Năm 2000, tại tỉnh Cà Mau, Tổ tàu thuyền an toàn của huyền Trần Văn Thời được thành lập với mục đích hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền khi ra khơi không may gặp sự cố. Tuy nhiên, hiện nay, Tổ tàu thuyền an toàn này không chỉ hoạt động hỗ trợ việc cứu hộ, cứu nạn bạn tàu mà còn tích cực bám nắm tình hình, phát hiện và thông báo cho BĐBP cùng cơ quan chức năng về các trường hợp vi phạm chủ quyền vùng biển, xâm nhập trái phép hay hoạt động của tội phạm trên biển…, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Ở Cà Mau hiện đang duy trì 23 tổ tàu thuyền an toàn với 201 phương tiện và 731 thuyền viên. Các tổ tàu thuyền an toàn này đều hoạt động đánh bắt trên các tuyến bờ, khơi, lộng với nhiều ngành nghề khác nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để các tổ tàu thuyền an toàn nắm tình hình trên biển để từ đó thông tin cho các lực lượng chức năng trên biển xử lý kịp thời; nhất là công tác tuyên truyền về hoạt động không khai thác hải sản trái phép sang vùng biển nước ngoài, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Việt Nam có trên 3.260 km bờ biển, với vùng biển rộng hơn 1 triệu km2. Trong 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, có 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Hoạt động của ngư dân trên biển không chỉ là việc khai thác đánh bắt hải sản mà mỗi chiếc thuyền đánh cá của ngư dân chính là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Những năm qua, để thực thi chức năng, nhiệm vụ duy trì, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới, các đơn vị BĐBP đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ địa bàn biên giới, biển, đảo; chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách; tích cực phối hợp với lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó, phát huy sức mạnh toàn dân trong tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đồng thời, từng bước xây dựng BĐBP ngày một chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tỉnh Kiên Giang nằm ở cực Nam của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Bờ biển Kiên Giang dài trên dưới 200 km, vùng biển hơn 63.290 km², có chung biên giới biển với Campuchia; có 5 quần đảo, với 143 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó, 43 đảo có dân sinh sống.
Thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, từ năm 2022, BĐBP Kiên Giang đã thành lập được 100 tổ tàu thuyền, 18 bến bãi với hơn 10.480 thành viên tham gia.
Tại tỉnh Phú Yên, những năm qua, BĐBP Phú Yên đã duy trì 5 tổ, bến bãi an toàn với 37 thành viên tham gia; 170 tổ sản xuất an toàn trên biển với 1703 tàu cá và 6801 lao động.
Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết, trong 5 năm qua (từ 2018-2023), cả nước đã đăng ký 3018 tổ tàu thuyền an toàn, 400 bến bãi an toàn và 54 đội sản xuất an toàn trên biển.
Từ việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau để cùng nhau yên tâm vươn khơi, bám biển khai thác thủy sản; trong quá trình hoạt động trên biển, các tổ tàu thuyền, tổ sản xuất an toàn trên biển đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị về lĩnh vực chủ quyền biển, đảo và an ninh trật tự trên biển cho BĐBP và các lực lượng chức năng, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các tình huống, vụ việc đột xuất xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Các tổ tàu thuyền, tô sản xuất an toàn đã góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, huy động sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP, cho biết, mô hình “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” tại các tỉnh có biển đã tạo sự gắn bó mật thiết giữa BĐBP và ngư dân, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia.