Cách đây 80 năm, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo ra đời khi Nhật vào Đông Dương, chế độ phát xít được thiết lập, đất nước bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đây là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về lĩnh vực văn hóa, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước suốt 80 năm qua.
Ba nguyên tắc của Đề cương về văn hoá Việt Nam là: Dân tộc hóa, Khoa học hóa, Đại chúng hóa, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử được vận dụng trong thực tế đã trở thành những phương châm cơ bản để văn hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Dự báo sáng suốt
Bản Đề cương đã góp phần làm rõ tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam, trên cơ sở xác định rằng, trước triều Nguyễn, văn hóa Việt Nam có tính cách nửa phong kiến nửa nô lệ, phụ thuộc vào văn hóa Trung Quốc và sau đó, văn hóa phong kiến có xu hướng tiền tư bản hoặc nửa phong kiến, nửa tư bản, hoàn toàn có tính cách thuộc địa.
PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng (Trường ĐH KHXHNV, ĐH Quốc gia TP.HCM) khẳng định: Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đưa ra 2 ức thuyết: Nếu nền văn hóa phát xít (văn hóa Trung cổ và nô dịch hoá) thắng thì văn hóa dân tộc Việt Nam nghèo nàn thấp kém; Nếu văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ của thế giới. Đến nay, sau 80 năm, ức thuyết trên trở thành hiện thực.
Bản Đề cương khẳng định, ảnh hưởng của văn hóa phát xít làm cho tính chất phong kiến, nô dịch trong văn hóa Việt Nam mạnh lên, nhưng đồng thời chịu ảnh hưởng của văn hóa tân dân chủ, xu trào văn hóa mới của Việt Nam đang cố vượt hết mọi trở lực để nảy nở. Đây là sự phản ánh khách quan hiện thực lịch sử.
“Đề cương đã trở thành một nguồn lực cách mạng mới, với ý nghĩa không chỉ là lý trí, đường lối chủ trương chung, mà còn là mối dây liên kết giữa Đảng với dân tộc (đặc biệt là giới văn hóa, văn nghệ), là nét gạch nối giữa hiện tại với quá khứ và cả tương lai…”, ông Thắng nhìn nhận.
Cùng góc nhìn, GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, Đề cương không chỉ có giá trị gắn với yêu cầu của thời kỳ 1943-1945, mà còn hàm chứa một nội dung rất sâu sắc là dự báo sáng suốt về tương lai của văn hóa Việt Nam thông qua 2 ức thuyết.
“Đặt 2 ức thuyết đó vào thời điểm chúng ta đang 'tay trắng' thì thấy rằng, đó là một dự báo tài tình, là kết quả của sự linh cảm, của niềm tin, sự phân tích khoa học thực trạng, sự vận động của lịch sử", GS.TS Đinh Xuân Dũng nhận định.
Bên cạnh đó, theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, dự báo thứ hai của Đề cương còn có ý nghĩa chiến lược sâu sắc hơn, đó là sự khẳng định một quy luật có tính phổ quát của toàn bộ sự nghiệp cách mạng: Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành cuộc cải tạo xã hội".
Tầm nhìn sâu sắc
PGS.TS Phạm Quang Long nhận định, trải qua 80 năm với những giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc, những đường hướng trong Đề cương, dù được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, vẫn giữ được tính nhất quán về đường hướng phát triển, nguyên tắc chỉ đạo. Tầm nhìn của những vấn đề trong Đề cương mang ý nghĩa cách mạng và khoa học sâu sắc. Tinh thần khai phóng ấy được tiếp tục phát triển, mở rộng trong những văn kiện quan trọng của Đảng sau này.
“Nếu coi Đề cương như là Cương lĩnh thứ nhất của Đảng về văn hóa thì Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 33 khóa 11 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như những cương lĩnh mới về văn hóa. Có thể thấy sự tiếp nối, phát triển nhiều luận điểm quan trọng của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943.
Trải qua chặng đường 80 năm, thực tế đã thay đổi và nội dung, tính chất, nhiệm vụ, phương thức tổ chức, xây dựng một nền văn hóa mới của văn hóa Việt Nam thời hội nhập đã khác, nhưng những định hướng cơ bản về tư tưởng, nội dung và những nguyên tắc của nền văn hóa mới vẫn còn mang ý nghĩa lớn.
Nhìn lại những quan điểm lớn nhất của Đảng về văn hóa mới thấy hết những minh triết của cách tiếp cận vấn đề, tính thực tiễn và khoa học của những luận điểm được nêu ra trong Đề cương, thấy nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử.
Bao trùm lên tất cả là tính chất cách mạng, thái độ nhất quán và những nguyên tắc của Đảng về một nền văn hóa mới, được định hướng ngay từ khi nó chưa thật rõ hình hài nhưng những cái mới đã hé lộ, sức sống của nó ngay từ những buổi đầu tiên đã được khẳng định và đáp ứng được những yêu cầu của cuộc cách mạng xã hội vì dân tộc, vì nhân dân.
Chính vì thế, tương lai của những tư tưởng lớn ấy đã bám rễ vào đời sống và chứng tỏ sự đúng đắn ngay từ những buổi đầu”, ông Long nói.
Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, nếu coi Đề cương là sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng quan điểm, lý luận văn hóa ở Việt Nam, thì trong 80 năm qua, nhiều luận điểm của Đề cương đã được điều chỉnh, bổ sung, làm phong phú hơn.
Ông Dũng cho rằng, không phải tất cả những vấn đề đa dạng, phong phú và phức tạp của đời sống văn hóa Việt Nam trong tiến trình vận động, biến đổi đều được đề cập trong Đề cương. Và, nhìn từ quan điểm hôm nay, không phải tất cả những nhận định cụ thể đều chuẩn xác, song mục tiêu chủ yếu của Đề cương là khẳng định những quan điểm gốc về chính trị, đặt nền tảng tư tưởng cơ bản để chuẩn bị cho việc tiến hành cải tạo nền văn hóa cũ và xây dựng nền văn hóa mới.
"Trong vị trí lịch sử của nó, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 hoàn toàn có giá trị như cương lĩnh đầu tiên, là chiến lược đầu tiên về văn hóa của chúng ta", ông Dũng khẳng định.