/2019 của Bộ Y tế), (2) khám không theo bảo hiểm y tế nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (chi trả theo Thông tư 14/2019 của Bộ Y tế), (3) khám theo yêu cầu.
Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân lựa chọn khám theo yêu cầu theo Bộ Y tế chỉ dưới 10%, tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh, ở tuyến huyện hầu như không có. Bộ Y tế khẳng định bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu lần đầu được ban hành này chỉ áp dụng cho đối tượng số 3, không tác động đến đối tượng số 1 và 2.
Theo các chuyên gia, việc Bộ Y tế ban hành Thông tư 13 này sẽ khuyến khích các cơ sở y tế công nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; góp phần cải thiện thu nhập để cán bộ nhân viên y tế yên tâm phục vụ lâu dài. Đồng thời, sẽ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện công; hạn chế người có khả năng kinh tế phải ra nước ngoài khám chữa bệnh...
Tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20%
Thông tư cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu
- Tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước
- Tỷ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%.
Đại diện Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã cơ bản hoàn thành dự thảo giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, chuẩn bị báo cáo Chính phủ, dự kiến ban hành vào tháng 4.
Theo Thông tư của Bộ Y tế, giá tối đa khi khám bệnh theo yêu cầu (chưa sử dụng chiếu chụp, xét nghiệm...) là 500.000 đồng, tiền giường không quá 4 triệu đồng.