Zing trích dịch bài đăng trên The Guardian, đề cập thực trạng hàng nghìn trẻ em ở Zimbabwe phải đi đãi vàng do dịch Covid-19 khiến trường học đóng cửa, nhiều gia đình lâm vào cảnh không còn gì để ăn.
Những đứa trẻ 10 tuổi từng cố làm vơi đi cái nóng oi ả bên bờ sông Odzi, trên đường đi học về ở ngôi làng Marange giàu khoáng sản, cách thành phố Mutare của Zimbabwe 90 km.
Giờ đây, khi hệ thống giáo dục công lập sụp đổ và đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế của cha mẹ chúng, trẻ em phải dành cả ngày trên sông để đãi vàng hoặc câu cá.
“Em đến đây vì nhà gần như không còn gì để ăn”, Tanaka Chikwaka (17 tuổi) nói.
Trong bộ quần áo rách nát và lấm lem bùn đất, Tanaka xách theo một cái xô chứa đầy cát sông. Cậu bé trút toàn bộ vào chiếc cối xay tự chế để tách những cục vàng quý giá ra khỏi cát.
Gần đó, nhiều đứa trẻ đào bới trong những hố sâu và bẩn thỉu, mong tìm được vàng ở khu vực nổi tiếng với các mỏ giàu kim loại quý.
Theo Hiệp hội Luật Môi trường Zimbabwe (Zela), hàng nghìn trẻ em đã bị đẩy vào nghề khai thác vàng thủ công khi gia đình chúng phải vật lộn vì thiếu thức ăn. Kể từ khi lệnh phong tỏa vì Covid-19 khiến trường học đóng cửa, số lượng trẻ em phải đi đãi vàng đã tăng vọt.
Một cậu bé xách chiếc xô chứa đầy cát sông khi đi tìm vàng ở làng Marange, miền Đông Zimbabwe. |
Mạo hiểm mạng sống
Mỗi buổi sáng, hàng chục cô, cậu bé băng qua sông Odzi, mạo hiểm tính mạng vì thứ kim loại quý màu vàng, được khai thác dưới lòng sông và các hố mở ở những khu vực xung quanh.
Sau mùa màng thất bát vào năm ngoái, dân làng Marange rơi vào cảnh túng quẫn. Trẻ em trong độ tuổi đi học cũng phải gánh vác trách nhiệm chu cấp cho gia đình.
Việc đào vàng dọc bờ sông là bất hợp pháp. Hoạt động này bị cấm nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Khi cảnh sát đột kích vào các khu vực này, nhiều trẻ em đã bị bắt.
“Công việc ở đây rất khó khăn nhưng em không còn lựa chọn nào khác ngoài kiên trì. Có khi cả 3 tháng đào bới, em không thu được gì giá trị. Số tiền lớn nhất mà em từng kiếm được nhờ bán vàng là 10 USD”, Tanaka cho biết.
Thiếu niên này đã bỏ học vào năm ngoái và hy vọng góp đủ tiền để được trở lại trường.
Tanaka Chikwaka cố kiếm đủ tiền để có thể đi học trở lại. |
“Em phải kiếm tiền đi học, mua sách và đồng phục. Em hiểu rằng mình chỉ có thể kiếm được tiền nếu đến đây mỗi ngày”, cậu bé nói thêm.
Tuy nhiên, Tanaka thường ra về tay trắng.
Munesu Makoni (không phải tên thật) - 15 tuổi, đã bỏ học - cho biết nhóm đào vàng nhỏ tuổi, thiếu kinh nghiệm thường bị những người thu mua lớn tuổi lợi dụng, cố tình trả giá thấp.
Những người khai thác vàng lớn tuổi, được gọi là amakorokoza, cũng dùng vũ lực để cướp vàng từ nhóm trẻ hơn.
“Nơi này không an toàn chút nào”, Makoni nói và bật khóc khi chia sẻ về ước mơ trở thành giáo viên.
Anopa Munzara (không phải tên thật) ướt đẫm mồ hôi khi xách một xô nước từ chiếc hố bị tắc. Kể từ lệnh phong tỏa, gia đình cô bé phải sống vất vưởng dọc bờ sông. Tuy nhiên, họ gần như không thu được gì đáng giá.
“Mẹ em bán hàng rong và có một khu vườn rộng lớn. Nhưng kể từ khi bị phong tỏa, bà ấy không thể bán rau. Đói là vấn đề lớn nhất của cả nhà lúc này. Mẹ chỉ có thể lo được một bữa ăn mỗi ngày”, Munzara nói.
Cô bé coi giáo dục là cách duy nhất để thoát nghèo. “Em chỉ muốn vượt qua kỳ thi và đăng ký một khóa học điều dưỡng. Nhưng bây giờ em phải làm việc”.
Mẹ và em gái Munzara cũng đang mò mẫm dưới đáy sông.
Judith Betera (43 tuổi) nói: “Tôi từng kiếm sống nhờ bán hàng rong nhưng giờ không còn gì cả. Tôi không thể cứ thế ngồi nhìn các con chết đói”.
Thay vì được đến trường, những đứa trẻ buộc phải mò mẫm dưới lòng sông mỗi ngày để tìm vàng. |
Tuyệt vọng
Zimbabwe đã phê chuẩn tất cả công ước lớn liên quan đến lao động, bao gồm Công ước 138 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Trong đó, quy định nêu rõ 18 là độ tuổi tối thiểu đối với người lao động làm các công việc độc hại. Tuy nhiên, các gia đình ở Marange có rất ít sự lựa chọn.
Ở Zimbabwe, trẻ em thường phải chia sẻ trách nhiệm gánh vác gia đình với cha mẹ. Do vậy, lao động trẻ em trở nên phổ biến.
Năm 2019, trong số 50.000 đối tượng dưới 16 tuổi được khảo sát, 71% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt cá; 5,4% làm trong ngành khai thác mỏ và khai thác đá, theo kết quả của Cơ quan Thống kê Quốc gia Zimbabwe.
Paul Mavima, Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội, nói rằng ông không biết về sự gia tăng lao động trẻ em trong lĩnh vực khai thác mỏ. Vị bộ trưởng nói thêm rằng chính phủ đã trích ngân sách để giúp đỡ 13 quận.
“Tôi đã đi khắp cả nước và chưa thấy người dưới 18 tuổi làm nghề đãi vàng. Hãy nhớ rằng công việc được thực hiện bởi trẻ em là một phần của xã hội hóa. Tuy nhiên, điều đó phải không ảnh hưởng đến việc học ở trường của các em”, ông nói.
Moses Mhlanga (49 tuổi) và con trai dành cả ngày làm việc trong các hố vàng. |
Mavima cho biết chính phủ Zimbabwe không bỏ rơi lao động trẻ em. Tuy nhiên, các gia đình nghèo sẽ cho con cái tham gia vào nhiều hình thức làm việc khác nhau.
Theo ILO, 218 triệu trẻ em 5-17 tuổi đang làm việc trên toàn thế giới. Châu Phi có 72,1 triệu trẻ em phải đi làm thuê.
Người phát ngôn của Zela nói: “Chính phủ cần có các cơ chế ứng phó với sự sụt giảm kinh tế do Covid-19 nhằm ngăn chặn sự tham gia của trẻ em vào các công việc nguy hiểm đến tính mạng”.
Gần làng Marange, Moses Mhlanga (49 tuổi) nghỉ ngơi dưới gốc cây với cậu con trai 5 tuổi.
“Đây là công việc mới của chúng tôi. Tất cả phải lao động để tồn tại. Đó là tình huống tuyệt vọng”, ông nói.
Xung quanh họ là những người trẻ chân lấm tay bùn, đói khát và mệt mỏi, đào bới trong đống đất cát với hy vọng kiếm được gì đó có giá trị.
Người đàn ông ngủ cùng 567 chiếc quan tài: Tôi làm không phải vì tiền
Nhiều năm liền phải ngủ trong hang cùng 567 chiếc quan tài chứa xác chết và chỉ được trả khoảng 300 tệ - 1 triệu đồng mỗi tháng, nhưng người đàn ông vẫn hăng hái nhận việc.
Theo Zing