Đến Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa những ngày này, người dân được tham quan khu trưng bày các hình ảnh, hiện vật ghi dấu những đóng góp của quân và dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Mỗi hiện vật là những thông tin hữu ích ghi lại chiến công hào hùng, sức sáng tạo phi thường của những người con Thanh Hóa đã góp phần cùng đồng bào cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong không gian trưng bày, ấn tượng nhất là chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc, với kỷ lục vận chuyển 345,5 kg/chuyến đã lập nên huyền thoại.

W-1hhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Học sinh đến Bảo tàng tỉnh tìm hiểu những hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Lê Dương

Theo lời giới thiệu của thuyết minh viên, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, Thanh Hóa đã huy động tối đa sức người, sức của phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hàng nghìn thanh niên và dân công Thanh Hóa đã xung phong lên đường ra chiến trường. Cùng với thu gom lương thực, thực phẩm, tỉnh còn kêu gọi mọi người góp tiền của, góp xe và tiến cử con em mình tham gia đoàn xe đạp thồ để vận chuyển các nhu yếu phẩm tiếp tế cho bộ đội.

W-2hhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Đoàn dân công xe đạp thồ Thanh Hóa vận chuyển lương thực tiếp tế chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Lê Dương
W-3hhhhhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm (xã Định Liên, huyện Yên Định) chế tạo có thể chở 280kg/chuyến. Ảnh: Lê Dương

Theo thống kê, trong suốt 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến, với tổng số 178.924 lượt người và 27 triệu ngày công; 11 nghìn xe đạp thồ, hàng ngàn thuyền nan, thuyền ván... Đây là những đóng góp hết sức to lớn và quý báu góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp, hy sinh ấy, trong dịp về thăm Thanh Hóa (ngày 13/6/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

W-4hhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Bộ sưu tập quân trang, quân dụng của chiến sĩ Thanh Hóa tham gia chiến dịch. Ảnh: Lê Dương
W-5hhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Bồ nan do bà Hà Thị Dón (huyện Quan Hóa) dân công gánh bộ dùng tiếp vận phục vụ kháng chiến. Ảnh: Lê Dương
W-6hhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Khăn mùi xoa của Lão Hổ và Phụ nữ xã Cẩm Phong (huyện Cẩm Thủy) tặng chiến sĩ Điện Biên Phủ. Ảnh: Lê Dương
W-7hhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Giấy khen từ ngày xưa vẫn còn lưu giữ. Ảnh: Lê Dương

Ngoài chiếc xe đạp thồ, tại Bảo tàng tỉnh còn lưu giữ, trưng bày khá nhiều hình ảnh và các kỷ vật của quân và dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là bộ sưu tập quân trang, quân dụng của chiến sĩ Thanh Hóa tham gia chiến dịch gồm: mũ, đôi dép, xà cột (túi đựng tài liệu) của ông Hoàng Thanh Bằng, Chính trị viên, kiêm Bí thư chi bộ đoàn dân công xe đạp thồ thị xã Thanh Hóa.

W-8hhhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Cờ Bác Hồ tặng đoàn dân công xe đạp thồ thị trấn Thanh Hóa đạt thành tích phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Lê Dương
W-9hhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Đông đảo học sinh đến tham quan khu trưng bày hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Lê Dương

Trong những ngày này, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa luôn mở cửa để đón nhân dân và du khách đến tham quan khu trưng bày.