Kết hợp nhiều giải pháp cả về nhận thức và kỹ thuật
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa tổng hợp thông tin nổi bật về lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam trong 7 ngày từ 20/5 đến ngày 26/5 cùng các khuyến nghị của các chuyên gia về cách thức phòng tránh những thủ đoạn lừa đảo người dân cần lưu ý.
Hệ thống đài truyền thanh cơ sở và các hình thức hoạt động thông tin cơ sở khác trên toàn quốc cũng đã được ngành TT&TT sử dụng để tuyên truyền thường xuyên tới người dân về những phương thức tội phạm mạng sử dụng để lừa đảo trực tuyến, khuyến nghị người dân cách phòng tránh; đồng thời, hướng dẫn người dân một số biện pháp cần lưu ý để trách ‘sập bẫy’ những đối tượng dùng các hình thức lừa đảo phổ biến.
Song song đó, hằng tuần Cổng không gian mạng do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC thuộc Cục An toàn thông tin vận hành đều nhận được khoảng 300 phản ánh của người dùng về các trường hợp lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam. Như vậy, ước tính mỗi ngày, hệ thống kỹ thuật của NCSC nhận hơn 42 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về các trường hợp lừa đảo trực tuyến. Các phản ánh này đều được chuyên gia NCSC kiểm tra, phân tích và từ đó có cảnh báo đến cộng đồng về các website lừa đảo, giả mạo mà người dùng cần nâng cao cảnh giác.
Việc thiết lập đầu mối tiếp nhận phản ánh các trường hợp lừa đảo trực tuyến để hỗ trợ người dân và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống lừa đảo trực tuyến là 2 trong nhiều nhóm giải pháp đã và đang được Bộ TT&TT chủ động triển khai nhằm từng bước ngăn chặn, xử lý tình trạng lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp trên không gian mạng Việt Nam.
Trên diễn đàn Quốc hội mới đây, nhận định lừa đảo trực tuyến như là một hệ lụy của chuyển đổi số và đang diễn ra trên diện rộng, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã điểm ra một số giải pháp chính đã và đang được Bộ TT&TT chủ động thực hiện để từng bước giải quyết vấn nạn này.
Thực tế, những năm gần đây, trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra mạnh, nhưng nhiều người dùng chưa được cập nhật đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo, Bộ TT&TT xác định rõ quan điểm: Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, việc triển khai những giải pháp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân là việc đặc biệt quan trọng, giúp người dân có kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình trên không gian mạng.
Cụ thể, về tuyên truyền nâng cao nhận thức, ngoài xây dựng chuỗi nội dung ‘Điểm tin tuần’ và tổ chức các kênh truyền thông để ngày càng nhiều người dân có thể nhận diện và biết cách phòng tránh các hình thức lừa đảo trực tuyến, thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã phát hành nhiều cẩm nang hướng dẫn người dân tự bảo vệ bản thân trên mạng, phòng chống lừa đảo online.
Ngoài ra, hằng năm, Bộ TT&TT đều chủ trì tổ chức chiến dịch tuyên truyền trên diện rộng, phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí truyền thông để trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân.
Những năm qua, nhiều biện pháp kỹ thuật cũng đã được Bộ TT&TT chú trọng thực hiện trong cuộc chiến đẩy lùi vấn nạn lừa đảo trực tuyến, đó là: Triển khai định danh các số điện thoại tương tác nhiều với người dân; chỉ đạo các nhà mạng xử lý SIM rác, thuê bao điện thoại không chính chủ; triển khai cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia; xây hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia; triển khai hệ sinh thái ‘Tín nhiệm mạng’; cung cấp miễn phí nhiều công cụ kỹ thuật hỗ trợ người dân kiểm tra website lừa đảo, lộ lọt thông tin...
Bảo vệ gần 11 triệu người dân khỏi các website lừa đảo, vi phạm pháp luật
Theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet, nhiều chuyên gia an toàn thông tin, đại diện các doanh nghiệp công nghệ và đông đảo người dùng Internet Việt Nam đều đánh giá cao nỗ lực của Bộ TT&TT trong ‘cuộc chiến’ với các nhóm đối tượng lừa đảo trực tuyến thời gian vừa qua.
Một kết quả nổi bật là Bộ TT&TT đã xây dựng Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia, có kết nối trực tiếp với trình duyệt Cốc Cốc và các nền tảng Zalo, SafeGate để có thể tự động bảo vệ người dân trước các website lừa đảo trực tuyến. Theo thống kê, đến nay cơ sở dữ liệu này đã tập hợp, cảnh báo hơn 124.600 địa chỉ website giả mạo, liên quan đến lừa đảo trực tuyến.
Qua vận hành hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin đã giám sát, cảnh báo và điều phối các nhà mạng ngăn chặn các tên miền giả mạo, lừa đảo ngay khi phát hiện. Tính đến hết tháng 4/2024, hệ thống kỹ thuật của Cục đã ngăn chặn hơn 11.500 website/blog vi phạm pháp luật, trong đó có gần 3.100 website lừa đảo trực tuyến. Qua đó, đã giúp bảo vệ hơn 10,7 triệu người dân trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Cùng với đó, việc triển khai hệ sinh thái ‘Tín nhiệm mạng’ tại địa chỉ tinnhiemmang.vn cũng đã thu được những kết quả tích cực bước đầu. Bên cạnh việc công bố danh sách các website không an toàn, vi phạm pháp luật liên quan đến các cuộc lừa đảo trực tuyến để nhiều người dân biết, Bộ TT&TT cũng đã gán nhãn tín nhiệm mạng cho trên 5.000 website chính thống. Nhãn xanh này tạo niềm tin cho người dân khi truy cập các website, đồng thời cũng giúp họ có ý thức cảnh giác, cẩn trọng khi vào các trang không có nhãn xanh.
Kết quả nổi bật hơn cả mà Bộ TT&TT cùng các cơ quan, đơn vị chức năng đạt được chính là đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng, lan tỏa cho vài chục triệu người dùng Internet Việt Nam về cách nhận diện và phòng chống lừa đảo trên không gian mạng. Đơn cử như, chỉ riêng chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” được tổ chức hồi giữa năm ngoái, đã lan tỏa tới 20,85 triệu người dùng với 2,1 tỷ lượt xem.
Để giải quyết một vấn nạn xã hội như lừa đảo trực tuyến, Bộ TT&TT nhận thức rõ thời gian tới vẫn còn rất nhiều việc phải làm và ‘cuộc chiến’ với lừa đảo trực tuyến cần có được sự tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, những nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng như bản thân người dùng.
Theo thống kê, có khoảng 26 hình thức lừa đảo trên không gian mạng đang diễn ra thường xuyên tại Việt Nam, nhằm vào các đối tượng sinh viên, người lao động thu nhập thấp, phụ huynh, người cao tuổi… Các vụ việc lừa đảo thường xảy ra rất nhanh, dòng tiền sẽ nhanh chóng được chuyển đi, bị mất dấu và hoàn toàn không thể lấy lại. |