Lời tòa soạn: Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Báo VietNamNet mở mục “Đóng góp ý tưởng Chuyển đổi số”, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những bài học hay, các nhân vật tiêu biểu và những câu chuyện cả thành công và chưa thành công của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp cũng như người dân trong hành trình chuyển đổi hoạt động lên môi trường số.
Sau đây VietNamNet xin giới thiệu bài viết của ông Hoàng Lê Minh, Chủ tịch - Giám đốc Công ty TNHH MV&PARTNERS, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn chuyển đổi số và tư vấn giáo dục cho tương lai.
Chúng ta đang có 2 mục tiêu quốc gia trong những năm tới. Đó là Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển năm 2045 và quốc gia số năm 2030.
Chúng ta đang sống và làm việc trong thời kỳ đầu của thời đại công nghiệp 4.0, trong kỷ nguyên số. Một giai đoạn mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới hướng đến sự phát triển đều thông qua phát triển và ứng dụng công nghệ của nền công nghiệp 4.0 đang diễn ra.
Việt Nam chúng ta có những thế mạnh riêng về con người, được cộng đồng thế giới đánh giá cao về tố chất thông minh, chịu khó. Chúng ta hoàn toàn có thể bước lên con tàu công nghiệp 4.0 để bắt đầu cho một hành trình hướng đến mục tiêu quốc gia phát triển 2045 được hiện thực hóa trong thời gian 23 năm tới thông qua một nền kinh tế sáng tạo.
Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Đã có những chuyển biến về nhận thức và tư duy trong phần lớn nhân dân, tuy nhiên chúng ta đang bị chậm trong tốc độ triển khai, hành động cụ thể trên mọi lĩnh vực.
Dù là mục tiêu quốc gia phát triển hay chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã cụ thể, nhưng việc để chúng ta cán đích như đã hẹn cần phải có những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong đời sống kinh tế xã hội. Mục tiêu quốc gia phát triển phải dựa trên nền kinh tế sáng tạo lấy công nghệ làm cốt lõi, chiến lược chuyển đổi số thành công phải dựa trên việc chúng ta phát triển và khai thác công nghệ rộng rãi.
Chúng ta đang nói đến các điều kiện để thành công cho các mục tiêu trên thông qua các nguồn lực: vốn, công nghệ, con người. Tuy nhiên nếu có một cách nhìn tổng quát hơn thì tất cả các nguồn lực nêu trên đều xuất phát từ con người. Con người tạo ra vốn, tạo ra công nghệ, tạo ra giá trị; vì vậy, tựu chung lại để đạt được mục tiêu quốc gia phát triển 2045 hay quốc gia số 2030 chúng ta đều xuất phát từ nâng cao tri thức, kiến thức, kỹ năng và tạo động lực sáng tạo trong kinh tế xã hội thông qua giáo dục đào tạo và quy tụ tài năng.
Về giáo dục đào tạo
Chúng ta cần nhanh chóng trang bị cho sinh viên đang ngồi trên giảng đường của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp nghề… hiện nay những năng lực mới: Nhận thức số, tư duy số, kiến thức số, kỹ năng số và tư duy sáng tạo thông qua các bước chuyển đổi số mạnh mẽ tại các nhà trường. Bởi chúng ta không thể truyền thụ những năng lực nêu trên cho sinh viên, học viên thông qua những tài liệu, bài giảng mà các năng lực đó chỉ có thể có được cho sinh viên, học viên thông qua quá trình trải nghiệm, thực hành.
Khi nhà trường thực hiện chuyển đổi số, tức là lúc toàn bộ lãnh đạo, giáo viên, sinh viên, học viên của nhà trường đã sẵn sàng trang bị các năng lực mới cho sinh viên, học viên. Thông qua các hoạt động học tập, nghiên cứu trong môi trường số chính là giai đoạn học viên được trang bị các năng lực mới, có đủ trải nghiệm để sẵn sàng tham gia vào các tổ chức kinh tế xã hội đang khát nguồn lao động có năng lực số hiện nay và tương lai không xa.
Khi nhà trường thực hiện chuyển đổi số, là lúc nhà trường có cơ hội chuyển đổi tổng thể hình thức dạy học và nghiên cứu khoa học. Khi nhận thức số, tư duy số đã sẵn sàng thì việc ứng dụng công nghệ số vào trong các hoạt động sẽ tạo ra đột phá về chất lượng và số lượng đào tạo là điều hoàn toàn khả thi. Chuyển đổi số hỗ trợ mạnh mẽ chuyển đổi trong giáo dục đào tạo, những từ khóa như sự thuận tiện trong tiếp cận và hợp tác học tập, trang bị kỹ năng tự học, tự nghiên cứu là nền tảng của tư duy sáng tạo – một điều kiện vô cùng quan trọng cho nguồn lực lao động trong nền kinh tế sáng tạo là cốt lõi trong mục tiêu quốc gia phát triển 2045.
Về quy tụ tài năng
Việt Nam chúng ta đang có một đội ngũ tri thức lớn đang sống, học tập và làm việc tại nước ngoài. Rất nhiều trong số đó có mong muốn được đóng góp năng lực của mình vào sự phát triển của đất nước. Công nghệ số đã và đang hỗ trợ kết nối chúng ta từ khắp nơi trên thế giới, xóa bỏ mọi hạn chế kết nối theo cách truyền thống.
Nếu theo cách trước đây chủ yếu chúng ta kêu gọi đội ngũ tri thức lớn về nước phục vụ, cống hiến trong khu vực Nhà nước thì ngày nay có thể mở ra đa dạng các hình thức hợp tác, hầu hết các hình thức có thể không bắt buộc các nhà tri thức về nước vẫn có những đóng góp lớn cho chúng ta.
Nếu trước đây đội ngũ tri thức chủ yếu đóng góp thông qua Nhà nước thì ngày nay chúng ta có thể có những cơ hội sâu rộng hơn. Đội ngũ tri thức dù ở nước ngoài đều có thể hợp tác với cơ sở đào tạo, các tổ chức kinh tế xã hội và đặc biệt hợp tác khởi nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội sáng tạo đang diễn ra.
Một bài viết không thể diễn tả một vấn đề lớn mang tính tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, tôi muốn đưa ra một bức tranh về không gian số Việt Nam hướng đến mục tiêu quốc gia phát triển 2045. Không là tất cả nhưng 2 hình thức đưa ra chuyển đổi số giáo dục và quy tụ tài năng sẽ là điều kiện quan trọng để chúng ta đẩy nhanh và cán đích các mục tiêu đã đề ra.
Hoàng Lê Minh, Chủ tịch – Giám đốc Công ty TNHH MV&PARTNERS
Báo VietNamNet trân trọng cảm ơn và mời độc giả tiếp tục tham gia viết bài chia sẻ kinh nghiệm, kể những câu chuyện, sáng kiến cho chuyển đổi số quốc gia. Các bài viết vui lòng gửi về địa chỉ: banictnews@vietnamnet.vn.