"Không thể trông chờ vào những chính sách ưu tiên người nghèo mãi được"
Ở xóm Bình An, xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, nhiều năm nay vẫn chia sẻ câu chuyện của gia đình anh Lý Vần Phụng (37 tuổi). Người đàn ông dân tộc Dao đã tự nguyện viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của xã dù vẫn chưa đủ điều kiện thoát nghèo. Nhưng nghị lực của người trẻ tuổi, tin vào khả năng của bản thân, thôi thúc anh phải tự lực vươn lên bằng sức lao động của mình thay vì trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước hay cộng đồng xã hội.
Nhà anh Phụng có 4 nhân khẩu, kinh tế còn nhiều khó khăn. Cuộc sống quẩn quanh với ngô, lúa, mỗi năm chỉ đưa về cho gia đình anh khoảng 10 triệu đồng. Chính quyền địa phương đưa gia đình anh vào diện hộ nghèo nhằm tạo điều kiện được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
5 năm ở trong danh sách này, anh không ỷ lại vào sự giúp đỡ từ bên ngoài đơn thuần mà tích cực phát huy nội lực, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, sử dụng cây, con giống năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng, chăm sóc; ủ chua thức ăn chăn nuôi bò... Nghĩ hai vợ chồng có sức khỏe, phải cố gắng lao động sản xuất, anh quyết tâm viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.
Những người như anh Phụng khiến bà con trong xóm, xã và các cấp chính quyền huyện Nguyên Bình khâm phục bởi từ trước đến thời điểm anh viết đơn, chưa có trường hợp nào làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo.
Cũng ở tỉnh Cao Bằng, huyện Hạ Lang năm 2023 có 179 hộ nghèo, 137 hộ cận nghèo tự nguyện xin ra khỏi diện nghèo, cận nghèo thể hiện quyết tâm tự lực vươn lên trong cuộc sống. Trong số này, xã Thống Nhất có 54 hộ xin thoát nghèo, cận nghèo; xã Lý Quốc có 52 hộ xin thoát nghèo, cận nghèo; các xã, thị trấn khác có từ 20 - 30 hộ.
Tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, câu chuyện viết đơn xin thoát nghèo của nhiều cụ ông, cụ bà tuổi nay cận kề 90 đã khiến nhiều người nể phục.
Điển hình như cụ Quyền Thị Dưỡng, 85 tuổi, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, người đã sống một cuộc đời đầy nỗ lực, quyết tâm nuôi dưỡng con cái trưởng thành. Trải qua nhiều vất vả, nỗi đau chồng chất, nhưng cụ vẫn quyết tâm xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để nhường cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Tính chủ động, tự lập trong người phụ nữ ấy vẫn duy trì bền bỉ. Hàng ngày, cụ vẫn chăm chỉ với công việc trồng rau, nuôi gà, không phiền con cháu trợ giúp.
Ở xã Đức Ninh có 2 cụ Nguyễn Thị Tuyết, thôn Cây Xoan và cụ Mai Thị Đà, thôn 20, đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Các cụ đều có chung suy nghĩ, những năm qua, Nhà nước, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến hộ nghèo và người cao tuổi. Những hỗ trợ của xã hội "nhận vậy là đủ rồi", vì thế các cụ làm đơn xin thoát nghèo, để phần quan tâm chế độ dành cho các hộ nghèo khác có sức khỏe lao động, có khát khao vươn lên.
Ở Hàm Yên, từ năm 2021 đến nay có 10 lá đơn đặc biệt: Đơn xin trả sổ hộ nghèo và xin thoát nghèo. Có nhiều "động cơ" để những hộ nghèo này viết đơn, nhưng hơn cả, họ đều chung suy nghĩ "không thể trông chờ, ỷ lại".
"Suốt 3 năm liền gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nhưng bản thân tôi nhận thấy cứ trông chờ vào những chính sách ưu tiên người nghèo mãi không thể được. Tôi phải tự vượt khó, vươn lên…", ông Trần Văn Thiên, thôn Tân Hùng, xã Hùng Đức (Hàm Yên), viết trong lá đơn xin thoát nghèo năm 2023.
Chân lý của người luôn có ý thức vươn lên
Thực tế, sau nhiều năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các địa phương xác định đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Cấp uỷ, chính quyền từ cấp tỉnh, huyện, xã đến thôn xóm đều thống nhất quan điểm giảm nghèo bền vững, đa chiều là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách, xây dựng triển khai các nhiệm vụ giảm nghèo theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo ở không ít địa phương chưa thật sự mang tính bền vững, vẫn còn một bộ phận hộ gia đình thoát nghèo nhưng có nguy cơ tái nghèo. Chưa kể, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và một bộ phận người dân, người nghèo, nhất là tại các xã, xóm, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa thật sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thậm chí, vẫn còn có gia đình tuy kinh tế đã ổn định sau thời gian được nhận hỗ trợ sinh kế và các chiều dịch vụ xã hội khác, nhưng không đồng ý rút khỏi danh sách hộ nghèo chỉ vì vẫn mong muốn được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Vì thế, những trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số như anh Phụng hay cụ Dưỡng, cụ Tuyết hay ông Thiên... trên đây, là trường hợp đặc biệt, có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Khi cuộc sống phần nào vơi bớt khó khăn, họ muốn sự hỗ trợ ấy sẽ san sẻ, dành cho những người khó khăn hơn, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Họ dù biết không còn là hộ nghèo, cận nghèo thì gia đình không còn được nhận các khoản hỗ trợ nhưng đều sẵn lòng tự nguyện xin thoát nghèo. Những "lá đơn đặc biệt" gửi từ đồng bào dân tộc thiểu số, từ các huyện còn nhiều khó khăn vùng Đông Bắc bộ, đã truyền cảm hứng về chân lý: Muốn thoát nghèo, ngoài sự hỗ trợ phải có quyết tâm vượt khó, bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Chỉ khi có quyết tâm, cố gắng lao động sản xuất, có mô hình phát triển kinh tế phù hợp mới có thể thoát nghèo bền vững.