Cuối tháng 9 năm 2021, giới chức Amsterdam đã công bố một kế hoạch đầu tư tới 4 triệu euro để xây mới và nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh công cộng trong thành phố cho đến năm 2026. Trước đó, Tổ chức Nhà vệ sinh Hà Lan (DTO) đã cho triển khai thử nghiệm nhiều loại bốt vệ sinh công cộng với đủ loại hình dạng và công năng khác nhau.
Đầu tiên, để ngăn chặn vấn nạn du khách "tiểu bậy" trên đường phố, Amsterdam đã lắp đặt 12 bốn tiểu tại GreenPees ở ngay các chậu cây tại các "điểm nóng" du lịch như khu phố đèn đỏ, Leidseplein hay Rembrandtplein.
Những bồn tiểu đứng này được phát minh bởi Richard de Vries của công ty Urban Senses. Theo đó, nước tiểu thu được sẽ được xử lý và sử dụng để làm phân bón. Bên cạnh đó, nước tiểu được cho là có thể tạo ra điện từ cung cấp năng lượng cho đèn chiếu sáng.
"Việc tiểu bậy vào tường sẽ làm hỏng các công trình kiến trúc có tính lịch sử. Việc này cũng vô cùng mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường và thu hút ruồi muỗi. Ý tưởng này sẽ giúp xử lý được những vấn đề kể trên nhờ biến nước tiểu thành phân bón", ông Richard de Vries chia sẻ với CNN.
Sau khi làm giảm tỷ lệ tiểu bậy ở một số điểm tại Amsterdam tới gần 50%, giới chức Hà Lan sẽ tiếp tục triển khai lắp đặt GreenPees ở các thành phố của Hà Lan là Vlaardingen và Beekbergen, cũng như ở Mechelen và Genk của Bỉ.
Tuy nhiên, chỉ 12 bốt tiểu GreenPees cho nam được cho là không hề đủ. Việc tìm những nhà vệ sinh công cộng cho nữ hay người khuyết tật còn quá khó khăn. Nhiều quán bar, nhà hàng hay quán cafe thậm chí thu phí đi vệ sinh của khách lên tới 1 euro mỗi lần. Trong khi, nếu bị phát hiện tiểu bậy thì du khách có thể bị phạt một số tiền khoảng 90 euro.
Theo một nghiên cứu của Tòa án Kiểm toán Amsterdam, hơn nửa số khu vực tập trung đông người đi bộ của thành phố không có đủ các nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn. Báo cáo nêu rõ: "Theo dữ liệu kiểm kê, toàn bộ Amsterdam có tổng cộng 112 nhà vệ sinh công cộng, trong đó có 56 nhà vệ sinh phù hợp cho cả nam giới và phụ nữ, 50 nhà vệ sinh phù hợp cho những người đi xe lăn. 34 trong số 56 nhà vệ sinh miễn phí, số còn lại yêu cầu thu phí dịch vụ, dao động từ 0,20 đến 1 euro. Đặc biêt, có rất ít nhà vệ sinh mở cửa cả ngày.
Một sự thật khó tin khác là, mỗi năm trung bình có khoảng 15 người chết trong khi tiểu bậy ở khu vực kênh đào Amsterdam. Đa phần những tai nạn thường xảy ra vào ban đêm, khi trời tối, nhiệt độ giảm sâu cộng thêm việc những nạn nhân say xỉn không tỉnh táo. Huyết áp của họ sẽ tăng lên đột ngột, mất thăng bằng và rơi xuống kênh. Nước kênh lạnh giá khiến những người ngã xuống tê liệt chỉ sau vài phút.
Năm 2011, cảnh sát Amsterdam cùng lúc đã phát hiện tới 4 nạn nhân bị ngã xuống kênh vì tiểu bậy quanh khu vực Leidseplein.
Hội đồng thành phố sau đó phải lắp đặt ngay những bốt vệ sinh công cộng "lộ thiên" như một giải pháp tình thế. Những bốt vệ sinh này giống như đầu của một chiếc tuốc nơ vít, gồm bốn khoang bằng nhựa có bồn tiểu.
Dù vậy, sáng kiến này chắc chắn không dành cho những người dễ xấu hổ vì không phải ai cũng dám giải quyết "nỗi buồn" trước mặt người qua đường. Đó là lý do để thành phố này tiếp tục cho lắp đặt những nhà vệ sinh công cộng ngầm dưới mặt đất.
Công ty Urilift International BV là đơn vị đứng sau việc triển khai hàng loạt loại nhà vệ sinh công cộng ngầm có tên gọi là Urilady, Urilift, Urivisible và Urilift Combi. Tất cả đều có đặc điểm chung là dịch chuyển lên từ dưới lòng đất bằng thang máy thủy lực.
Urilady là một cabin vệ sinh đơn dành riêng cho phụ nữ được trang bị gương cũng như giấy vệ sinh. Trong khi, Urilift với thiết kế các bồn tiểu đứng dành cho nam. Cả hai loại được được gắn hệ thống tự làm sạch, đèn chiếu sáng và máy sưởi hiện đại.
Đỗ An (Tổng hợp)