Những góc nhìn trong nước
Thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay như thế nào, so với chúng ta và so với quốc tế?
Từ góc nhìn bên ngoài, các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB, OECD… đều cho rằng Việt Nam đang tăng trưởng tốt, kinh tế vĩ mô được đảm bảo,... IMF thậm chí nhận định: Việt Nam là một điểm sáng trong "bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.
Nhưng góc nhìn trong nước lại không như vậy. Xin nêu một ví dụ từ báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội. Báo cáo khẳng định, ở trong nước, chúng ta có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng “khó khăn, thách thức nhiều hơn”.
Lý do là nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao nên chịu nhiều tác động mạnh từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; thu hút FDI bị ảnh hưởng do đầu tư toàn cầu sụt giảm; cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng…
Trong khi đó, những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế kéo dài nhiều năm đã bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn như các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng yếu kém.
Báo cáo của Chính phủ như đã nêu trên, khá tương đồng với những đánh giá của các đại biểu Quốc hội ở nghị trường về tình hình kinh tế xã hội cuối tuần trước.
Như vậy, thực trạng nền kinh tế Việt Nam từ góc nhìn trong nước có điểm khác so với góc nhìn quốc tế.
Góc nhìn trong nước như vậy rõ ràng là động lực để chúng ta không tự mãn để vươn lên bởi nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu và lạc hậu so với các quốc gia khác trong khu vực hay trên thế giới.
Báo cáo thống kê cho thấy điều gì?
Xin trích dẫn báo cáo kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê với nhiều chỉ số cực kỳ đáng quan tâm.
So với cùng kỳ năm trước, trong 5 tháng đầu năm 2023, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 2% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%); xuất khẩu giảm gần 12%; nhập khẩu giảm gần 18%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88 nghìn, tăng 22,6%.
Các động lực tăng trưởng như vậy thể hiện sức chống chịu của nền kinh tế đang hao mòn, tương đồng với nhịp điệu của các cực tăng trưởng ở địa phương như TP.HCM, Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Phúc đã được báo cáo.
Công nghiệp giảm, nông nghiệp khó là trụ đỡ khi chỉ đóng góp 12% GDP, tất cả giờ trông chờ vào dịch vụ.
Báo cáo của Thống kê phác họa một vài chỉ số rất tích cực cho trụ đỡ dịch vụ.
Ví dụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây và tăng 28,3% so với 5 tháng đầu năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Con số này khá bất ngờ với thực tế tiêu dùng hiện nay. Hơn nữa, tiêu dùng điện cũng chỉ tăng vỏn vẹn 0,8%, môt mức rất thấp trong khi đang là mùa nắng nóng cao điểm. CPI tăng chỉ 3,55% so cùng kỳ trong bối cảnh giá điện, giá xăng đều tăng cho thấy sức mua thế nào.
Một ví dụ khác là vận tải hành khách tăng cực cao, hơn 21% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 99,5 tỷ lượt khách.km, tăng gần 42%. Vận tải khách tăng như vậy trong khi hàng không, tàu lửa đều kêu lỗ, khách quốc tế đến chỉ bằng 63% so với cùng kỳ năm 2019.
Nêu mấy ví dụ như vậy để thấy, kể cả khu vực dịch vụ - vốn là động lực cho tăng trưởng, cũng đang khó khăn. Ngay trong quý 1 năm nay, khu vực dịch vụ tăng 6,69% là mức tăng dịch vụ cao nhất của quý 1 trong giai đoạn 2016-2023.
Điểm lưu ý là dịch vụ ở nước ta chủ yếu là dịch vụ tiêu dùng cá nhân và biến động thuận với mức tăng thu nhập và nghịch đối với lạm phát. Hay nói cách khác, thu nhập tăng kéo theo tiêu dùng tăng, và ngược lại, thu nhập giảm làm tiêu dùng giảm theo.
Còn đối với lạm phát, thì lạm phát tăng làm tiêu dùng giảm, và ngược lại.
Quý I năm nay, GDP tăng thấp nhất, tức là tiêu dùng giảm, lạm phát tăng cao hơn các quý I khác, trong khi dịch vụ lại đạt mức tăng trưởng cao nhất, là trụ đỡ cho tăng trưởng.
Dứt khoát phải vượt lên nghịch cảnh
Xin trích báo cáo của Ban Nghiện cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) mới công bố cuối tuần trước: hơn 82% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.
Các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt là: đơn hàng (59.2%); tiếp cận vốn (51.1%); thủ tục hành chính và các quy định của pháp luật (45.3%); nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31.1%).
Trong bối cảnh khó khăn đó, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.
Nhận diện vấn đề để giải quyết vấn đề mới là tinh thần xây dựng. Thử xin nêu một số giải pháp.
Kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn Covid-19, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023. Đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp tránh kéo dài như hiện nay.
Cần bơm tiền ra nền kinh tế qua việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% đang bế tắc; giảm mạnh lãi suất cho vay để dân mua nhà ở xã hội; các lĩnh vực sản xuất trong nước cần phải được khơi thông tiếp cận vốn.
Cần nhanh chóng thực hiện cải cách môi trường kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực đăng kiểm và phòng cháy chữa cháy; hạn chế tối đa thanh tra kiểm tra doanh nghiệp; dỡ bỏ visa để thu hút khách du lịch.
Và còn rất nhiều giải pháp khác, trong đó, có một giải pháp rất đáng chú ý từ Ban IV: Sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại để doanh nghiệp ổn định tư tưởng, tập trung sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần có nghị quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Có cơ chế và quy định pháp lý rõ ràng đối với các chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp để cán bộ các cấp có thể thực hiện mà không lo bị phạm lỗi.
Nền kinh tế đang rất khó khăn nhưng nếu các giải pháp được ban hành và thực thi hiệu quả, nhanh chóng, thì thách thức đến mấy cũng không đáng lo và ngược lại.
Tư Giang