Một cuộc khảo sát trên không ở phía bắc Guatemala đã khám phá ra hơn 60.000 kiến trúc thời Maya. Đó là các kim tự tháp; các con đường đắp cao băng qua vùng lầy; các di tích nền móng và các pháo đài.
Đó là một bước đột phá cực lớn, dẫn dắt giới khảo cổ học đến các địa điểm mới, với rất nhiều kiến trúc chưa được phát hiện. Tom Garrison, một nhà khảo cổ học chuyên sâu về văn hóa Maya, cho biết với nhiều yếu tố được khám phá, có thể chúng ta sẽ phải ước tính lại lượng dân Maya từng tồn tại trên Trái đất. Là một nhà khảo cổ chuyên về nền văn hoá Maya, ông đồng thời cũng là một trong những nhà tài trợ chính cho việc tổ chức cuộc khảo sát này. Ông cho biết, mặc dù sống ở khu vực rừng cây đồi núi, nhưng các kiến trúc của người Maya không hề tàn phá hủy hoại thiên nhiên xung quanh như thời bây giờ.
Cuộc khảo sát sử dụng một công nghệ cảm biến laser để khảo sát đối tượng từ xa - công nghệ mang tên Lidar. Nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng chùm tia laser chiếu từ máy bay xuống mặt đất và đo bước sóng phản hồi để thiết lập hình ảnh ba chiều chi tiết của những vật thể trên mặt đất. Công nghệ này hoạt động tương tự như cái cách loài dơi phát hiện và săn mồi, chỉ khác là thiết bị này sử dụng sóng ánh sáng thay vì sóng âm.
"Lidar như một cỗ máy thần kỳ vậy.", Ông Lucero cho biết. Ở những vùng đất trũng tại Guatemala, đoàn khảo sát rất dễ bỏ sót hoàn toàn các khu khảo cổ hay địa điểm khảo sát. David Stuart, một nhà nhân chủng học tại đại học Austin, người đã theo sát dự án này, cho biết Lidar đã lập bản đồ địa hình với độ chính xác tuyệt đối trên từng chi tiết, với chỉ duy nhất một thao tác bấm nút khởi động.
Garrison và các đồng nghiệp đã khai quật một địa điểm thuộc nên văn minh Maya ở miền bắc Guatemala có tên là El Zotz, đồng thời xác lập bản đồ vị trí khu vực này một cách vô cùng kỹ lưỡng trong nhiều năm qua. Sau những cuộc khảo sát định kỳ, ông đã phát hiện ra bức tường thành dài tới 9 mét mà chưa ai từng khám phá ra trước đây.
Garrison đã trực tiếp đến vị trí của bức tường đất dài 9m vào tháng 6 năm 2017. Ông và đội khảo sát cho rằng cuộc chiến tranh của người Maya không chỉ là những cuộc chiến nhỏ lẻ, mà nó có quy mô của những trận đại chiến kinh hoàng.
Lidar lần đầu tiên được sử dụng trong ngành khảo cổ học là vào năm 1985, tại Costa Rica. Nhưng phải đến năm 2009, nó mới được tái sử dụng để khảo sát Belize, một khu vực từng có người Maya sinh sống.
Payson Sheets, trưởng đoàn khai quật ở Costa Rica, nơi Lidar được sử dụng lần đầu, nói: “Đối với thế kỷ 21, Nó có thể được so sánh với phương pháp định niên đại bằng cacbon phóng xạ của thế kỷ trước.”
Sheets, một nhà nhân chủng học tại Đại học Colorado Boulder thì cho rằng: "Lidar là cuộc cách mạng thực sự.”
Trong cuộc khảo sát mới này, với nguồn tài trợ từ Quỹ PACUNAM, đội khảo sát đã khảo sát trên tổng diện tích 810 dặm vuông (2.100 km vuông), với hơn 10 khu vực riêng biệt ở miền bắc Guatemala. Một số khu vực đã được lập bản đồ thủ công, còn lại phần lớn chưa được khám phá. Họ đã tìm thấy hơn 60.000 tồn tích các công trình kiến trúc. Garrison cho biết hầu hết là nền đá của những ngôi nhà lợp bằng rơm rạ. Tuy nhiên, cũng có những tồn tích có khả năng cao từng là kim tự tháp, cầu đường và pháo đài.
Bản đồ lidar có thể chỉ ra chính xác những con đường người Maya đã xây dựng. Họ không sử dụng động vật để hỗ trợ đi lại, vì vậy, không thể dùng xe kéo đi trên những con đường này được. Những lối đi này nhiều khả năng được dùng làm cầu đường trong những mùa mưa ướt lầy lội, hoặc là đường đi cho đám đông diễu hành.
Một điều cũng rất thú vị là các khoảng trống trên bản đồ lidar - nơi không có dấu vết người Maya sinh sống. Không ai muốn khảo sát một điểm trống cả, tuy nhiên, cách lựa chọn địa điểm sinh sống rất tinh tế của họ, nơi họ muốn an cư lạc nghiệp, sẽ là chìa khóa giải đáp cho các khúc mắc bấy lâu nay, về việc họ đã sinh tồn ra sao.
"Nó sẽ thay đổi quan điểm của chúng ta về quần thể dân cư và về cái cách người Maya đã từng sinh tồn," Stuart nói. "Bằng cách có được những hình ảnh chính xác hơn về những gì còn sót lại ở đó, chúng ta có thể bắt đầu nghiên cứu về những tập tục, những thói quen canh tác, về cái cách họ sử dụng đường xá cũng như thông tin liên lạc với nhau."
Theo GenK