Khi nhắc tới mối quan hệ độc hại, những hành động như la hét, đánh nhau sẽ xuất hiện trong tâm trí bạn, tuy nhiên, điều đó chưa đúng hoàn toàn. Đối phương hoàn toàn có thể “cải trang” thành một người luôn quan tâm và khiến bạn tin rằng hành vi của họ là bình thường.
1. Quyền riêng tư và bí mật
Riêng tư là quyền cơ bản của mỗi con người. Dù trong bất kỳ mối quan hệ nào thì việc tôn trọng quyền lợi này của đối phương là điều cần thiết.
Nếu không có sự riêng tư, chúng ta sẽ có xu hướng cảm thấy không thoải mái và giữ được cái tôi cho riêng mình. Đôi khi, việc để đối phương xen quá nhiều vào việc riêng sẽ còn có thể khiến bạn không còn nhận được sự tôn trọng cần có và nặng nề hơn là bị coi thường.
Để tận dụng được điều này, cả hai cần nêu rõ quan điểm ngay từ những ngày đầu, hoặc có lời thông báo rằng bạn cần thời gian để giải quyết vấn đề cá nhân. Việc có một chút không gian cho riêng mình là điều cần thiết cho sự phát triển của bạn.
Bí mật không giống như là riêng tư. Trong một mối quan hệ, bí mật thường là những điều mà đối phương muốn giấu giếm không cho bạn biết vì sợ hãi hoặc xấu hổ.
Đối với những người có nhiều bí mật không thể chia sẻ, tốt hơn hết hãy nói chuyện rõ ràng. Và nếu họ vẫn khăng khăng giữ những bí mật xấu đó, hãy dừng lại mối quan hệ ấy càng sớm càng tốt.
Tất nhiên, cũng có nhiều trường hợp không thể chia sẻ bí mật vì lý do cá nhân. Nhưng chỉ cần đủ chân thành và tin tưởng, thì những điều ấy sẽ được đối phương mở lòng với bạn.
2. Ở bên nhau và sự chiếm hữu
Một mối quan hệ an toàn là khi đối phương tạo cho bạn cảm giác yên tâm về người ấy. Khi một người yêu bạn, họ sẽ luôn ở bên cạnh bạn.
Không nhất thiết tất cả mọi thứ đều phải báo cáo lại với nhau, nhưng sẽ tốt hơn nếu chủ động nói với nhau về lịch trình bận rộn để đối phương không phải lo lắng cho bạn. Điều này sẽ là một dấu hiệu tuyệt vời trong mối quan hệ, thể hiện được bạn là người quan trọng với đối phương.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, không cần thiết phải luôn trình bày tất cả mọi thứ với đối phương nếu đó chỉ là những việc nhỏ nhặt. Có nhiều người luôn có xu hướng kiểm soát mọi thứ xoay quanh người yêu của mình, hay mọi nhất cử nhất động đều có thái độ dò xét và tò mò.
Đây có thể được coi là hành vi chiếm hữu, và điều này sẽ khiến cho mối quan hệ giữa 2 người bị ngộp thở. Không gian cá nhân rất quan trọng, nếu không, bạn không thể phát triển và thậm chí trở thành con rối bên cạnh người yêu của mình.
3. Sự tự nguyện và sự ép buộc
Trong chuyện tình cảm, mọi thứ từ vật chất tới tinh thần đều nên nằm ở sự tự nguyện. Đó là hành vi và thái độ nhằm phản ánh 80-90% tình cảm của đối phương dành cho bạn, và ngược lại.
Bạn không cần phải cầu xin đối phương làm gì đó cho mình, mà hãy để họ tự làm điều đó giúp bạn. Tất nhiên, việc giao tiếp phù hợp để đối phương hiểu vấn đề cũng rất quan trọng.
Cũng có nhiều trường hợp xảy ra giữa việc mới yêu và yêu được một khoảng thời gian. Hầu hết, lúc mới yêu, đối phương có thể khiến bạn bị choáng ngợp bởi sự lãng mạn và dường như bạn là ‘nóc nhà’ trong mối quan hệ.
Tuy nhiên, khi yêu lâu, dường như sự ưu tiên ấy sẽ giảm dần. Điều đó có thể chứng tỏ rằng, mọi thứ đối phương làm ban đầu chỉ là cách lấy lòng bạn, chứ không hoàn toàn tự nguyện hay vì có tình cảm nên đối xử nhẹ nhàng với bạn.
Đây cũng là tín hiệu nói với bạn hãy “chạy ngay đi” nếu không muốn vướng phải những điều tồi tệ sắp tới.
4. Cởi mở hay chì chiết về các mối quan hệ trong quá khứ
Không hiếm gặp việc đối phương hỏi bạn những câu hỏi tương tự như “Người yêu cũ là ai?”, “Hai người quen nhau bao lâu?”, Trước đó còn quen bao nhiêu người?”,...
Sẽ thật đơn giản nếu đó chỉ là những câu chuyện chia sẻ về quá khứ cho nhau để giúp đôi bên hiểu rõ đối phương hơn.
Những gì mà cuộc tình ở quá khứ để lại sẽ luôn là kinh nghiệm giúp bạn có thể điều chỉnh chính mình, giúp cho mối quan hệ ở hiện tại có thể trở nên bền chặt và thân thiết hơn với người yêu mới.
Trái ngược với điều đó, nhiều người đối diện với những câu chuyện ấy lại thể hiện thái độ soi mói, khó chịu và thậm chí “nhắc đi nhắc lại” cùng giọng điệu mỉa mai khiến đối phương khó chịu.
Hay thậm chí, nếu người yêu mới của bạn nhắc về người yêu cũ với thái độ vô cùng cực đoan và bằng những từ ngữ khó nghe.
Việc làm này cũng có thể coi đó là một dấu hiệu của sự chưa trưởng thành. Tốt hơn hết bạn nên xem lại mối quan hệ này, vì có thể bạn cũng sẽ trở thành nạn nhân bị nói xấu tiếp theo trong câu chuyện của họ.
5. Sự quan tâm và sự vô tâm
Không ai sinh ra đã hoàn hảo, tất nhiên là bạn cũng vậy. Về tầm hiểu biết, ngoại hình hay về tính cách, đôi khi nó khiến đối phương phải để tâm.
Nếu những lời để ý đó chỉ là sự góp ý, hoặc là lời động viên, cổ vũ để bạn được tốt hơn từng ngày thì đó là một mối quan hệ tốt. Việc cả hai đều có thể vui vẻ khi nhắc về những điểm chưa hoàn hảo của nhau là một tín hiệu tích cực rằng đối phương đang thực sự dành tình cảm cho bạn.
Tuy nhiên nếu những khuyết điểm bị đem ra đùa một cách ác ý, hay bị đối phương cố tình làm tổn thương bạn (ví dụ như nhắc khuyết điểm trước mặt bạn bè) thì hãy xem xét lại mối quan hệ ấy. Vì nếu bản thân bạn không tôn trọng cảm xúc của mình mà mặc đối phương chà đạp, thì bạn sẽ không có được hạnh phúc.
6. Là nơi mở lòng hay Là nơi trút bỏ gánh nặng?
Việc mở lòng với đối phương là minh chứng rõ nhất cho sự tin tưởng mà hai bạn dành cho nhau. Một mối quan hệ lành mạnh là khi bạn có thể thoải mái chia sẻ về mọi thứ xung quanh mình.
Chủ động thể hiện cảm xúc với đối phương và họ cũng cởi mở với bạn cho thấy đây là một mối quan hệ đáng tin cậy.
Tuy nhiên, chia sẻ khác với việc phàn nàn. Nếu họ chủ yếu nói với bạn để phàn nàn, thì đó là dấu hiệu cho thấy đối phương chỉ coi bạn là nơi trút bỏ gánh nặng.
Theo VOV