Bên cạnh những điểm sáng của làng game Việt trong năm qua mà chúng tôi đã tổng hợp, ngành game nước nhà cũng để lại không ít những ấn tượng xấu trong lòng người chơi và thậm chí là dư luận xã hội.
Vẫn còn nhiều chiêu trò sex, shock, sến
Dù đã bị phản ánh nhiều lần, bị dư luận xã hội nhìn với con mắt không thiện cảm bởi các chiêu trò giới thiệu, quảng bá game quá lố, lợi dụng các yếu tố bạo lực, shock, sex... Nhưng trong năm qua, hàng loạt nhà phát hành (NPH) từ to tới nhỏ, từ vô danh cho tới có uy tín lâu năm vẫn vì mục đích lợi nhuận và "nhắm mắt đưa tay".
Có thể kể ra đây như việc hai đơn vị ME Corp và CMN Online dùng chiêu bình mới rượu cũ, phát hành lại game cũ với lốt sản phẩm mới. Hắc Ám Tây Du của ME Corp không khác gì Tây Du Ký trong khi Hạo Thiên của CMN Online lại chính là "anh em trong gương" của Thiên Long Mobile.
Tiếp đó là nghi vấn game Bất Bại Online của MC Corp trá hình hàng loạt game khác trên chợ ứng dụng, khiến người chơi bất bình. Khi game thủ vào Google Play và tìm kiếm Cửu Âm Chân Kinh, Ngạo Kiếm Vô Song hay Võ Lâm 3D sẽ xuất hiện ra một game với tên y hệt, logo y hệt, hình ảnh và trailer giới thiệu y hệt thậm chí tên công ty cũng được nhái thành Duo Mobile hay Gosu Mobile. Sự tinh vi của chiêu trò này còn lên một bậc so với các gMO khác từng ăn theo là khi cài đặt về máy, người chơi vẫn đinh ninh đang cài tựa game yêu thích của mình.
Nhiều NPH khác như đơn vị phát hành game 3KG đã quay lại với lối sử dụng yếu tố sex, bạo lực máu me để quảng bá sản phẩm game của mình lên mạng xã hội hay thông qua trang landing. Mặc dù sau đó được lý giải chỉ là một bản test quảng cáo của game và chưa được sự kiểm duyệt nhưng nó cũng không khiến cho cái nhìn của mọi người về NPH này trở nên sáng sủa hơn.
Trong khi đó, Emobi Games, đơn vị phát triển game được rất nhiều người chơi quý trọng và ủng hộ bấy lâu nay cũng trở thành một nạn nhân trong năm qua bởi NPH MC Corp. Cụ thể, trong ngày ra mắt gMO Mộng Võ Lâm, khi game thủ tải thử một bộ cài game có tên Mộng Võ Lâm trên chợ game Android, bất ngờ nhận được thông báo trong quá trình cài đặt rằng sản phẩm này chưa hoàn thiện, người chơi nên thử sang sản phẩm gMO khác là Tứ Thần (của MC Corp). Chiêu trò này sau đó bị cộng đồng game thủ phản đối mạnh mẽ và bộ cài game giả này sau đó cũng sớm mất tích.
Những chiêu quảng bá phản cảm như nhắn tin mời mọc, chi tiền cho các video PR "nhạt như nước ốc" hay "ôm bom" bằng những danh xưng tự huyễn hoặc bản thân như Game chiến thuật hay nhất, Game siêu cấp vô địch, Đỉnh cao game kiếm hiệp, Game mở hàng trăm máy chủ ở Trung Quốc, Siêu phẩm, Game đáng chơi nhất, Game mua với giá 5 tỷ đồng… vẫn được nhiều đơn vị dùng để nói về trò chơi có chất lượng thấp của mình.
Còn đại diện cho một NPH lớn, VNG cũng đóng góp tên mình trong một loạt các vụ lùm xùm khi cạnh tranh với các đối thủ khác như việc cuỗm tay trên Thiên Long Bát Bộ của FPT; đem 9K truyền kỳ đấu đá trên Google cùng Ngạo Kiếm Vô Song, khiến dân tình chán nản với bản hồi ức của Công Thành Chiến; mang bản gốc của Đại Minh Chủ ra "dọa" Emobi Game...
Thiếu sự quản lý, vai trò chung của các tổ chức, đơn vị ban ngành
Đầu tiên, phải kể đến sự thiếu quan tâm, quản lý và tổ chức của các đơn vị chuyên trách, ban ngành trong việc quản lý làng game Việt. Hiện tại vẫn còn đó những cái tên như Hội truyền thông số, Hội tin học, Hội thể thao điện tử giải trí... nhưng gần như tất cả chỉ tồn tại trên giấy và không có chút ấn tượng nào trong con mắt của cộng đồng game thủ Việt.
Giống như một sân chơi tự do và chưa được quản lý, các game thủ khi gặp khó khăn vướng mắc với NPH cũng không biết kêu ai. Tiền mất, tài khoản mất, giá trị đôi khi lên tới cả chục triệu đồng nhưng chẳng có một ai đảm bảo quyền lợi cho họ, bởi mọi quy định được "ép buộc" xác nhận trước khi chơi game đều hướng về NPH.
Những giải đấu với luật lệ thay đổi tùy tiện, liên tục, những nghi án bán độ hay gian lận tuổi chìm vào quên lãng, game thủ như những kẻ nô lệ luôn phải bấu víu và chờ sự thương xót từ NPH game, những kẻ đang ngày đêm "hút máu" họ.
Những vụ lùm xùm trong làng eSports
Đây có thể nói là hệ quả của vấn đề trên, khi mà không phải chịu sự quản lý, các NPH game đều tự tung tự tác với các giải đấu và cuộc thi của mình.
Có thể kể lại như vụ việc nhập nhèm chuyện dàn xếp tỉ số trong giải đấu LMHT của hai đội tuyển Hai Anh Dragons và Hanoi Phoenix; vụ việc game thủ FIFA Online 3 là Cao Tuấn Ngọc cố ý nhả thua với tỷ số cách biệt để không cho đối thủ khác vượt lên trong bảng xếp hạng; việc NPH Garena "dung túng" cho đội Full Louis có hai game thủ chưa đủ 17 tuổi tham dự giải GPL, để rồi bị phát hiện và truất quyền thi đấu; vụ việc cộng đồng CrossFire lựa chọn đại biểu tham dự WCA 2014 bằng biểu quyết; bên cạnh đó là những nghi vấn về việc vi phạm luật thi đấu tại giải DCS A 2014...
Sau tất cả những vụ việc kể trên, cho dù cộng đồng đã lên tiếng và phản ánh dữ dội, các NPH vẫn lặng thinh và cứ im lặng để thời gian xóa nhòa mọi thứ. Không hề có bất cứ sự quan tâm, theo dõi, kiểu tra cũng như xử lý từ các đơn vị ban ngành chức năng.
Vẫn còn quá nhiều game lậu, game Trung Quốc trên thị trường
So với năm 2013, các NPH game Trung Quốc dường như đã kín đáo và khôn khéo hơn trong việc sinh tồn ở làng game Việt. Không còn những banner gây sốc hoặc những quảng cáo rùm beng, giờ đây các NPH game lậu, game Trung Quốc đã biết tìm ra cho mình những hướng đi mới tập trung hơn vào đối tượng khách hàng và né tránh các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, việc bắt tay với một số đơn vị trong nước nhằm giả dạng như một NPH trong nước hay tuồn game TQ vào các cổng game theo dạng channeling cũng là một trong số các chiêu trò khôn khéo.
Và theo số liệu chưa chính thức từ các doanh nghiệp trong nước, thị trường Việt hiện tại có tới hơn 75% sản phẩm là game lậu không phép.
Mặc dù hồi đầu năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định xử lý triệt để các máy chủ đặt tại Việt Nam của NPH Trung Quốc còn sót lại sau đợt xử phạt hành chính trước đó, bao gồm các game do Lemon Game (thông qua công ty đại diện tại Việt Nam là Afoo), Wartune, Trảm Tiên, Rồng Tam Quốc (webgame); QTiên, Pocket Empire (game mobile). Tuy nhiên đây chỉ là những "hạt cát nhỏ" so với cả đại dương game lậu vẫn đang tồn tại phía bên ngoài kia.
Cộng đồng game thủ vẫn bức xúc với NPH
Câu chuyện muôn thuở năm nào cũng diễn ra. Mức độ nghiêm trọng của các cuộc xung đột giữa cộng đồng người chơi và đội ngũ quản lý game, admin, NPH vẫn chưa bao giờ hết căng thẳng.
Từ việc cộng tác viên của Tiếu Ngạo Giang Hồ tố các admin cướp công, "chất xám" của mình cho tới việc NPH Soha Game bị phản đối khi "cài cắm" người vào kích Top, nhằm thúc các game thủ nạp tiền vào game nhiều hơn nữa đã khiến danh tiếng của các đơn vị này giảm sút nghiêm trọng. Chưa hết, với các cuộc thi như Nữ hoàng Hải tặc của NPH Sologame trong One Piece Online, việc cho một thí sinh có phần hơi "vô duyên" trong khâu post ảnh đoạt giải cao cũng khiến cho cả cộng đồng dậy sóng.
Tiếp đó là bộ ảnh chế đầy cảnh tục tĩu của game thủ Đại Minh Chủ đoạt giải nhất cũng khiến cho không ít game thủ bất bình. Còn ở mảng Fanpage, nhiều vấn đề trong văn hóa ứng xử của các admin cũng khiến nhiều game thủ khó chịu khi họ cảm thấy không được tôn trọng.
Trên thực tế thì các NPH Việt chưa bao giờ không để lại những "vết đen" xấu xí trong con mắt của các game thủ nước nhà.
Loạt game khủng "từ trần"
Đứng ở góc độ NPH, khác xa với các webgame hay gMO với sự đơn giản trong việc phát hành, quảng bá cũng như kí kết hợp đồng, những trò chơi MMO Client cỡ lớn gần như là những "canh bạc" hàng trăm ngàn USD hoặc thậm chỉ cả tỷ USD. Và do đó, mỗi lần phải tuyên bố đóng cửa hay ngừng hoạt động một MMO Client đều gây được sự chú ý lớn với cộng đồng game thủ, cũng như các nhân sự, chuyên gia trong ngành.
Năm 2014 chứng kiến sự ra đi của Đấu Phá Thương Khung, MU Online của FPT, dự án Sát Thát Truyền Kỳ của Emobi Games... bên cạnh đó là khá nhiều trò chơi lớn dù vẫn còn tồn tại nhưng có thể nói là
"như đã chết" khi không còn bóng dáng, tiếng tăm cũng như cộng đồng trong làng game Việt.
Lỗi hệ thống dữ liệu của Soha Game
Đây có thể coi là một trong những vấn đề tốn nhiều giấy mực nhất của giới truyền thông trong năm qua trong lĩnh vực công nghệ thông tin khi mà hệ thống Data Center của tập đoàn VC Corp, trong đó bao gồm cả công ty con Soha Game gặp trục trặc trong thời gian dài. Hệ quả của nó là hàng loạt sản phẩm game phải dừng hoạt động bất đắc dĩ, hàng triệu dữ liệu người dùng bị thất thoát, kéo theo đó là loạt gMO buộc phải đóng cửa sau đó vì "không thể cứu vãn tình hình". Sau sự việc, vấn đề đền bù giải quyết hậu quả của NPH này cũng trở thành một câu chuyện rắc rối với nhiều quan điểm trái chiều, cùng hàng loạt ý kiến khen chê đủ kiểu.
Sự việc này gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề bảo mật tại thị trường game Việt Nam, cũng như sự an toàn, đảm bảo về thông tin dữ liệu của game thủ khi tham gia trải nghiệm các sản phẩm trò chơi hiện nay.
Không chỉ riêng NPH và game thủ bị ảnh hưởng, hàng loạt đơn vị khác cũng "ngậm đắng cay" khi có sản phẩm Channeling trên cổng game của Soha.
Hàng loạt vấn đề nghiêm trọng khác
Càng ngày, càng NPH game cũng như nhiều đơn vị phát triển game ở Việt Nam dường như càng cho mình cái quyền tự tung tự tác, thích nói gì thì nói, thích tuyên bố gì là tuyên bố.
Đơn cử như VTC Game mạnh tay dùng hình ảnh Hoàng Thùy Linh để quảng bá cho Linh Vương II khi chưa được sự cho phép của chính chủ, hay Running Hoy bị tác giả của bộ truyện "Hoy đi nha" tố ăn cắp bản quyền và chất xám của mình.
Ngoài ra, cuộc chiến phòng máy giữa Garena và VNG cũng trở nên khốc liệt hơn khi các bên mạnh tay thực hiện các biện pháp gây ảnh hưởng tới uy tín của bên thứ 3, là các chủ phòng máy, khách hàng chính của mình mà không cần tình toán.
Năm 2014 sắp khép lại với những tin mừng và tin xấu trong làng game Việt. H i vọng rằng năm sau danh sách các "điểm sáng" sẽ ngày càng dài hơn trong khi danh sách các "điểm tối" sẽ ngắn lại thêm đôi chút.
Theo Gamethu