LTS: Tuần Việt Nam xin lược đăng mạch bài của PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật về "Những giá trị thực tiễn của hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".
Tạo cơ sở để tiến hành thể chế hóa về mặt nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra như sau:
Một là, bắt nguồn từ đòi hỏi xây dựng và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển, lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”.
Điều đó chứng tỏ, chính sách, pháp luật có vai trò cực kỳ quan trọng trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nếu không xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật với chất lượng tốt, sẽ không tạo ra được môi trường pháp lý bình đẳng, thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tồn tại và phát triển, thì các chủ trương, đường lối nhằm phát huy nội lực, tăng nhanh vốn đầu tư trong nước và nhất là từ nước ngoài, nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân... sẽ tiến triển rất chậm chạp, khó đi vào cuộc sống và khó trở thành hiện thực.
Có thể khẳng định, không có hệ thống thể chế, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi và minh bạch thì không thể phát huy được mọi nguồn lực. Từ đó, sẽ không có vốn để đầu tư, không thể có công nghệ cao để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không thể có quản lý tiên tiến, có hiệu lực và hiệu quả, không thể có phương tiện tổ chức và thực hiện các chính sách xã hội trên quy mô cả nước, không thể có dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như đường lối của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư chỉ ra.
Thực tiễn chỉ ra rằng, nhiều nước vốn không giàu có về tài nguyên, nhưng đã đi lên một cách nhanh chóng nhờ phát huy nguồn lực con người và có môi trường pháp lý tốt.
Nền kinh tế thị trường vốn là nền kinh tế với các quan hệ rất đa dạng, phong phú, năng động và phức tạp. Ở nước ta, nền kinh tế đó lại đòi hỏi phải phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó càng đòi hỏi vai trò to lớn của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ kinh tế, nhưng hạn chế được và tiến tới loại bỏ các yếu tố tự phát, ngẫu nhiên tuỳ tiện: ngăn ngừa được các yếu tố gây mất ổn định, rối loạn, khủng hoảng, thiết lập được trật tự các quan hệ kinh tế ổn định và phát triển bền vững.
Hai là, bắt nguồn từ đòi hỏi phải xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để thực hiện đòi hỏi đó, phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật, không thể không đề cao vai trò của các yếu tố này trong hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội.
Bởi vì, Nhà nước pháp quyền, theo thực tiễn phát triển cho thấy, trước hết là một nhà nước có hệ thống thể chế pháp luật làm công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam".
Ở nước ta, trong mối quan hệ đối với Đảng lãnh đạo, pháp luật chính là phương tiện thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, làm cho chủ trương, đường lối đó có hiệu lực và được thực thi trên quy mô toàn xã hội.
Trong mối quan hệ với Nhà nước, pháp luật là phương tiện tổ chức và hoạt động của Nhà nước, là sự ghi nhận về mặt pháp lý trách nhiệm của Nhà nước đối với xã hội và cá nhân công dân, là phương tiện quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả đối với mọi mặt đời sống xã hội.
Trong mối quan hệ với các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, pháp luật là phương tiện bảo đảm cho quần chúng nhân dân lao động tham gia quản lý Nhà nước và hệ thống chính trị, quản lý xã hội thông qua các tổ chức của mình. Pháp luật là phương tiện thể chế, ghi nhận sự phát triển của nền dân chủ, bảo đảm cho tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Có thể nói, đối với toàn bộ hệ thống chính trị, pháp luật là phương tiện hàng đầu để thiết lập các nguyên tắc quan trọng nhất về tổ chức và hoạt động của toàn bộ hệ thống, là nhân tố bảo đảm cho các thành tố của hệ thống hoạt động nhịp nhàng, ăn khớp, thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau, là thước đo về tính hợp pháp, hợp đạo lý của các thành viên hoạt động trong hệ thống đó.
Đối với công dân, pháp luật là phương tiện ghi nhận và thể chế hóa các quyền con người, quyền công dân và đảm bảo về mặt pháp lý cho các quyền đó được thực hiện.
Mặt khác, do ghi nhận một cách chính thức các giá trị của con người mà pháp luật trở thành phương tiện để các thành viên của xã hội có điều kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Các vấn đề về an sinh xã hội, về tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm, tự do, bình đẳng và công bằng đều gắn chặt với vai trò điều chỉnh của pháp luật.
Có thể nói, pháp luật là phương tiện để đề cao nhân tố con người và phát huy sức mạnh của nó trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước. Vì vậy, mức độ hoàn thiện pháp luật và tuân thủ pháp luật trở thành một tiêu chí để đánh giá tính pháp quyền của một Nhà nước.
Ba là, bắt nguồn từ đòi hỏi xây dựng và phát triển các mối quan hệ quốc tế theo đường lối mở cửa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện. Đây vừa là đòi hỏi, vừa là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Nhà nước ta.
Để thực hiện được nhiệm vụ đó, không thể không xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật, không thể không đề cao vai trò của pháp luật trong mối quan hệ quốc tế.
Cung cấp hệ thống tư tưởng mang tính nguyên tắc trong chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước
Các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cung cấp một hệ thống các tư tưởng có tính nguyên tắc chỉ đạo cho Nhà nước xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta sau đây:
Trước hết, để hình thành chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phải nhận thức đúng đắn, sâu sắc về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Do đó, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế ngày càng hoàn thiện và phát triển. Các thể chế phát triển kinh tế được xây dựng dựa trên nhận thức ngày càng sâu sắc mô hình kinh tế mà chúng ta xây dựng là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo đó, các thể chế kinh tế, dân sự và lao động đều được xây dựng và hoàn thiện nhằm hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. “Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chú trọng hơn chất lượng và tăng tính bền vững với các khâu đột phá là: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, trước hết là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội”.
Đây là tư tưởng chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế theo chiều sâu.
Hai là, phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Đây là tư tưởng chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách và pháp luật về kinh tế và xã hội.
Các chính sách pháp luật phát triển kinh tế - thành quả của việc thực hiện chính sách, pháp luật về kinh tế phải phục vụ việc phát triển xã hội và ngược lại. Vì vậy, khi xây dựng chính sách, pháp luật về kinh tế không chỉ tập trung vào kinh tế, nhằm đạt được trình độ phát triển cao rồi mới có chính sách, phát triển về xã hội, mà mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ba là, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội.
Bốn là, mọi chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc” thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Năm là, nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và đảm bảo cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa là quan điểm mang tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta.
Quan trọng là hoạt động xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xa rời đường lối, chủ trương của Đảng trong xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật là nguy cơ dẫn đến chệch hướng.
Bài 2: Di sản lý luận nhìn từ chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng