Cho đến nay, vẫn chưa thể thống kê được số lượng và danh tính của biết bao chiến sĩ đã nằm lại dưới lòng “Nghĩa trang sông” Thạch Hãn...
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu chùm 3 bài Những dòng sông giới tuyến của tác giả Mai Nam Thắng.
Cuối năm 1980, đang dạy học phổ thông ở quê nhà, tôi được lệnh nhập ngũ, vào huấn luyện tân binh ở Trung đoàn 853 thuộc sư đoàn 342 của Quân khu 4, đóng cạnh sân bay Ái Tử. Đây là lần đầu tiên tôi đến Quảng Trị, “miền đất lửa” hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng mà chúng tôi đã được đọc, được nghe, được “nhìn” thấy qua sách báo, phim ảnh...
Hồi đó, ngoài huấn luyện và học tập, thỉnh thoảng chúng tôi còn phải đi lao động dã ngoại; ngược sông Thạch Hãn lên tận vùng Vực Mệ, Pu Cô... để chặt gỗ, bứt tranh về xây dựng doanh trại và làm chất đốt. Khúc sông ở khu vực này gọi là Ba Lòng. Với kiến thức của một giáo viên văn-sử, tôi được biết Ba Lòng là thượng nguồn của sông Thạch Hãn đổ về Cửa Việt. Đây là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, chiều dài khoảng 160 km với rất nhiều phụ lưu uốn lượn qua nhiều miền quê, tạo nên một hệ thống giao thông đường thủy rất đắc dụng của cư dân địa phương...
Sau chiến dịch giải phóng Quảng Trị tháng 5/1972, sông Thạch Hãn trở thành đường “giới tuyến” giữa vùng được giải phóng ở bờ Bắc và vùng còn bị địch tạm chiếm ở bờ Nam. Khúc sông chảy ngang qua phía Bắc khu vực Thành Cổ Quảng Trị, được coi như một chiến hào thiên tạo vô cùng lợi hại mà Quân giải phóng đã anh dũng vượt qua để chiến đấu suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, từ ngày 28/6 đến ngày 15/9/1972. Vai trò “giới tuyến” của sông Thạch Hãn còn được cả thế giới biết đến, khi thực hiện Hiệp định Hiệp định Paris ký ngày 27/1/1973, việc trao trả tù binh của đôi bên đã được tổ chức tại một khúc sông ở thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ số 1 chừng nửa cây số về phía hạ lưu, dưới sự giám sát của Tổ Giám sát quốc tế và Tổ Liên hợp quân sự 4 bên. Quá trình trao trả diễn ra trong gần 2 tháng, từ ngày 12/3/1973 đến ngày 30/4/1973. Trong số hơn 26.700 cán bộ, chiến sĩ của ta được phía chính quyền Sài Gòn trao trả tại sông Thạch Hãn năm ấy, có ông Trương Tấn Sang, sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Từ đơn vị bộ binh đóng bên dòng Thạch Hãn, năm 1983 tôi được điều ra Hà Nội công tác, được làm đồng nghiệp của nhiều phóng viên đàn anh từng tác nghiệp ở mặt Quảng Trị trong “mùa hè rực lửa” năm 1972. Trong câu chuyện của các anh về những ngày đêm chứng kiến cuộc chiến đấu ở Thành Cổ, ấn tượng và ám ảnh nhất vẫn là sự hi sinh của bộ đội ta trên dòng Thạch Hãn. Ngày ấy, dòng sông Thạch Hãn là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ. Để cắt đứt con đường tiếp tế đó, địch điên cuồng ném bom và nã pháo, rất nhiều chiến sĩ ta đã nằm lại trên dòng sông. Thương tâm nhất là những chuyến xuồng chuyển thương binh và tử sĩ, bị trúng bom và đạn pháo... Đặc biệt trong đêm 15 rạng ngày 16/9/1972, bộ đội ta được lệnh rút sang bờ Bắc để lập tuyến phòng thủ mới, sau 81 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong hầm nước, chịu đói rét và đau đớn... đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ mùa mưa... Họ chới với và chìm vào dòng nước đục ngầu loang lổ. Và cho đến nay vẫn chưa thể thống kê được số lượng và danh tính của biết bao liệt sĩ trong “Nghĩa trang sông” Thạch Hãn...
Do điều kiện công tác, mấy chục năm qua tôi đã nhiều được trở về Quảng Trị, được chứng kiến và tham gia nhiều hoạt động tâm linh tri ân và đền ơn đáp nghĩa đồng chí, đồng bào... Sự kiện nào cũng ngập tràn xúc động. Nhưng mỗi lần chứng kiến và tham gia lễ thả hoa trên “Nghĩa trang sông” Thạch Hãn, trong tôi cứ trào dâng một cảm xúc thật đặc biệt thiêng liêng. Nhìn sang gương mặt và dáng bộ của những người bên cạnh, tôi biết họ cũng đang có một trạng thái cảm xúc như mình...
Có thể nói, lễ thả hoa trên “Nghĩa trang sông” Thạch Hãn là một nghi thức văn hóa đặc biệt tại một nghĩa trang đặc biệt. Câu chuyện bắt đầu từ mùa hè năm 1987, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ và 15 năm cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, nhà báo Lê Bá Dương - một cựu chiến binh Thành Cổ, tác giả bài thơ nổi tiếng “Lời người bên sông” (Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm...) - đã trở về Quảng Trị. Hôm đó nhằm Ngày thương binh-liệt sĩ (27/7), anh ra chợ thị xã Quảng Trị, mua hết hoa tươi ở tất cả các hàng quán, mang ra kết bè thả trên sông Thạch Hãn, để tưởng niệm các đồng đội đang nằm đâu đó trong lòng “Nghĩa trang sông”. Việc làm ấy được nhiều người đồng cảm và đồng hành, mỗi năm thêm nhiều người tham gia. Ngành văn hóa địa phương nhạy bén vào cuộc, “nâng cấp” thành một nghi thức tri ân trong Ngày thương binh-liệt sĩ. Đến nay, nghi thức ấy đã phát triển thành lễ hội với tên gọi đầy đủ trên văn bản hành chính là Lễ hội Hoa đăng trên sông Thạch Hãn. Gọi như thế vì nghi lễ được tổ chức vào buổi tối, trên các bè hoa có thắp nến. Trước đây, lễ hội này chỉ thực hiện mỗi năm một lần vào Ngày thương binh-liệt sĩ, nhưng từ năm 2012 đến nay, được thực hiện đều đặn vào các tối 14 âm lịch hằng tháng...
Lễ hội Hoa đăng trên sông Thạch Hãn là một lễ hội cách mạng được hình thành trên nền tảng những giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích cấp Quốc gia đặc biệt quan trọng bên bờ sông Thạch Hãn. Lễ hội này tuy mới hình thành trong cuộc sống đương đại, song nó có sức hút kỳ lạ, riêng có, khác biệt. Nó lay thức lòng người bởi được dựa trên đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tín ngưỡng thờ cúng của dân gian. Việc hình thành và phát triển một nghi thức tâm linh thành một một lễ hội cách mạng mang dấu ấn riêng của “Nghĩa trang sông” Thạch Hãn, đã được các nhà hoạt động văn hóa và nhân dân Quảng Trị xây dựng bồi đắp với nhiều hình thức và nội dung phong phú, ấn tượng, linh thiêng... Ngoài các lễ hội theo định kỳ hằng tháng trước đêm Rằm, vào các dịp kỷ niệm những sự kiện chính trị trọng đại, Lễ hội Hoa đăng trên sông Thạch Hãn còn được tổ chức ở cấp tỉnh và cấp Nhà nước, với 2 phần Lễ và Hội trang trọng, thành kính, sinh động... thu hút hàng vạn lượt nhân dân, cán bộ địa phương và du khách từ nhiều miền quê, nhiều quốc gia... Lễ hội này đã trở thành một điểm nhấn trong Chương trình du lịch Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội của tỉnh Quảng Trị từ nhiều năm nay.
Mới đây, tôi trở về Quảng Trị, được nhà văn cựu chiến binh Văn Xương - nguyên Chánh văn phòng Ủy ban nhân tỉnh Quảng Trị - dẫn đi tham dự một lễ hội hoa đăng thường kỳ trên sông Thạch Hãn. Văn Xương cho biết: Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các tuyến du lịch đường sông dựa trên các con sông chính của tỉnh là một hướng đang được quan tâm phát triển. Trong đó tuyến du lịch trên sông Thạch Hãn kết nối với Ba Lòng, Đakrông là tuyến sông có nhiều cảnh quan đẹp, đồng thời đi qua nhiều địa danh lịch sử như Cửa Việt, Ba Lòng và đặc biệt là Thành Cổ Quảng Trị. Hiện tại, trên tuyến sông này đã hình thành một số sản phẩm du lịch ở vùng nước gần bờ. Vừa rồi, dự án xây dựng cảng du lịch ở Cửa Việt đã triển khai, với tổng số vốn 11 triệu USD vay của ADB...
Có thể nói, chương trình du lịch Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội là sản phẩm du lịch đặc biệt, riêng có của Quảng Trị, không những nổi tiếng ở trong nước mà nhiều năm nay đã trở thành thương hiệu quốc tế. Tuy nhiên, để chương trình du lịch trên đây phát triển đúng hướng và bền vững, trước mắt cần sớm khắc phục một số khó khăn, trở ngại do khách quan và chủ quan, ảnh hưởng đến khả năng thu hút nguồn lực đầu tư xã hội. Hiện tại, việc tổ chức phát triển các dịch vụ gắn với di tích lịch sử để thu hút khách, qua đó tăng thu tạo nguồn lực tái đầu tư còn hạn chế... Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều di tích chiến tranh cách mạng trọng điểm, nhưng chưa được đầu tư tôn tạo vì cần một nguồn kinh phí rất lớn trong điều kiện của một địa phương còn nghèo, hậu quả chiến tranh nặng nề. Mặt khác, cơ sở vật chất ngành du lịch của tỉnh mặc dù có tăng cường đầu tư nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách...
Câu chuyện của chúng tôi tạm dừng khi có tiếng loa thông báo Lễ thả hoa sắp bắt đầu. Chúng tôi cùng im lặng nhìn ra mặt sông lung linh muôn vàn ngọn nến và bè hoa đang dập dềnh theo con nước. Lạ quá, đêm nay đất trời Quảng Trị bỗng lặng phắc không một ngọn gió. Bầu trời cũng lặng phắc không một ngôi sao. Hình như bao nhiêu sao trời đã sà xuống mặt sông, mỗi vì sao là một linh hồn đang nhấp nháy những lời nhắc nhủ. Có ai đó xuýt xoa: “Nhiều quá! Ban tổ chức kiếm đâu ra nhiều hoa, nhiều đèn thế nhỉ?”. Ai đó nói lại: “Lát nữa, Ban tổ chức và các đoàn đại biểu mới làm lễ thả hoa. Đèn và hoa ni là của bà con miềng thả đó. Suốt từ chân cầu Quảng Trị kia kìa!”. Lại thêm ai đó thầm thì: “Tối qua trên nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 cũng hàng ngàn ngọn nến...”.
Đất trời Quảng Trị vẫn lặng phắc thành kính, không một ngọn gió, không một gợn mây… Đêm nay, muôn triệu tấm lòng đang hướng về những nghĩa trang bạt ngàn bia mộ có tên và chưa rõ tên… Đêm nay, trên “Nghĩa trang sông” Thạch Hãn, lung linh nhấp nháy muôn vàn sao sa...
Mai Nam Thắng
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.