Raed Qazmouz, người đứng đầu đội cứu hộ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Palestinian (PICA), kể rằng anh cùng 35 thành viên khác trong đội cứu hộ đã sững sờ trước sự tàn phá nặng nề của thảm họa vỡ đập với thành phố Derna nằm ở vùng duyên hải Libya.
“Sự tàn phá đã vượt xa trí tưởng tượng của chúng tôi. Người dân địa phương kể với chúng tôi rằng Derna từng là đô thị đẹp nhất Libya. Tuy nhiên, thành phố này hiện chỉ còn bùn đất và những tòa nhà bị phá hủy. Mùi tử thi ở khắp nơi. Mùi chết chóc cũng tới từ biển khi hàng nghìn xác người đang phân hủy bị sóng cuốn vào bờ”, anh Qazmouz kể với phóng viên hãng tin Al Jazeera.
Theo Qazmouz, nhóm cứu hộ của anh bắt đầu công việc thu dọn thi thể vào lúc 7h sáng và nghỉ ngơi lúc 19h tối. Dù họ muốn làm việc thâu đêm, nhưng tất cả hoạt động liên quan tới tìm kiếm - cứu nạn đều phải ngừng hoàn toàn trong đêm tối.
“Tôi chưa từng thấy cảnh tượng nào tàn khốc tới vậy, ngay cả khi bản thân đã tham gia công tác cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất xảy ra hồi tháng Hai. Tôi nhìn thấy cả một thành phố bị phá hủy hoàn toàn. Tôi trông thấy nhiều chiếc xe bị mắc trên mái nhà, thi thể nằm nhiều nơi trên mặt đất cũng như trôi từ biển vào”, Qazmouz cho hay.
“Khi rảo bước quanh thành phố Derna, bạn có thể chứng kiến cái chết ở khắp nơi. Nhiều thi thể đã bị ngâm trong nước quá lâu, tới mức chúng tôi khó có thể nhận dạng nạn nhân”, Qazmouz kể thêm.
Al Jazeera dẫn thông cáo từ các tổ chức của Liên Hợp Quốc cho biết, còn ít nhất 9.000 người được cho là đang mất tích sau thảm họa vỡ đập ở Libya.
“Theo số liệu thống kê của chúng tôi, có hơn 43.000 người đã rời bỏ nhà cửa sau thảm họa. Một số báo cáo cho thấy, tình trạng thiếu nước sạch đang buộc nhiều gia đình ở Derna phải rời khỏi thành phố này”, thông cáo từ Tổ chức Di trú Quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc công bố hôm 21/9, viết.