Để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ‘lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’ như nhà thơ Tố Hữu viết, đã có biết bao hy sinh, xương máu của đồng bào và chiến sĩ. Khó khăn, hiểm nguy không chỉ xuất hiện trong 55 ngày đêm diễn ra chiến dịch mà trải dài suốt quá trình chuẩn bị, từ hai lần “kéo pháo vào, kéo pháo ra” đến việc vận chuyển vũ khí, lương thực vượt mưa bom bão đạn....
Thuốc lào với chiến sĩ Điện Biên
Trong những câu chuyện về quá trình chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch lớn này, bên cạnh kỳ tích về việc vận tải hàng nghìn tấn gạo, muối, hàng đàn trâu, bò, lợn, còn có những món hàng đặc biệt, mang đậm bản sắc Việt Nam cũng góp phần làm nên chiến thắng.
Cuốn Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ (NXB Quân đội nhân dân, 1964) có bài viết nhan đề Làm tròn nhiệm vụ do Thượng tướng Hoàng Cầm kể (nhà văn Văn Phác ghi lại). Khi đó ông đang giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, câu chuyện diễn ra giữa buổi báo cáo với Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp:
“Trong lúc ăn cơm đồng chí Văn hỏi:
- Ở mặt trận, anh em thiếu gì nhất?
Tôi ngẫm nghĩ kể ra cái gì cũng thiếu, biết nói cái gì là 'nhất' cho đúng. Sau sực nhớ lại những lần đồng chí Chính ủy Đại đoàn Trần Độ xuống thăm đơn vị, chiến sĩ thường chỉ vòi thuốc lào nên tôi đáp:
- Thưa anh, anh em đang thiếu thuốc lào nhất.
Đồng chí Văn cười:
- Ừ sắp có đấy, đến ngang đường rồi.
Ở chỗ đồng chí Văn ra về, tôi mang theo một ấn tượng sâu sắc về tình cảm đẹp đẽ của quân đội cách mạng. Tôi vui mà càng lo đến nhiệm vụ mới của trung đoàn”.
Tầm quan trọng của thuốc lào với những chiến sĩ cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm. Chi tiết này xuất hiện trong hồi ký Chặng đường mười nghìn ngày (NXB Quân đội nhân dân, 2001), khi Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm theo đoàn chiến sĩ thi đua của chiến dịch Điện Biên Phủ về Việt Bắc báo cáo thắng lợi với Đảng, Chính phủ và Bác Hồ. Ông kể:
“Chúng tôi mang theo về các thứ huân chương, lon thiếu tướng của Đờ Cát, một lá cờ Pháp đã rách, một cái máy thu thanh nhỏ De Castries đã dùng. Khi ra trận thì đi bộ, mang vác nặng nề, trèo đèo lội suối, luồn rừng vất vả, khi về dong ruổi ‘ngựa xe’ - một chiếc xe tải quân sự do đồng chí Thông lái, cũng sướng lắm rồi. Tuy vậy phải ngót tuần lễ, chúng tôi mới về tới hậu phương Việt Bắc.
Dọc đường, lúc nào tôi cũng nghĩ về gặp Bác nói điều gì. Hình ảnh Bác gọi lên báo cáo kế hoạch tiến công Đông Khê trong chiến dịch Biên giới lại hiện về.
Vừa đến cơ quan Tổng cục Chính trị, anh Nguyễn Chí Thanh tổ chức đón đoàn rất trọng thể, có dựng cổng chào, kết hoa trên đường vào cơ quan. Và anh bố trí cho chúng tôi được nói chuyện ngay với Bác qua điện thoại.
Tôi vui sướng và thực sự hồi hộp:
- Báo cáo Bác, cháu phụ trách đoàn chiến sĩ thi đua từ mặt trận Điện Biên Phủ về mừng sinh nhật Bác.
- Ai bảo các chú bày vẽ việc này? - Bác nghiêm nghị hỏi.
Tôi đang ấp úng không biết trả lời thế nào thì đầu dây bên kia Bác đã gỡ bí:
- Chú Hoàng Cầm đấy phải không?
- Vâng ạ! Thưa Bác, cháu là Hoàng Cầm đây ạ!
- Các chú ở trên đó có đói không?
- Báo cáo Bác, không đói nhưng thiếu ạ!
Bác hỏi tiếp:
- Có khổ không?
Anh Nguyễn Chí Thanh đứng gần, vui vẻ nhắc tôi: "cứ nói thật với Bác là khổ lắm".
- Báo cáo Bác, có khổ ạ!
Bác xen vào:
- Các chú có thuốc lào hút không?
- Báo cáo, có ạ!”
Thượng tướng Hoàng Cầm bổ sung thêm thông tin: “Xin lưu ý bạn đọc về chuyện thuốc lào ở Điện Biên Phủ, tuy không phải là vấn đề cơ bản trong chiến đấu, nhưng lại là một nhu cầu thực tế không thể thiếu. Bộ đội ta lúc ấy đa số nông dân, nhiều người nghiện thuốc rất nặng, mà nghiện thì ‘đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên’. Không có thuốc hút, người cứ bần thần, chẳng muốn làm gì. Hiểu nhu cầu tuy nhỏ nhưng không thể thiếu ấy, Chính phủ và Bác đã chỉ thị cho hậu phương chú ý lo cho bộ đội khoản thuốc lào gửi lên mặt trận, cùng với súng đạn, gạo muối và thuốc men, nhưng do chiến đấu kéo dài, cảnh thiếu thuốc hút vẫn là vấn đề thời sự được nhắc đến hàng ngày”.
Đội quân phó cối
Đọc những trang hồi ký về việc chuẩn bị lương thực cho chiến trường Điện Biên, một chi tiết khiến các thế hệ sau bất ngờ là lực lượng hậu cần đã thành lập ‘đội quân phó cối’ làm nhiệm vụ đóng các cối để xay thóc thành gạo cung cấp cho bộ đội.
Chuyện này được Đại tá Trần Thịnh Tần, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị Tổng cục Hậu cần (trong chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Tổng cục Cung cấp tiền phương) ghi lại trong cuốn Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện (NXB Quân đội nhân dân 2009):
“Để cung cấp kịp thời lương thực cho mặt trận Điện Biên Phủ giai đoạn đầu, Tiền phương Tổng cục Cung cấp chủ trương khai thác triệt để nguồn hậu cần tại chỗ của Tây Bắc gồm Sơn La, Lai Châu, Yên Bái. Nhưng cũng có không ít băn khoăn, trăn trở của lãnh đạo vì một lẽ: Tây Bắc là một vùng núi non hiểm trở, đất rộng người thưa kinh tế nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp - mang tiếng có bốn vựa lúa lớn Thanh, Lộ, Than, Huy nhưng đồng bào vẫn đói nghèo. Một vùng đất vừa được giải phóng trong chiến dịch Tây Bắc cuối năm 1952, chưa ổn định về nhiều mặt, bọn phỉ còn gây rối, liệu có đáp ứng được nguồn lương thực tại chỗ không?
Tuy vậy, Hội đồng cung cấp Sơn La, Lai Châu, Yên Bái vẫn mạnh dạn vận động đồng bào các dân tộc ủng hộ đóng góp công sức cùng bộ đội đánh Tây giải phóng Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Theo con số thống kê được, đồng bào Tây Bắc đã đóng góp trên 10.000 tấn thóc nếp (tương đương trên 7.000 tấn gạo) và hàng trăm tấn thực phẩm, một con số đầy ý nghĩa ngoài dự liệu, đáng quý hơn nữa là số lương thực này được huy động tại chỗ, giảm đáng kể công vận chuyển từ xa tới. Một khó khăn khác là: có lúa rồi làm sao có gạo bảo đảm cho bộ đội sử dụng. Tập quán của đồng bào giã gạo tay ngày nào ăn ngày đó, năng suất lại rất thấp, mỗi lần giã chỉ một đến hai ký thóc, quả là nan giải. Vì vậy, Tiền phương Tổng cục Cung cấp quyết định thành lập ‘đội quân phó cối’ ngay tại chiến trường Điện Biên, giải quyết hàng nghìn tấn thóc nếp, thóc hương thành gạo.
‘Đội quân phó cối’ được nhanh chóng tuyển mộ trong đơn vị bộ đội, dân công, thậm chí điều từ hậu phương. Họ vào rừng chặt tre bện dây làm áo cối, chẻ nan đóng nêm, làm cần, tất cả nguyên liệu đóng cối xay toàn bằng tre. Chẳng bao lâu, mấy trăm chiếc cối xay lúa đã được cung cấp cho các kho, công trường xay giã, lúc đầu tỷ lệ gạo còn thấp nhưng rút kinh nghiệm dần dần năng suất đã cao hơn…”.
Trong cuốn Điện Biên Phủ do NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 1969, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Nhân dân ta lập được một kỳ công hoàn toàn ngoài sự ước lượng của địch; chúng ta đã bảo đảm việc cung cấp tiếp tế cho số lượng bộ đội lớn chiến đấu trên mặt trận rất xa hậu phương suốt thời gian dài, một việc mà quân địch cho là chúng ta không thể nào làm được trong chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Lê Tiên Long